Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ba Vì khó khăn trong xây dựng làng văn hóa

Hồng Đạt
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những năm qua, phong trào xây dựng làng văn hóa ở huyện Ba Vì đã phát triển mạnh mẽ, nhiều xã đã gắn phong trào xây dựng làng văn hóa với mục tiêu về đích nông thôn mới. Tuy nhiên, trên thực tế, để xây dựng thành công làng văn hóa vẫn là một tiêu chí mà nhiều xã ở huyện Ba Vì đang gặp khó khăn.

 Sau 3 năm xây dựng làng văn hóa, thôn Việt Yên được UBND huyện Ba Vì công nhận năm 2017.
Tiêu chí quan trọng để về đích nông thôn mới
Văn hóa là tiêu chí số 16 trong bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Theo Quyết định 1980 của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/10/2016, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới phải có từ 70% số thôn, bản trở lên đạt tiêu chuẩn làng văn hóa theo quy định của Bộ VHTT&DL. Theo đó, trong xây dựng làng văn hóa, các làng phải đạt 4 tiêu chí là: Đời sống kinh tế ổn định và tăng trưởng bền vững; đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú; cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp; chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Để thực hiện 4 tiêu chí này, đòi hỏi, sự nỗ lực không ngừng của mỗi gia đình, cá nhân trong làng thì mới có thể xây dựng thành công làng văn hóa cấp huyện. Tính đến hết năm 2017, toàn huyện Ba Vì đã có 13 xã về đích nông thôn mới. Các xã này đều đã có 70% số làng trở lên đạt tiêu chí là làng văn hóa.
Theo báo cáo của UBND huyện Ba Vì, đến hết năm 2017, toàn huyện có 139/213 thôn được công nhận làng văn hóa, đạt 65,3%, tăng 8,6% so với năm 2015. Hiện nay, 17 xã còn lại của huyện Ba Vì chưa về đích nông thôn mới có 1 xã có 100% số làng đạt làng văn hóa, 2 xã chưa có làng văn hóa, còn lại các xã mới chỉ đạt 40% đến hơn 60% số làng văn hóa.
Chủ tịch UBND xã Thái Hòa Trần Lê Minh, chia sẻ, để xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017, cả ba thôn Cộng Hòa, Thuận An, Phú Nhiêu đã vận động cán bộ và Nhân dân trong thôn thực hiện tốt 4 tiêu chí về xây dựng làng văn hóa. Bởi nếu có phạm pháp hình sự hoặc có đơn thư khiếu kiện, tỷ lệ sinh con thứ 3 cao, hộ nghèo, thì mọi nỗ lực xây dựng làng văn hóa trong 3 năm của cả ba thôn sẽ đổ sông, đổ bể. Nhờ sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ và Nhân dân, cả ba làng đều đã được công nhận là làng văn hóa cấp huyện. Nhờ vậy, xã Thái Hòa mới đảm bảo đủ các tiêu chí để về đích nông thôn mới.

Chu Minh là xã được huyện đưa vào kế hoạch về đích nông thôn mới năm 2018. Phó Chủ tịch UBND xã Chu Minh Trần Danh Quân cho biết, xã có bốn thôn nhưng đến hết năm 2017 mới có thôn Chu Quyến 3 đạt danh hiệu làng văn hóa. Năm 2018, xã đã chỉ đạo các làng tiếp tục tuyên truyền, vận động để cán bộ và Nhân dân cùng nhau chung sức xây dựng làng văn hóa nhằm đủ tiêu chuẩn về đích nông thôn mới. “Tuy nhiên, đây là một tiêu chí khó, bởi chỉ cần phát sinh đối tượng nghiện hút, phạm pháp hình sự thì sẽ khó đạt được danh hiệu làng văn hóa, mặc dù kinh tế ở các thôn đều phát triển tốt” - ông Quân băn khoăn.

Bài toán về xây dựng làng văn hóa không chỉ có khó khăn đối với riêng xã Chu Minh. Là xã phấn đấu đến năm 2020 về đích nông thôn mới, nhưng hiện cả hai thôn của xã Minh Châu vẫn chưa được công nhận là làng văn hóa. Khó khăn của Minh Châu, theo Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Linh, thì quá nhiều. “Ở Minh Châu, cả hai thôn trên đều tiềm ẩn nguy cơ phát sinh về phạm pháp hình sự, bởi đối tượng nghiện trên địa bàn xã còn nhiều. Cùng với đó, đối tượng nghiện cũng rất dễ phát sinh mới. Vì vậy, để hai thôn đạt danh hiệu làng văn hóa còn khó khăn hơn với các tiêu chí khác mà xã đang phấn đấu” - ông Linh cho biết.

