“Bà đỡ” của những lao động nhập cư

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với hơn 100 lao động là dân nhập cư tại quận Gò Vấp, chị Cúc như vị ân nhân vì giúp đỡ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn.

Chị Đặng Thị Bạch Cúc, Chủ nhiệm Cơ sở may gia công Bạch Văn ở phường 10, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh được Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tuyên dương là người phụ nữ làm kinh tế giỏi. Đặc biệt, đối với hơn 100 lao động là dân nhập cư tại quận Gò Vấp, chị Cúc như là một vị ân nhân vì đã tạo công ăn việc làm, giúp đỡ nhiều công nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Năm 2006, từ Bến Tre lên thành phố, gia đình chị Cúc gặp nhiều khó khăn. Chồng làm giáo viên tiểu học, còn chị ở nhà nuôi con. Với chút kinh nghiệm về nghề may, chị đã vay vốn, mua máy để nhận hàng về may gia công tại nhà.

 
(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)
Nhận thấy trong khu phố có nhiều chị em phụ nữ nhàn rỗi, không có thu nhập, chị đã nảy ra ý tưởng lập thành tổ may gia công, chia hàng và dạy các chị may, giúp tăng thu nhập cho họ.

Từ 5 người, dần dần tổ may của chị Cúc đã có hơn 100 người. Để công việc chạy đều, chị Cúc vừa tự học vừa dạy lại cho công nhân cắt may, làm thành sản phẩm toàn diện, không phải nhận may theo từng khâu như trước. Từ đó, chị mở rộng cơ sở sản xuất để tăng thu nhập cho người lao động.

Chị kể: “Khi mở rộng được cơ sở thì vấn đề vốn không đơn giản; rồi chất lượng vải vóc mình chưa biết như thế nào bởi có hàng giả, hàng nhái. Cơ sở của tôi đã gặp trường hợp vậy rồi. Khi may xong, mang giao cho đối tác, họ phát hiện ra không đúng chất liệu, mình đã chấp nhận ôm về, bỏ đi may lại để tạo uy tín cho khách hàng”.

Nhờ mở rộng quy mô sản xuất, chị Cúc đã thành lập các nhóm may “vệ tinh” dành cho những hộ gia đình có con nhỏ, những người nuôi người già, ốm yếu có điều kiện làm thêm… Hiện cơ sở của chị có hơn 10 nhóm, trung bình mỗi nhóm có 4 công nhân nhận may sản phẩm theo mẫu.

Đối với những người có hoàn cảnh khó khăn, chị đã đầu tư máy móc, hàng hóa cho họ. Như gia đình chị Võ Thị Mầu, chồng làm thợ hồ, vợ là công nhân, phải ở thuê trong căn phòng chật hẹp. Từ khi được chị Cúc cho mượn máy may công nghiệp về may tại nhà, chị vừa có điều kiện chăm sóc hai con nhỏ, vừa có thu nhập 4 triệu đồng mỗi tháng nên thoát khỏi cảnh túng thiếu.

Để đảm bảo việc làm thường xuyên cho công nhân, chị Cúc chủ động đi tìm kiếm nguồn hàng, mở rộng đối tác. Hiện nay, doanh thu của cơ sở may gia công Bạch Văn đạt trên 1 tỷ đồng mỗi năm. Công nhân của chị có thu nhập mỗi tháng khoảng 3,5 triệu đồng đối với những người làm thêm và 6 triệu đồng đối với thợ may chính.

Biết tính toán, làm ăn hiệu quả và tích cực hỗ trợ việc làm cho chị em phụ nữ, chị Cúc đã được Hội Phụ nữ phường quan tâm, tạo điều kiện, giới thiệu các đơn hàng may đồng phục học sinh tại các trường học.

Chị Lê Thị Thanh Huyền, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 10, quận Gò Vấp cho biết: “Từ khi cơ sở mở ra góp phần giải quyết được khó khăn trong công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương rất nhiều; giúp hoạt động của phong trào thêm động lực, thu hút nhiều chị em tham gia các hoạt động của hội hơn. Hội cũng phối hợp quảng bá và tìm kiếm nhân công, đi tìm các nguồn hợp đồng ở các trường trên địa bàn”.

Đã có hơn 100 công nhân có việc làm với thu nhập ổn định, nhưng chị Cúc vẫn luôn trăn trở để nâng cao đời sống cho anh chị em công nhân. Vừa qua, cơ sở may của chị Đặng Thị Bạch Cúc đã được cấp giấy phép thành lập công ty, mở thêm một cánh cửa việc làm cho những người lao động nhập cư không chỉ riêng tại địa bàn quận Gò Vấp.