Ba Lan che đậy vụ Nord Stream bị phá huỷ?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo tờ Wall Street Journal, khi theo dấu các manh mối trên tại Ba Lan, các nhà điều tra đã bị cản trở bởi quan chức chính phủ và cơ quan thực thi pháp luật của nước này.

Hôm thứ Hai, tờ Wall Street Journal cho biết các quan chức Ba Lan đã giấu kín bằng chứng cũng như cố gắng ngăn chặn một cuộc điều tra quốc tế về vụ đánh bom đường ống dẫn khí Nord Stream, làm dấy lên những nghi ngờ của các nhà điều tra về động cơ của nước này.

Các đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và Nord Stream 2, nối Nga với Đức thông qua biển Baltic – đã bị phá hủy trong một vụ nổ gần đảo Bornholm, Đan Mạch vào tháng 9/2022. Theo giả thuyết từ cuộc điều tra chung giữa Đức, Đan Mạch và Thụy Điển, một nhóm quân nhân Ukraine đã thuê chiếc du thuyền ở Đức từ một công ty Ba Lan để vận chuyển chất nổ đến địa điểm gây ra vụ nổ.

Các đường ống Nord Stream 1 và 2 dẫn khí giữa Nga và Đức qua Biển Baltic đã bị phá hủy vào tháng 9/2022. Ảnh: RT
Các đường ống Nord Stream 1 và 2 dẫn khí giữa Nga và Đức qua Biển Baltic đã bị phá hủy vào tháng 9/2022. Ảnh: RT

Theo tờ Wall Street Journal, khi theo dấu các manh mối trên tại Ba Lan, các nhà điều tra đã bị cản trở bởi quan chức chính phủ và cơ quan thực thi pháp luật của nước này.

Bên cạnh đó, một số nguồn tin cho biết chính quyền Ba Lan đã không chuyển giao lời khai của nhân chứng tiếp xúc với các thủy thủ của chiếc thuyền gây ra vụ nổ tại cảng Kolobrzeg của nước này cho đến khi cảnh sát Đức gây sức ép. Còn theo tờ Wall Street Journal, các đoạn clip do camera an ninh ghi lại vụ xung đột tại cảng sau đó đã bị cơ quan an ninh Ba Lan ABW giữ lại hoặc làm can thiệp nội dung.

Những nhà điều tra cho biết các công tố viên Ba Lan nói rằng họ không tìm thấy bất kỳ dấu vết của vụ nổ trên chiếc thuyền, bất chấp việc chưa từng lên đó để kiểm tra. Theo các phương tiện truyền thông, những cuộc điều tra sau đó đã tìm thấy số lượng không nhỏ dư chất nổ trên tàu.

Những công tố viên này còn nói với các nhà điều tra từ châu Âu rằng những chiếc thuyền đã đến Kolobrzeg vào lúc 4 giờ chiều ngày 19/9, trong khi thực tế nó đã neo đậu từ bảy tiếng trước đó.

Tờ Wall Street Journal cho biết ABW cũng thông tin với các cơ quan liên quan tại châu Âu rằng chiếc du thuyền có liên quan đến Nga. Tuy nhiên, các nhà điều tra đã phủ nhận về điều này.

Theo tất cả các dữ liệu hiện có, không có bất kỳ cơ quan tình báo phương Tây này nghi ngờ việc Nga đứng sau vụ đánh bom này. Khí đốt được bán cho châu Âu thông qua đường ống Nord Stream là nguồn thu khổng lồ của Moscow cũng như là công cụ đòn bẩy của Điện Kremlin.

Tờ Wall Street Journal đặt dấu hỏi về những động cơ của Ba Lan đằng sau việc cản trở các nhà điều tra tiếp cận sự thật. Tuy vậy, do những hành vi trên chủ yếu được thực hiện bởi chính phủ tiền nhiệm, các nhà điều tra hy vọng thủ tướng mới Donald Tusk sẽ tạo điều kiện cho họ được gặp các cảnh sát và nhân viên vốn phải giữ im lặng do áp lực.

Theo một giả thuyết khác của nhà báo Mỹ Seymour Hersh, CIA phải chịu trách nhiệm về vụ nổ Nord Stream. Trích dẫn các nguồn tin trong giới tình báo, ông lập luận các thợ lặn CIA đã hợp tác với Hải quân Na Uy để cài bom kích hoạt từ xa vào mùa hè năm ngoái, đồng thời sử dụng các cuộc tập trận của NATO trong khu vực để che đậy.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng ủng hộ lời giải thích này khi từng tuyên bố việc phá hoại đường ống có thể do người Mỹ hoặc một bên nào khác đứng ra hỗ trợ Kiev thực hiện.