Tương tự Minh Châu, Phú Đông cũng là xã phấn đấu về đích nông thôn mới trong những năm tới, nhưng đến nay cả ba thôn của xã vẫn chưa đạt làng văn hóa. Đặc biệt trong đó, thôn Đông Lâu đều đã đạt tất cả các tiêu chí, thế nhưng trên địa bàn lại có tình trạng lấn chiếm đất nông nghiệp trái phép. Để giải quyết, xử lý ổn thỏa chắc chắn không thể ngày một ngày hai, trong khi hai thôn còn lại thì còn vướng tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo còn cao…
 Minh Châu là một trong hai xã của huyện Ba Vì chưa có làng văn hóa. Ảnh: Hồng Đạt

Tăng cường công tác tuyên truyền

Minh Quang là xã miền núi đến nay đã có 60% số thôn, làng được công nhận làng văn hóa. Trong đó, năm 2017, có hai thôn Nội và Phú Lội được công nhận làng văn hóa. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Minh Quang Đỗ Văn Minh, một số thôn còn lại chưa đạt danh hiệu làng văn hóa chủ yếu liên quan đến ma túy, đặc biệt là hai thôn Pheo và Xuân Thọ. “Những năm trước đây, Pheo, Xuân Thọ đều là những thôn có đời sống kinh tế phát triển nhưng chưa thể công nhận là làng văn hóa. Nguyên nhân là bởi cả hai làng đều có phát sinh nghiện mới, an ninh trật tự có vấn đề” - ông Minh chia sẻ.

Cũng như Minh Quang, xã Yên Bài hiện còn ba thôn là Phú Yên, Quảng Phúc và Mít Mái. Nếu năm 2017, thôn Phú Yên không có công dân phạm pháp hình sự thì thôn đã được công nhận làng văn hóa. Bởi thôn Phú Yên luôn đi đầu trong xã Yên Bài từ phát triển kinh tế đến xây dựng nếp sống văn hóa trong cưới, tang, mừng thọ, lễ hội, cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Vì vậy, để ba thôn đạt tiêu chí làng văn hóa, Yên Bài cần tiếp tục vận động, tuyên truyền tạo sự đoàn kết đồng lòng của mỗi gia đình, mỗi cá nhân.

Trao đổi về vấn đề này, Phó trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ba Vì Phùng Thị Họa Mi cho rằng, việc xây dựng làng văn hóa phải đảm bảo đủ 4 tiêu chí. Huyện Ba Vì đã chỉ đạo các xã, các thôn phải xây dựng quy ước văn hóa của làng, triển khai đến cán bộ và Nhân dân cùng thực hiện. Đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động để mỗi gia đình trong thôn có trách nhiệm giáo dục con em cùng có ý thức xây dựng làng văn hóa. “Nếu không, việc xây dựng làng văn hóa sẽ rất khó khăn, bởi chỉ cần vướng vào các “điểm liệt” như hộ nghèo, ma túy, hình sự, có khiếu kiện… là công sức 3 năm đó của Nhân dân trong làng không thể trở thành hiện thực” - bà Phùng Thị Họa Mi nói.

Trước những diễn biến bất thường của an ninh nông thôn, tác động của cơ chế thị trường, để xây dựng thành công làng văn hóa cần sự chỉ đạo tích cực của cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị ở địa phương. Đặc biệt là vai trò của cấp ủy, lãnh đạo các thôn và sự đồng thuận, chung sức của Nhân dân.
Xây dựng làng văn hóa không chỉ là mục đích góp phần về đích nông thôn mới mà còn là việc xây dựng nếp sống văn hóa trong mỗi gia đình ở mỗi thôn, làng. Vì vậy, trong những năm tiếp theo, huyện sẽ chỉ đạo các xã rà soát các làng chưa đạt làng văn hóa để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, sát sao, nhằm giúp Nhân dân ở mỗi làng vì lợi ích chung, cùng xây dựng thành công làng văn hóa.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng