Tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống
Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Trưởng phòng VH&TT huyện Ba Vì Lê Khắc Nhu cho biết, Lễ khai hội Tản Viên Sơn Thánh Xuân Ất Tỵ và Khai trương du lịch huyện Ba Vì năm 2025 được tổ chức tại di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Hạ, xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội.
Đây là hoạt động nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Ba Vì nói riêng và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung để tri ân công đức của Đức Thánh Tản Viên Sơn. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, quảng bá, xúc tiến phát triển các sản phẩm du lịch thế mạnh trên địa bàn huyện Ba Vì.
“Mọi công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất. Huyện sẵn sàng chào đón người dân và du khách thập phương về tham dự Lễ hội và du Xuân đầu năm. Ban Tổ chức đã tích cực chỉnh trang đô thị, thực hiện vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch, di tích lịch sử, chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất bảo đảm an toàn để đón tiếp và phục vụ du khách. Các nhà hàng ăn uống, các điểm du lịch trên địa bàn huyện và tại Khu di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đền Hạ, xã Minh Quang chủ động đầu tư, nâng cấp, chú trọng tới vấn đề vệ sinh ATTP, đảm bảo an ninh trật tự” – ông Lê Khắc Nhu cho biết.
Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được tổ chức gồm phần lễ và phần hội. Theo đó, ngày 10/2/2025 (tức ngày 13 tháng Giêng năm Ất Tỵ) thực hiện các nghi thức gồm: rước nước từ sông Đà về đền Hạ; bao sái đồ thờ, hiện vật tại di tích đền Hạ, đền Trung; tế thỉnh Đức Thánh Tản Viên Sơn tại đền Hạ.
Ngày 11/2/2025 (tức ngày 14 tháng Giêng năm Ất Tỵ) là ngày chính lễ. Phần hội được tổ chức với các hoạt động văn hóa văn nghệ, tổ chức thi đấu các môn như: bóng chuyền da, bóng chuyền hơi, kéo co, bắn nỏ, đi cà kheo, bắn nỏ, đẩy gậy… của đồng bào các dân tộc trong và ngoài huyện tham gia.
Trải qua 15 năm nỗ lực khôi phục, tôn vinh và quảng bá, những giá trị văn hóa truyền thống tại Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh, huyện Ba Vì luôn xác định rõ di sản văn hóa là cốt lõi của bản sắc dân tộc, tài sản vô giá giúp gắn kết cộng đồng, để luôn quan tâm, chỉ đạo bảo tồn và phát huy giá trị các lễ hội truyền thống, trong đó nổi bật là các hoạt động Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh tại cụm di tích đền Thượng, đền Trung, đền Hạ. Năm 2018, Bộ VHTT&DL đã ghi danh Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Những năm qua, tại lễ hội, người dân và du khách thập phương được tham gia nghi thức dâng hương tưởng nhớ công ơn Đức Thánh Tản, cầu cho mưa thuận, gió hòa, nhân cường, vật thịnh, dân sinh ấm no, hạnh phúc. Đồng thời, thưởng thức màn trình diễn trống hội, hát múa trường ca sử Việt và sử thi tái hiện truyền thuyết Sơn Tinh cầu hôn con gái Vua Hùng, giúp dân chế ngự thiên tai.
Đúng nghi thức truyền thống, trang trọng, tiết kiệm
Tín ngưỡng phụng thờ Tản Viên Sơn Thánh bao trùm một vùng không gian văn hóa rộng lớn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, trong đó đậm đặc nhất là vùng xứ Đoài.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Ba Vì có 397 di tích, trong đó có trên 100 di tích thờ Đức Thánh Tản Viên với rất nhiều di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia và cấp TP.
Di tích thờ phụng Tản Viên Sơn Thánh lâu đời và tiêu biểu nhất là đền Thượng, đền Trung, đền Hạ (thuộc địa bàn hai xã Ba Vì và Minh Quang), đình Tây Đằng (thuộc thị trấn Tây Đằng), đình Thụy Phiêu (xã Thụy An), đình Khê Thượng (xã Sơn Đà)...
Ngoài lễ vật thông thường như gà, lợn, xôi, rượu, hương hoa thì mỗi nơi thờ Tản Viên Sơn Thánh trong các kỳ tiệc lớn lại có lễ vật riêng. Trong đó, lễ vật không thể thiếu là lợn hoặc gà phải có màu lông đen tuyền... Tất cả những đồ lễ Thánh đều gợi nhớ thời kỳ săn bắt hái lượm và thể hiện lòng biết ơn của Nhân dân đối với Tản Viên Sơn Thánh...
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết, Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được huyện Ba Vì tổ chức hàng năm đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần đối với người dân địa phương. Tập quán thờ Tản Viên Sơn Thánh không chỉ tưởng nhớ tới người anh hùng văn hóa, vị Thánh đứng đầu trong “Tứ bất tử” của người Việt mà còn thể hiện ước vọng chinh phục tự nhiên, chiến đấu chống thiên tai, lũ lụt để bảo vệ mùa màng và cuộc sống cho Nhân dân.
”Tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh cũng góp phần khẳng định về sự tồn tại của thời đại Hùng Vương - Nhà nước đầu tiên trong tâm thức của người Việt. Bên cạnh đó, tập quán thờ Tản Viên Sơn Thánh mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, hàm chứa giá trị giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”... Qua đó góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của cha ông để lại, từng bước phục dựng có chọn lọc các nghi thức lễ hội truyền thống, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng của Nhân dân” - ông Nguyễn Đức Anh nhấn mạnh.
Ba Vì là huyện có địa hình đa dạng và cảnh quan đặc sắc, có lợi thế vượt trội về hệ sinh thái tự nhiên, văn hóa đặc sắc và mạng lưới giao thông thuận lợi để phát triển kinh tế nói chung và dịch vụ du lịch nói riêng. Việc tổ chức Lễ khai trương du lịch năm 2025, huyện Ba Vì mong muốn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, quảng bá, để phát triển các sản phẩm du lịch trên địa bàn. Đồng thời tăng cường sự hợp tác, giao lưu, xúc tiến phát triển các khu du lịch của huyện với cả nước và quốc tế, phấn đấu đưa dịch vụ du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
“Chủ trương của huyện Ba Vì là tổ chức chuỗi hoạt động đảm bảo đúng nghi thức truyền thống, trang trọng, tiết kiệm. Trong đó, kiên quyết không đưa vào lễ hội những trò chơi dân gian có thể bị biến tướng thành hình thức cá cược như chọi gà, phi tiêu đổi thưởng... Các trò chơi tại lễ hội chủ yếu mang tính thể thao quần chúng được khuyến khích nhằm phát huy năng lực sáng tạo phục vụ nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hoá tinh thần của Nhân dân. Ngoài là vùng đất cổ, không gian văn hóa đặc sắc riêng, Ba Vì được biết đến là tiềm lực phát triển về du lịch. Đây sẽ là nền tảng để huyện hướng đến sự phát triển bền vững và chuyển dịch cơ cấu kinh tế” - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết thêm.