Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Bà đầm thép” Margaret Thatcher và di sản gây tranh cãi

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau nhiều năm vật lộn với bệnh mất trí nhớ, “Bà đầm thép” Margaret Thatcher đã qua đời ở tuổi 87 sau một cơn đột quỵ. Sự ra đi của nữ Thủ tướng duy nhất và cầm quyền lâu nhất ở Anh trong vòng 150 năm qua (từ 1979 - 1990) một lần nữa đã làm dấy lên sự chia cắt trong quan điểm của truyền thông cũng như người dân xứ sở sương mù.

 
“Bà đầm thép” Margaret Thatcher và di sản gây tranh cãi - Ảnh 1
Sinh năm 1925 trong một gia đình tiểu thương ở miền Trung nước Anh, bà Thatcher đã tốt nghiệp khoa Hóa Đại học Oxford danh tiếng nhưng gần như không sử dụng đến vốn kiến thức đó của mình khi bắt đầu sự nghiệp chính trị vào năm 1953. Chỉ 6 năm sau đó, ở tuổi 34, bà Thatcher được bầu vào Hạ viện và bắt đầu con đường chinh phục vị trí quyền lực nhất trên chính trường nước Anh. 16 năm sau, bà thay thế cựu Thủ tướng Edward Heath trên cương vị người đứng đầu đảng Bảo thủ để rồi trở thành Thủ tướng Anh năm 1979, sau chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử mùa xuân. Phương hướng, đường lối và chính sách điều hành của bà đã tạo nên những tác động khổng lồ với đời sống của nước Anh và cả thế giới. Trong đó, tư tưởng cốt lõi của "chủ nghĩa Thatcher" được hình thành trên sự cạnh tranh, sự tiết kiệm và tự lực cánh sinh đã giúp kinh tế nước Anh vượt qua khó khăn, dần hồi và trở thành một quyền lực tài chính tại châu Âu. Đặc biệt là chính sách bán nhà công cho người thuê nhà và qua đó giúp tăng tỷ lệ sở hữu nhà ở đã làm hàng triệu người Anh cảm kích. Trên chính trường quốc tế, đóng góp của bà Thatcher đã góp phần làm thay đổi vòng cung chính trị thế giới, nơi các quốc gia từng quay lưng lại với nhau có thể cùng hợp tác, từ đó dẫn tới hệ quả tất yếu là chấm dứt Chiến tranh lạnh.
 
“Bà đầm thép” Margaret Thatcher và di sản gây tranh cãi - Ảnh 2
Hoa và sách của những người yêu quý Margaret Thatcher đặt trước cửa nhà bà vào ngày 8/4.   Ảnh: AFP

Theo thông báo của Văn phòng Thủ tướng Anh, tang lễ của bà Thatcher sẽ được tổ chức giản dị tại nhà thờ St.Paul vào ngày 17/4 với sự tham gia của lãnh đạo cấp cao nhiều nước trên thế giới và đại diện của Hoàng gia Anh.

Tuy nhiên, chính sự cứng rắn, dám nói dám làm của bà cũng để lại nhiều di sản gây tranh cãi. Cách mà truyền thông nước Anh đưa tin về sự ra đi của "bà đầm thép" hôm 8/4 là minh chứng rõ ràng nhất khi tờ Daily Mail thuộc cánh hữu giật tít "Người phụ nữ đã cứu vớt nước Anh" trong khi tờ Daily Mirror thuộc cánh tả đã chạy tít "Người đàn bà chia đôi đất nước" đã qua đời. Đặc biệt, các biện pháp đàn áp công đoàn, tư hữu hóa ngành công nghiệp Anh, đụng độ với các đồng minh châu Âu và tham gia một cuộc chiến xa xôi để giành lại quần đảo Falkland/Malvinas từ Argentina không chỉ khiến bà suýt mất mạng trong một vụ đánh bom mà còn khiến sau này hình ảnh của Thatcher vừa được yêu mến, vừa bị ghét bỏ. Những người yêu mến đã tới Belgravia để hoa trên bậc thềm nhà bà, trong khi một số kẻ đã để lại một lọ sữa. Với nhiều người Anh, bà sẽ mãi vẫn chỉ là "Maggie Thatcher, kẻ đánh cắp sữa tươi" vì đã cắt bỏ chế độ sữa miễn phí cho trẻ em khi còn là Bộ trưởng Giáo dục vào năm 1971.

Dù đi vào lịch sử nước Anh với tư cách là một trong nữ Thủ tướng đầu tiên và vĩ đại nhất nhưng cũng gây nhiều tranh cãi nhất, nhưng những mỹ từ của những nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới dành tặng cho bà như Tổng thư ký Liên Hợp quốc, Tổng thống Mỹ... là một sự tưởng thưởng xứng đáng cho những đóng góp của "bà đầm thép" với xứ sở sương mù nói riêng, thế giới nói chung.