Ba Vì - chuẩn bị hành trang bước sang năm mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ba Vì là vùng đất bán sơn địa vốn được hợp nhất từ ba huyện trước đây là Bất Bạt, Tùng Thiện và Quảng Oai. Đây là huyện có diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh Hà Tây trước đây và TP Hà Nội ngày nay với cộng đồng dân tộc Kinh, Mường, Dao.

Ba Vì được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan tươi đẹp, là địa bàn quan trọng trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Nằm ở phía Tây Bắc Hà Nội,  Ba Vì cũng là nơi hội đủ các lợi thế của địa hình sông, núi vùng hợp lưu của ba dòng sông Đà, sông Lô và sông Thao, tạo nên phong cảnh "sơn thủy hữu tình". Một nét đặc thù rất riêng của Ba Vì là địa hình được chia làm ba vùng rõ rệt là vùng núi, vùng đồi gò và vùng đồng bằng ven sông. Trong đó, vùng núi đồi chiếm 42% diện tích toàn huyện với các khu sườn Đông, sườn Tây núi Ba Vì - dãy Núi Tổ trong tâm thức người Việt - nơi có rừng nguyên sinh, suối, thác nước với những cảnh đẹp thơ mộng, là tiềm năng du lịch vô hạn nếu được quan tâm đầu tư đúng mức. Bên cạnh đó, vùng đồng bằng của Ba Vì được bao bọc bởi sông Hồng và sông Đà chở nguồn phù sa vô tận bồi đắp cho đất đai phì nhiêu, màu mỡ thuận lợi cho canh tác nông nghiệp của người dân nơi đây. Địa hình vùng đất đồi gò, nơi có những đồng cỏ với thành phần dinh dưỡng chất đạm, chất đường cao lại là lợi thế cho Ba Vì phát triển chăn nuôi các loại gia súc lớn, đặc biệt là phát triển đàn bò sữa. Hay những đồi chè xanh bát ngát dưới chân non Tản đã tạo nên thương hiệu chè Ba Vì, một trong hai thương hiệu công nghiệp Ba Vì đang sở hữu.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái thăm thôn Hợp Nhất, xã Ba Vì, huyện Ba Vì tháng 12/2013. Ảnh: Văn Thằng
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái thăm thôn Hợp Nhất, xã Ba Vì, huyện Ba Vì tháng 12/2013. Ảnh: Văn Thằng
Kết quả tăng trưởng kinh tế ấn tượng

Theo Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Lê Văn Minh, năm 2013, một năm kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng suy thoái của nền kinh tế thế giới, do khí hậu, thời tiết diễn biến không thuận lợi ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân. Mặc dù vậy, được sự quan tâm của Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội, sự nỗ lực của các ngành, UBND các xã, thị trấn, sự đồng thuận của nhân dân, Ba Vì đã tập trung triển khai có hiệu quả các giải pháp hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Huyện ủy, HĐND, UBND đã đề ra. Theo đó, huyện đã triển khai thực hiện 8 chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chủ động khắc phục khó khăn hoàn thành các nhiệm vụ, đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện.Trong báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2013 và phương hướng nhiệm vụ năm 2014 của UBND huyện Ba Vì có một con số rất ấn tượng. Đó là mức thu nhập bình quân đầu người năm 2013 trên địa bàn huyện đạt 27,8 triệu đồng. Đây là một tiến bộ vượt bậc bởi năm 2008, theo báo cáo mức thu nhập bình quân đầu người tại xã điểm của Ba Vì là Cổ Đô mới chỉ đạt 8,4 triệu đồng/người/năm. Sau đó ba năm, đến năm 2011, bằng sự hỗ trợ của các cấp, ngành TP, sự nỗ lực của cán bộ, nhân dân trong huyện và bằng các giải pháp đồng bộ mức thu nhập bình quân đầu người của Ba Vì đã tăng lên đáng kể với 18,5 triệu đồng/người/năm. Và chỉ hai năm sau, năm 2013 này, con số ấy đã là 27,8 triệu đồng/người/năm, một con số rất đáng tự hào. Điều đó thể hiện sự nỗ lực vượt bậc của cán bộ, nhân dân Ba Vì trong xây dựng, phát triển kinh tế đảm bảo an sinh xã hội giữa giai đoạn khó khăn như hiện nay.
Khu du lịch Thiên Sơn - Suối Ngà nằm ở phía Đông dãy núi Ba Vì, huyện Ba Vì.
Khu du lịch Thiên Sơn - Suối Ngà nằm ở phía Đông dãy núi Ba Vì, huyện Ba Vì.
Ngoài thu nhập bình quân đầu người thì rất nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội khác Ba Vì đều đạt và vượt kế hoạch chỉ tiêu đã đề ra. Bằng việc phát huy những tiềm năng sẵn có về địa hình, khí hậu, cảnh quan, các nguồn tài nguyên rừng, suối khoáng nóng, các di tích lịch sử… Ba Vì đang ngày càng phát triển mạnh mẽ ngành du lịch - dịch vụ, chăn nuôi gia súc. Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng bộ huyện Ba Vì lần thứ XXI đặt ra, cơ cấu kinh tế nhóm ngành dịch vụ đến năm 2015 phấn đấu đạt 50%. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực không ngừng, sự linh hoạt, sáng tạo của Đảng bộ, nhân dân huyện Ba Vì mục tiêu kinh tế năm 2013 đã đạt 50,5% tức là đã về trước hai năm và vượt chỉ tiêu 0,5%. Trong chăn nuôi phát triển đàn bò sữa cho thương hiệu "Sữa Ba Vì" nổi tiếng, huyện cũng đã đạt được kết quả rất cao. Theo kế hoạch, năm 2015 đàn bò sữa trên địa bàn huyện phấn đấu đạt 5.000 con. Thế nhưng, ngay trong năm kinh tế 2013 này số lượng đàn bò sữa của huyện đã đạt mốc 7.204 con, vượt thời gian dự kiến hai năm và tăng số lượng hơn 2.000 con. Điều đó càng khẳng định tính đúng đắn trong định hướng phát triển kinh tế mũi nhọn của huyện là du lịch - dịch vụ và chăn nuôi dựa trên những lợi thế của địa phương.

Hướng đến những chỉ tiêu mới

Nhìn nhận, đánh giá về những kết quả đã đạt được, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Lê Văn Minh cho rằng, đó là nhờ sự chỉ đạo, lãnh đạo sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND TP, sự nỗ lực hết mình của mọi tầng lớp cán bộ, đảng viên, nhân dân huyện Ba Vì trong suốt một năm qua. Bên cạnh đó, không thể thiếu vai trò chỉ đạo, điều hành, của Huyện ủy, UBND huyện đã được đổi mới hiệu quả. Trong công tác chỉ đạo, điều hành UBND huyện đã luôn luôn bám sát nội dung 8 chương trình công tác của Huyện ủy, 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Ba Vì lần thứ XXI đề ra. Trong đó, tập trung vào cải cách hành chính và đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng nông thôn mới. Theo đó, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã xây dựng một chương trình công tác trọng tâm cụ thể, chi tiết với 119 đầu việc để chỉ đạo, điều hành. Hưởng ứng "Năm kỷ cương hành chính 2013" UBND huyện tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao tình thần trách nhiệm của công chức, viên chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, các giao dịch của tổ chức, công dân tại bộ phận một cửa. Sự phân công chỉ đạo điều hành của các thành viên UBND huyện đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, đoàn thể trong quá trình chỉ đạo, vận động nhân dân, thực hiện nhiệm vụ góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm.

Ngoài những kết quả đạt được, lãnh đạo huyện Ba Vì cũng thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn tồn tại, hạn chế. Đó là công tác dồn điền đổi thửa tuy hoàn thành kế hoạch được giao nhưng một số địa phương còn lúng túng trong khâu tổ chức thực hiện. Hoặc trong quá trình thực hiện còn một vài nơi để xảy ra đơn thư kiến nghị của người dân liên quan đến vấn đề này. Công tác GPMB, xây dựng cơ bản một số dự án còn vướng mắc dẫn đến tiến độ thực hiện chậm. Việc thực hiện kỷ cương hành chính của một số đơn vị cán bộ, công chức chưa nghiêm. Hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra công vụ đạt chưa cao…

Từ những kết quả đạt được và những hạn chế còn tồn tại trong năm qua, lãnh đạo huyện Ba Vì đã đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2014. Theo đó, có ba nhóm chỉ tiêu về kinh tế tổng hợp, về văn hóa - xã hội và nhóm chỉ tiêu về xây dựng đô thị - nông thôn mới - quản lý đất đai với sáu nhiệm vụ cụ thể về kinh tế, văn hóa - xã hội, quản lý Nhà nước, thanh tra, tư pháp, thi đua - khen thưởng và an ninh - quốc phòng.Một số chỉ tiêu cụ thể trong phát triển kinh tế - xã hội Ba Vì năm 2014: Tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất là 13%; Cơ cấu kinh tế theo tỷ lệ: Dịch vụ 53%, công nghiệp xây dựng 14%, nông lâm thủy sản 33%; Thu nhập bình quân đầu người đạt 31 triệu đồng/người/ năm; Tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước sạch từ 7 - 8%, dùng nước hợp vệ sinh là 85%; Tỷ lệ thu gom, vận chuyển rác thải  đạt 85 - 90%…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần