Kinhtedothi - Trong phiên họp ngày 18/6, Quốc hội đã tiến hành thủ tục bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga. Đồng chí Phạm Quang Nghị - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã trả lời một số câu hỏi của báo chí về một số vấn đề liên quan đến bà Châu Thị Thu Nga.
Đồng chí Phạm Quang Nghị - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã trả lời một số câu hỏi của báo chí về một số vấn đề liên quan đến bà Châu Thị Thu Nga.
Là Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, xin ông cho biết vì sao bà Châu Thị Thu Nga bị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội?
- Bà Châu Thị Thu Nga là đại biểu tự ứng cử, được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XIII, sinh hoạt tại đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. Khi tự ứng cử, bà Nga là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất (tên giao dịch là Housing Group).
Nguyên nhân bà Nga bị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội là do bà có nhiều sai phạm trong hoạt động kinh doanh. Những người bị thiệt hại đã làm đơn tố cáo bà có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt của họ, với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng. Các cơ quan chức năng đã tiến hành thanh tra, xác minh những nội dung tố cáo trên là đúng.
Bà Nga đã bị khởi tố, bị bắt tạm giam để điều tra về tội "lừa đảo, chiếm đoạt tài sản" từ ngày 7/1/2015. Xét thấy bà Nga không còn đủ tư cách và uy tín để tiếp tục làm đại biểu Quốc hội, nên Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, MTTQ Việt Nam, MTTQ TP Hà Nội đều nhất trí đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của bà Châu Thị Thu Nga.
Theo ông, đây có phải là một sự cố bất ngờ?
- Thật ra, những ai quan tâm đến vụ việc thì đều có thể đoán được kết cục tất yếu phải đến với bà Nga. Từ khi làm hồ sơ tự ứng cử, bà đã có biểu hiện không trung thực khi kê khai trình độ học vấn. Bà đã khéo léo tranh thủ một số cơ quan báo chí để bênh vực cho việc làm không trung thực ấy, cũng như rất tích cực lợi dụng các phương tiện truyền thông để tuyên truyền, quảng bá đề cao cá nhân và công ty của mình để gây uy tín trước khi cuộc bầu cử diễn ra. Đặc biệt, khi đã là đại biểu Quốc hội, bà đã có những sai phạm rất nghiêm trọng trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, gây hậu quả xấu cho xã hội và trực tiếp ảnh hưởng đến tư cách, uy tín đại biểu Quốc hội của bà, cũng như cho hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. Những lần tiếp xúc cử tri gần đây, nhiều người dân đã tụ tập, đưa đơn phản đối, tố cáo bà, ảnh hưởng rất bất lợi không chỉ cho cá nhân bà Nga mà cho cả uy tín và hoạt động chung của Đoàn. TP Hà Nội đã chỉ đạo cơ quan Thanh tra của TP tiến hành thanh tra các dự án mà Công ty bà Nga đang tiến hành trên địa bàn và đã có kết luận về từng nội dung vi phạm của Công ty do bà Nga làm Chủ tịch HĐQT.
Có ý kiến cho rằng, hiện nay bà Nga chưa bị Tòa án xét xử, chưa kết luận bà Nga có tội hay không, việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của bà Nga có là vội vàng, có đúng Luật hay không?
- Những ý kiến như vậy đã được nêu lên, khi trao đổi việc đến thời điểm này đã có thể bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của bà Nga hay chưa, nên đợi hay không đến khi Tòa kết án bà Nga có tội, hay không có tội?
Theo tôi hiểu, việc Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của bà Nga xuất phát từ những căn cứ đã được các cơ quan có trách nhiệm thanh tra, điều tra xác nhận, những vi phạm trong hoạt động đầu tư, huy động vốn trái phép, việc bà không có khả năng khắc phục hậu quả do sai phạm của bà gây ra và đã gây hậu quả xấu đối với môi trường đầu tư, với tình trạng khiếu kiện đông người kéo dài đặt ra cho các cá nhân, các cơ quan phải gánh chịu, trong đó có hàng trăm lá đơn phản ánh, tố cáo của khách hàng.
Với những tình tiết đã rõ ràng như vậy, bà Nga đã không còn tư cách và uy tín để tiếp tục làm đại biểu Quốc hội. Việc tới đây Tòa án xét xử bà ra sao, cái đó liên quan đến tư cách và quyền công dân của bà Nga, chứ không đơn thuần là tư cách đại biểu Quốc hội.
Trong một nhiệm kỳ mà có tới hai đại biểu Quốc hội bị bãi nhiệm, mà cả hai đều là nữ Doanh nhân và đều là đại biểu tự ứng cử - bà Đặng Thị Hoàng Yến và bà Châu Thị Thu Nga. Ông có nhận xét gì về điều này?
- Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta có nhiều chủ trương thực hiện mở rộng dân chủ trong ứng cử, bầu cử đại biểu Quốc hội. Trong đó có việc khuyến khích đại biểu tự ứng cử và tăng tỷ lệ đại biểu không phải là đảng viên. Tôi nhận thấy, để thực hiện tốt chủ trương đó, chúng ta cần phải hoàn thiện hơn nữa các quy trình, thủ tục, nhất là ở các khâu nhận xét, đánh giá, giới thiệu những người tự ứng cử. So với những người được các tập thể, các tổ chức giới thiệu, thì quy trình xem xét lựa chọn chặt chẽ hơn rất nhiều so với những người tự ứng cử.
Xin trân trọng cảm ơn ông!