Thảo luận về Luật Báo chí (sửa đổi) sáng 26/11, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường, Đoàn Hà Nội cho rằng Luật Báo chí (sửa đổi) cần phải nhìn nhận khách quan xu hướng thị trường của báo chí, đặc biệt là xu hướng phát triển và suy thoái của các loại hình báo chí, tạo điều kiện cho báo chí phát triển theo đúng xu hướng chung của công nghệ, của phương thức tiếp nhận thông tin của công chúng. Do đó, đại biểu Thường đã nêu ra 3 vấn đề căn cốt nhưng cũng là những bức bối thực tại mà Luật Báo chí sửa đổi cần phải đối mặt và giải quyết.
Thứ nhất, truyền thông xã hội có là đối tượng để Luật điều chỉnh? Sự bùng nổ của internet với mức độ bành trướng của truyền thông xã hội đã thay đổi địa vị của báo chí truyền thống. Nghiên cứu cho thấy đến năm 2013 cả thế giới có 2,8 tỷ người sử dụng internet chiếm 39%. Ở Việt Nam con số đó là 31%. Trong đó số người sử dụng truyền thông xã hội thông qua điện thoại di động chiếm khoảng 26% dân số.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường
|
Bên cạnh một số lợi ích đem lại thì truyền thông xã hội cũng đang hằng ngày gây nên nhiều tác động đến xã hội đặc biệt là đến hệ thống báo chí. Chỉ với một chiếc điện thoại người sử dụng chúng biến chúng thành một tòa soạn báo, thành một tờ báo, thành một trường quay, xưởng in, sạp báo. Một công dân với sự hỗ trợ của công nghệ cũng có thể trở thành một phóng viên, một biên tập viên...
Sự bùng nổ thông tin trên internet với tốc độ nhanh nhưng trong đó có rất nhiều thông tin không được kiểm chứng tạo ra sự sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, ảnh hưởng đến địa vị của báo chí chính trị- xã hội. Trong bối cảnh đó, dường như làn ranh giữa truyền thông xã hội và báo chí truyền thông không còn dẫn đến một bộ phận bạn đọc thiếu niềm tin vào báo chí chính thống và ngả hẳn sang dùng thông tin trên mạng.
Tuy nhiên, dự thảo luật gần như tránh đề cập đến hoạt động của truyền thông xã hội. Có ý kiến cho rằng chúng ta mới tập trung túm “ông có tóc” còn ông “trọc đầu” thì chưa. Trong khi ông có tóc thì túm đơn giản rồi, điều mà xã hội quan tâm nhất là phần “quản” ông trọc đầu- (phần mà cả Luật Báo chí hiện hành và Nghị định 72 hiện chưa chế định và kiểm soát được).
Kinh nghiệm cho thấy khi có vụ việc nào đó thì trong lúc báo chí chính thống tuân thủ theo định hướng, dừng, chưa đưa thì truyền thông xã hội lại cày xới thỏa sức. Đến khi báo chí chính thống đưa tin thì bạn đọc đâu còn đủ kiên nhẫn để chờ đọc. Lâu dần báo chí mất bạn đọc, không chỉ làm báo chí sa sút, suy yếu mà còn làm cho tác dụng tuyên truyền của báo chí giảm sút...
Thứ hai, vấn đề vi phạm bản quyền báo chí hiện nay là phổ biến và nhức nhối lớn, nhưng dự thảo luật lại đề cập hết sức mờ nhạt. Báo chí là kinh tế sáng tạo, giá trị nằm chính ở khả nãng bảo hộ quyền tác giả, sở hữu trí tuệ tác phẩm báo chí nhưng bản quyền trong hoạt động báo chí hiện nay khá hời hợt và gần như không có tác dụng trong thực tế. Tuy vậy, dự luật chỉ đề cập duy nhất tại điều 43 và cũng chỉ với vỏn vẹn một câu là Cơ quan báo chí phải thực hiện quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan khi đăng, phát tác phẩm báo chí.
Thực tế là mặc dù có hệ thống pháp lý về sở hữu trí tuệ và bản quyền tác giả, nhưng khả năng thực thi, bảo hộ bản quyền tác giả trong lĩnh vực báo chí hầu như là không thể. Bởi không có hướng dẫn rõ ràng thế nào là vi phạm bản quyền tác giả đối với sản phẩm báo chí, và phải trả phí tác quyền ra sao…
Mặt khác, với một tờ báo điện tử cỡ trung bình thì một ngày xuất bản khoảng 300 tin, bài. Vậy quỹ thời gian để tiền kiểm, hậu kiểm rồi xử lý khiếu nại... là việc vô cùng khó khăn. Đó là lý do vì sao tình trạng đạo tác phẩm báo chí, vi phạm bản quyền diễn ra thường xuyên, liên tục và không có hướng giải quyết. Các trang tin điện tử tổng hợp là các đơn vị xâm phạm bản quyền nhiều nhất, nhưng một số các cơ quan báo chí cũng chạy theo trào lưu này làm “hiện tượng” lại trở thành “phổ biến”.
Nguyên nhân là sự tồn tại phi lý của các trang tin điện tử tổng hợp với điều kiện để được cấp phép là “được phép sao chép lại ít nhất 5 cơ quan báo chí”. Mà các trang điện tử này, do luật không cho phép tự làm nội dung, nên họ sẽ nghiễm nhiên xào lại, cóp nhặt bài vở của các trang báo chí khác, chứ họ không thể tồn tại chỉ với nội dung từ 5 tờ báo. Vì số lượng loại website này quá nhiều, nên khả năng ngăn chặn là rất khó.
Thực tế là loại trang tin này đã ký sinh trên cơ thể báo chí để gặt hái những gì ngọt, ngon nhất cho mình trong khi họ không phải mất chút nào mồ hôi, công sức, tiền bạc. Theo thống kê thì hiện cả nước có 1600 trang tin điện tử gấp hàng chục lần số các cơ quan báo chí điện tử và gấp đôi số cơ quan báo chí nói chung. Vậy là có tình trạng “người làm thật thì ăn giả”, kẻ làm giả thì ăn thật.
Trên thực tế với tốc độ cóp nhặt siêu tốc việc kiểm soát nội dung trên các trang tin này hết sức khó khăn, thế mới có chuyện sáng “đưa”, trưa “rút”... Báo chí đã yếu lại bị các loại tầm gửi hút hết dưỡng chất. Vậy dự thảo Luật lần này nên tính đến việc xóa bỏ khái niệm “trang tin điện tử tổng hợp” và nhóm chúng về loại hình Website đơn thuần. Chỉ các cơ quan báo chí mới được quyền xuất bản các website có tính chất báo chí. Như vậy chúng ta mới tạo môi trường lành mạnh để báo chí phát triển bình đẳng.
Thứ ba, dự thảo Luật chưa đưa ra “điểm tựa” nào đáng kể giúp báo chí phát triển mạnh, bền vững và thích ứng trong hội nhập. Nói một cách hình tượng là báo chí phải đi bằng hai chân. Chân thứ nhất- chân hành chính: chúng ta tiếp tục khẳng định vai trò là công cụ tư tưởng của Đảng, địa vị của báo chí khi đó ví như bộ phận hành chính cấu thành của cơ quan Đảng, nhà nước. Chân thứ hai- chân DN: báo chí phải tự chủ về kinh tế (chi phí xuất bản, thuê mặt bằng, nuôi phóng viên, nhuận bút, đóng thuế thu nhập doanh nghiệp...). Nói tóm lại báo chí phải độc lập kinh tế như một doanh nghiệp.
Chỉ xin nói về mức thuế TNDN, báo in từng chịu mức thuế 25% ngang bằng với DN thông thường, rồi giảm xuống 20% và từ năm 2014 đến nay giảm còn 10%. Với báo điện tử, mức thuế được tính chung sau khi “ra đời” là 20%. Tuy nhiên ngay cả khi coi báo chí là DN thì báo chí cũng chỉ là DN “khuyết tật” bởi lẽ.
DN thì được kinh doanh những điều pháp luật không cấm. Nếu có lợi nhuận, đúng luật pháp là có thể kinh doanh. Còn báo chí thì chỉ được kinh doanh trong nội hàm “tôn chỉ mục đích của tờ báo”. Trong điều kiện chúng ta tiếp tục quy hoạch, sắp xếp lại báo chí thì “phạm vi kinh doanh của mỗi cơ quan báo chí” sẽ ngày một thu hẹp lại.
Vì lý do đó, nếu chúng ta không tạo một hành làng đủ mạnh để báo chí tự chủ và tích lũy về kinh tế thì báo chí không có sức cạnh tranh thông tin với các tập đoàn truyền thông lớn ngay tại sân nhà. Một thế hệ trẻ sẽ thích nghi với các kênh truyền thông nước ngoài và không còn quan tâm, quay lưng với hệ thống báo chí trong nước nếu chúng ta không kịp đổi mới, tãng cuờng sức mạnh cho báo chí. Do đó, hiệu quả truyền thông sẽ giảm sút.