Bà Trần Thị Quốc Khánh – Một đại biểu Quốc hội hết lòng vì Dân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhìn bà say sưa nói về dự án Luật Hành chính công với tập hồ sơ dày trên 500 trang do bà dày công nghiên cứu, soạn thảo, không ít người phải thán phục, ngưỡng mộ.

Bà cũng là đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đầu tiên chủ động xây dựng một dự án luật. Có lẽ, nhìn thấu sự tâm huyết của người đại biểu của dân trong bà, nên bà là trường hợp “hy hữu” tiếp tục được Trung ương giới thiệu tái cử lần này. Đó là ĐBQH, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Trần Thị Quốc Khánh - TS Luật, cử nhân báo chí, ĐBQH các khóa XI, XII và XIII TP Hà Nội.

Trăn trở lấp những khoảng trống pháp luật…

Vốn là người được đào tạo về luật và có nhiều năm làm công tác Tư pháp ở Thủ đô Hà Nội, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh cho hay, bà nhìn thấy khá nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực thi pháp luật. Đến khi làm ĐBQH, bà càng có điều kiện nắm bắt được những bất cập trên nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương cụ thể hơn.
Ứng cử viên ĐBQH khóa XIV Trần Thị Quốc Khánh.
Ứng cử viên ĐBQH khóa XIV Trần Thị Quốc Khánh.
Đến khi Quốc hội họp bàn xem xét trách nhiệm để xảy ra các vụ Vinalines và Vinashin, nhiều ý kiến cho rằng, để xảy ra vụ việc đến mức độ đó có phần nguyên do từ việc không có hành lang pháp lý trong vấn đề quản trị công, thiếu sự công khai, minh bạch trong quản lý điều hành. Lúc này, ý tưởng cần có một luật về hành chính công hình thành trong bà rõ ràng hơn. Dành thời gian nghiên cứu các báo cáo của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, bà càng thấy nội tại nền hành chính cần một hành lang pháp lý minh bạch, vừa thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp, vừa giúp công tác quản lý hành chính khoa học hơn. Những điều này đã thôi thúc bà quyết định đề xuất xây dựng Luật Hành chính công.

 “Tôi bắt đầu công việc của mình bằng cách tiếp cận các tài liệu và chuyên gia nghiên cứu khoa học. Tôi đến ĐH Luật Hà Nội gặp thầy Phan Chí Hiếu, hiệu trưởng (nay là Thứ trưởng Bộ Tư pháp), thầy giới thiệu các giảng viên chuyên ngành Luật hành chính. Thầy Hoàng Văn Sao, thầy Nguyễn Văn Quang, cô Phan Lan Hương rất nhiệt tình hỗ trợ, cung cấp cho tôi về các đạo luật Hành chính công của một số nước. Tôi lại đến Học viện Hành chính quốc gia trình bày với chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực này là thầy Nguyễn Hữu Hải, Trưởng khoa Hành chính học và nhận được sự ủng hộ. Các chuyên gia giúp đỡ tôi mỗi lúc một đông. Cùng thời gian đó, nhiều vị ĐBQH cũng rất quan tâm và có văn bản ủng hộ đề nghị xây dựng dự án Luật Hành chính công”, bà kể.

Dự thảo Luật Hành chính công đã được Ủy ban Pháp luật tán thành đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016 và trình Quốc hội khóa XIV xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10-2016). Đồng thời, Chính phủ cũng có công văn đánh giá cao sự trăn trở, tâm huyết và sự kiên trì của bà đối với việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật hành chính nói riêng và hệ thống luật nói chung. Công văn nêu rõ: “Chính phủ nhận thấy đề xuất xây dựng Luật Hành chính công của đại biểu với mục đích “lấp” những khoảng trống pháp luật và bổ khuyết cho pháp luật hành chính công trong bối cảnh tăng cường thực hiện cải cách toàn diện nền hành chính quốc gia là rất có ý nghĩa, cần được ghi nhận, đề nghị báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV”.     

Hết lòng vì Dân

Không chỉ để lại “dấu ấn nhiệm kỳ” bằng công trình Dự án Luật Hành chính công khiến nhiều chuyên gia pháp lý phải thán phục, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh còn được cử tri nhớ đến bởi cách chất vấn sắc sảo, theo đuổi đến cùng vấn đề, bằng các bài phát biểu giàu tính thực tiễn cuộc sống, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

Cũng bởi sự thân thiện, dễ gần mà mỗi lần đi tiếp xúc cử tri, bà lại “ôm” về cả chồng kiến nghị. Không chỉ cử tri nơi bà sinh sống và ứng cử mà người dân ở nhiều quận, huyện khác trên địa bàn Hà Nội cũng gửi đơn thư đến bà. Bận rộn nhưng bà chẳng bỏ sót yêu cầu nào, lắng nghe, nghiên cứu rồi theo dõi giải quyết đến cùng các vụ việc. Bởi, bà hiểu, khi người dân tìm đến đại biểu, là họ gửi gắm vào mình niềm tin mà với chức trách và lương tâm của mình, bà không thể phụ sự tin tưởng đó.

 “Gặp bà không hề khó” là nhận xét của không ít cử tri và với nhóm PV nghị trường chúng tôi, bà cũng là một trong số những ĐB bị “làm phiền” nhiều nhất bởi tính cởi mở, thân thiện. Là ủy viên Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường, nhưng vốn là “dân luật”, nên khi cần ý kiến ĐB về các lĩnh vực pháp luật, chúng tôi cũng thường “chọn” phỏng vấn bà. Trong giờ giải lao, ngoài giờ hành chính, ngoài các kỳ họp, thậm chí là thứ 7, chủ nhật… bà cũng luôn sẵn lòng tiếp. Không chỉ hỏi thêm về các vấn đề “nóng” trên nghị trường, mà nhiều đơn thư của bạn đọc báo PL&XH cũng được chúng tôi chuyển tới bà như một địa chỉ tin cậy giúp người dân tìm được sự giải quyết hợp tình, hợp lý vướng mắc của họ.

Nhiều cử tri và nhân dân Thủ đô nghe tin bà được tiếp tục giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIV trên địa bàn các huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên và Thường Tín, họ rất  phấn khởi. Họ mong bà Khánh tiếp tục được các cấp ủy Đảng, Mặt trận Tổ quốc và đông đảo cử tri hết lòng ủng hộ để Quốc hội khóa XIV sẽ có thêm một đại biểu hết lòng vì Dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần