Chúc mừng năm mới

Những lễ hội lớn ở miền Bắc không thể bỏ qua khi du Xuân Ất Tỵ

Thiện Quang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lễ hội gò Đống Đa, Lễ hội chùa Hương, Lễ hội Gióng đền Sóc (Hà Nội), Hội Lim (Bắc Ninh), Lễ hội chùa Yên Tử (Quảng Ninh)… là những lễ hội lớn, đặc sắc không thể bỏ qua khi du Xuân đầu năm mới Ất Tỵ 2025.

Lễ hội chùa Keo, Thái Bình

Lễ hội chùa Keo mùa Xuân năm 2025 là một trong những lễ hội lớn được tổ chức sớm vào dịp đầu Xuân mới, diễn ra từ ngày 1 - 5/2 (ngày mùng 4 – 8 tháng Giêng năm Ất Tỵ).

Trong đó, phần lễ gồm lễ khai chỉ, múa rối chầu Thánh, hoạt động của các đoàn tế diễn ra tại tòa Giá Roi vào sáng ngày mùng 4 tháng Giêng. Hoạt động phần hội bao gồm: trống hội, giải thổi cơm thi, múa kỳ lân, bắt vịt dưới hồ, du thuyền hát hội, khai bút đầu Xuân, giải cờ tướng, bịt mắt đánh trống, leo cầu ngô diễn ra trong khuôn viên di tích.

Lễ hội gò Đống Đa 2025 có nhiều điểm mới.

Lễ hội gò Đống Đa, Hà Nội

Hàng năm cứ mỗi độ Xuân về, vào ngày mùng 5 tháng Giêng (Âm lịch), Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa được tổ chức để tưởng nhớ công lao to lớn của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ cùng các tướng lĩnh, nghĩa quân Tây Sơn và Nhân dân đương thời đã anh dũng chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập của dân tộc.

Năm nay, Lễ hội sẽ được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 2 - 4/2/2025 (tức từ ngày mùng 5 - 7 tháng Giêng, năm Ất Tỵ 2025). Điểm khác biệt là năm nay Lễ kỷ niệm 236 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa sẽ được tổ chức vào tối ngày 2/2 (mùng 5 tháng Giêng Âm lịch) tại Công viên Văn hóa Đống Đa thay vì vào buổi sáng như mọi năm.

Điểm nhấn của lễ hội là chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Đống Đa – Sử vàng lưu danh – Tương lai vững bước”. Đây là chương trình nghệ thuật đặc sắc được làm theo hình thức bán thực cảnh kết hợp công nghệ 3D mapping hiện đại…

Lễ hội chùa Hương, Hà Nội

Lễ hội chùa Hương là một trong những lễ hội lớn nhất cả nước vào dịp đầu năm Âm lịch. Lễ hội du lịch chùa Hương năm 2025, với chủ đề: “Lễ hội chùa Hương điểm đến du lịch, văn hóa, truyền thống Việt” diễn ra trong 3 tháng, từ ngày 3/2/2025 đến hết ngày 1/5/2025 (tức từ ngày mùng 6 tháng Giêng đến hết ngày 4/4 năm Ất Tỵ). Lễ khai hội vào ngày 3/2/2025 (tức ngày mùng 6 tháng Giêng).

Lễ hội gồm các chương trình: Hội chợ trưng bày sản phẩm OCOP của huyện Mỹ Đức và các huyện lân cận; biểu diễn các hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống Việt tại địa phương...

Điểm mới năm nay là Ban Tổ chức thực hiện việc tích hợp vé thắng cảnh và vé xuồng đò đảm bảo thuận tiện cho du khách về tham quan. Xuồng đò được sơn đồng màu theo quy định, có đầy đủ áo phao, giỏ đựng rác, ô che, ghế ngồi, nước uống miễn phí… Mỗi xã viên lái đò có 1 mã QR để Hợp tác xã quản lý, tương tác thông tin phản hồi về thái độ phục vụ của lái đò đối với du khách.

Lễ hội Gióng đền Sóc, Hà Nội

Lễ hội Gióng đền Sóc năm 2025 sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 3 - 5/2/2025 (tức mùng 6 - 8 tháng Giêng năm Ất Tỵ). Lễ khai hội dự kiến được tổ chức vào 7 giờ 00 phút sáng 3/2 tại khuôn viên Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Sóc (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội).

Giò hoa tre là một trong 8 lễ vật được cung tiến tại Lễ hội Gióng đền Sóc hàng năm. Ảnh: Trọng Tùng
Giò hoa tre là một trong 8 lễ vật được cung tiến tại Lễ hội Gióng đền Sóc hàng năm. Ảnh: Trọng Tùng

Không chỉ được biết đến là nơi thờ tự Phù Đổng Thiên Vương - một trong “tứ bất tử” theo truyền thuyết của dân tộc Việt Nam, Lễ hội Gióng đền Sóc còn rất nổi tiếng với nghi thức cung tiến 8 lễ vật truyền thống dâng Đức Thánh, gồm: trầu cau, cầu húc, ngà voi, cỏ voi, nữ tướng trẻ, ngựa sắt, voi chiến và đặc biệt là giò hoa tre.

Năm nay, sau lễ cung tiến, giò hoa tre sẽ được di chuyển vào hậu cung đền Thượng, sắp ra những mâm nhỏ, chuyển xuống đền Hạ, đền Mẫu để làm lễ, thờ cúng. Giò hoa tre sau đó được phát cho người dân; sẽ không có cảnh tranh cướp giò hoa tre.

Hội chợ Viềng Xuân, Nam Định

Hội chợ Viềng Xuân huyện Nam Trực năm 2025 sẽ diễn ra trong 2 ngày 4 – 5/2, tức ngày 7 - 8 tháng Giêng năm Ất Tỵ. Đây là lễ hội truyền thống diễn ra hàng năm trên địa bàn thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, thể hiện những nét văn hóa đặc trưng được kết tinh từ bàn tay, khối óc, đồng thời quảng bá với du khách về nét đẹp văn hóa giao tiếp, tâm linh, văn hóa làng nghề, cũng như những thành tựu kinh tế - xã hội địa phương.

Đặc biệt, năm nay, lần đầu tiên, một số gian hàng tại chợ áp dụng thanh toán không tiền mặt qua mã QR và ví điện tử, giúp khách hàng tiện lợi hơn khi mua sắm.

Không chỉ là nơi giao thương, chợ Viềng còn là không gian giao thoa văn hóa. Du khách có thể thưởng thức các màn trình diễn hát văn, hát chèo, những di sản văn hóa phi vật thể của Nam Định được tổ chức ngay trong không gian chợ.

Lễ hội chùa Yên Tử, Quảng Ninh

Cùng với Lễ hội chùa Hương, Lễ hội Xuân Yên Tử 2025 - một trong những lễ hội lớn và kéo dài nhất cả nước. Lễ hội Xuân Yên Tử 2025 bắt đầu khai hội vào ngày 7/2 (tức ngày 10 tháng Giêng năm Ất Tỵ), tại Cung Trúc Lâm Yên Tử, gồm các nghi lễ như: dâng lễ, lễ cầu quốc thái dân an, lễ đóng dấu thiêng Yên Tử…

Lễ hội chùa Yên Tử khai hội vào ngày 7/2 (tức ngày 10 tháng Giêng năm Ất Tỵ). Ảnh: Vĩnh Quân
Lễ hội chùa Yên Tử khai hội vào ngày 7/2 (tức ngày 10 tháng Giêng năm Ất Tỵ). Ảnh: Vĩnh Quân

Sau phần nghi lễ trang trọng, phần hội hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách một không khí Xuân tươi vui, phấn khởi với các hoạt động nổi bật như: đêm hội hoa đăng cầu nguyện quốc thái dân an; biểu diễn nghệ thuật, múa rồng, múa lân, võ thuật cổ truyền; trải nghiệm cưỡi ngựa; các trò chơi dân gian...

Lễ hội Xuân Yên Tử sẽ kéo dài trong vòng 3 tháng, dự kiến thu hút lượng khách đến tham quan lên đến cả triệu lượt người.

Hội Lim, Bắc Ninh

Hội Lim là lễ hội lớn truyền thống của tỉnh Bắc Ninh. Hội Lim diễn ra ở đồi Lim (huyện Tiên Du) từ ngày 12 - 13 tháng Giêng, để tưởng nhớ hai vị sư tổ của làn dân ca quan họ là Vua Bà và ông Hiếu Trung Hầu.

Đặc sản của Hội Lim là những màn hát quan họ đặc sắc. Ảnh: Hoàng Quân
Đặc sản của Hội Lim là những màn hát quan họ đặc sắc. Ảnh: Hoàng Quân

Lễ hội được tổ chức rất vui tươi với lễ rước rộn rã và các trò chơi dân gian cùng với những tụ điểm ca hát dân ca quan họ, đặc sản văn hóa của vùng đất Kinh Bắc. Khách hành hương trẩy hội Lim còn được thưởng thức nhiều hoạt động văn hoá truyền thống khác của địa phương, hay tham gia các trò chơi đu bay, chọi gà, chọi chim, tổ tôm điếm, đấu vật...

Được biết, UBND tỉnh Bắc Ninh đã đồng ý cho UBND huyện Tiên Du bắn 90 giàn pháo hoa nổ tầm thấp dịp Lễ hội Lim Xuân Ất Tỵ năm 2025, tại khu vực hồ điều hoà huyện Tiên Du. Thời gian bắn 15 phút: từ 21 giờ 00 đến 21 giờ 15 phút ngày 9/2 (tức ngày 12 tháng Giêng năm Ất Tỵ).

Lễ hội đền Trần, Nam Định

Lễ hội khai ấn đền Trần tại TP Nam Định, tỉnh Nam Định Xuân Ất Tỵ 2025 sẽ diễn ra từ ngày 8 - 13/2 (tức ngày 11 - 16 tháng Giêng Âm lịch). Dự kiến, từ 5 giờ ngày 15 tháng Giêng, Ban Tổ chức sẽ phát ấn cho người dân và du khách tại 3 địa điểm: nhà Giải vũ, nhà trưng bày và đền Trùng Hoa.

Ngày 16 tháng Giêng (13/2) thực hiện các nghi thức tế, lễ tiết Thượng nguyên, tế tiên tổ Triều Trần do đoàn tế Nam quan Tức Mặc thực hiện tại đền Cố Trạch.

Trong các ngày diễn ra lễ hội, tại các địa điểm trong khuôn viên khu di tích đền Trần và Quảng trường Đông A, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, trò chơi dân gian, trưng bày, triển lãm được tổ chức như: múa lân - sư - rồng; thi đấu cờ người; chọi gà; trưng bày sinh vật cảnh…

Năm nay, điểm mới là lễ khai ấn sẽ được phát sóng trực tiếp qua màn hình Led cỡ lớn, giúp Nhân dân và du khách theo dõi sự kiện này.

Lễ hội Xuân Tây Yên Tử, Bắc Giang

Lễ hội Xuân Tây Yên Tử và Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Bắc Giang năm 2025 sẽ diễn ra từ 8 - 13/2/2025 (tức từ ngày 11 - 16 tháng Giêng, năm Ất Tỵ).

Lễ khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch và khai hội Xuân Tây Yên Tử năm 2025 từ 9 giờ 00 ngày 9/2 (tức ngày 12 tháng Giêng) tại Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử với các hoạt động như: màn nghệ thuật khai từ; phần lễ; chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Linh thiêng Tây Yên Tử”; đánh trống, thỉnh chiêng khai hội; nghi lễ cầu quốc thái dân an…