"Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” là các mô hình tự quản được thành lập bởi 5 đến 15 hộ dân sống liền kề nhau. Ngoài việc được trang bị một số thiết bị chữa cháy, các hộ gia đình tham gia mô hình còn được lắp đặt một chuông báo cháy; 2 nút báo cháy được liên kết với nhau. Khi xảy ra cháy, nổ, chỉ cần một gia đình ấn nút thì toàn bộ chuông của các gia đình khác cùng kêu. Nhờ đó, các gia đình sẽ kịp thời phát hiện, huy động nguồn lực, nhanh chóng dập tắt đám cháy.
Đối với mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” được xây dựng tại các ngõ dân cư có lối ra vào hẹp, xe chữa cháy khó tiếp cận. Tại các điểm chữa cháy công cộng sẽ được trang bị các phương tiện chữa cháy thông dụng như: bình chữa cháy, tiêu lệnh và nội quy quản lý, sử dụng phương tiện PCCC. Việc xây dựng và đưa các mô hình này vào hoạt động, bước đầu đã phát huy được tính chủ động, tương trợ nhau giữa các gia đình trong một khu dân cư, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể thực hiện công tác PCCC.
Theo số liệu thống kê, tính đến hết tháng 6, trên địa bàn huyện Ba Vì đã xây dựng hơn 55 “Tổ liên gia an toàn về PCCC” và 164 “Điểm chữa cháy công cộng” ở hầu hết các xã, thị trấn. Kể từ khi ra mắt đến nay, đây chính là lực lượng đóng vai trò quan trọng, nòng cốt, là những “cánh tay nối dài” của cấp ủy, chính quyền và lực lượng công an trong công tác bảo đảm an toàn PCCC theo phương châm “4 tại chỗ”.
Tại xã đảo Minh Châu, chủ yếu là loại hình nhà ở, nhà ở kết hợp kinh doanh là loại nhà ống, diện tích nhà ở không lớn, phân bố ở các khu vực dân cư. Các hộ này đều sử dụng tầng 1 làm nơi bán hàng tạp hóa, kinh doanh các hàng hóa dễ cháy như bao bì, nhựa, quần áo, giày dép... Hầu hết các hộ đều không trang bị đầy đủ phương tiện chữa cháy, dụng cụ trữ nước, dụng cụ phá dỡ khi có những tình huống bất ngờ, sự cố cháy, nổ xảy ra.
"3 mô hình "Điểm chữa cháy công cộng” phương tiện gồm kìm cộng lực, bình chữa cháy xách tay, xà beng, búa tạ tại mỗi điểm được thành lập. Cùng với đó, 1 mô hình tổ liên gia an toàn về PCCC với trang bị bình chữa cháy, xà beng, búa phá dỡ, 5 hệ thống chuông báo cháy sử dụng điều khiển từ xa và nút ấn tại mỗi hộ kinh doanh" - Trưởng Công an xã Minh Châu Chu Xuân Thành cho biết.
Bên cạnh việc được đầu tư, trang bị các phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình bọt, bình khí CO2…, những người dân tham gia hai mô hình còn được tập huấn kỹ năng cơ bản trong công tác PCCC, CNCH và được hướng dẫn, cài đặt sử dụng các tính năng trên App “Báo cháy 114” nhằm đảm bảo xử lý nhanh, hiệu quả các vụ sự cố cháy, nổ ngay từ ban đầu, không để phát sinh gây hậu quả.
Chủ tịch UBND xã Đồng Thái Phùng Trần Ngọ cho biết, những năm gần đây, tình hình cháy nổ diễn ra hết sức phức tạp, bởi vậy việc xây dựng các mô hình “Tổ liên gia an toàn về PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” trong giai đoạn hiện nay rất phù hợp. Sau một thời gian xây dựng điểm mô hình “Tổ liên gia an toàn về PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” đã phát huy hiệu quả, dập tắt kịp thời đám cháy ngay trước khi lực lượng chức năng đến chữa cháy, không để thiệt hại về người và tài sản tại xóm Đông, thôn Tri Lai. Thời gian tới, UBND xã sẽ chỉ đạo lực lượng Công an sơ kết, tổng kết, kinh nghiệm và triển khai nhân rộng mô hình trên địa bàn xã.
Theo Phó Trưởng Công an huyện Ba Vì Lê Cảnh Thắng, để cụ thể hóa phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCC và CNCH, trong thời gian vừa qua, Bộ Công an, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo xây dựng các “Tổ liên gia an toàn về PCCC” và các “Điểm chữa cháy công cộng” tại các khu dân cư. Đặc biệt là các khu vực có nhà ở kết hợp kinh doanh liền kề.
"Thực hiện chỉ đạo, trong thời gian vừa qua, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Công an huyện đã chỉ đạo công an các xã, thị trấn tham mưu cấp ủy, chính quyền các địa phương vận động Nhân dân thành lập các mô hình. Qua triển khai và thực hiện đã có nhiều “Tổ liên gia” phát huy được tác dụng trong công tác bảo đảm an toàn PCCC và CNCH” - thượng tá Lê Cảnh Thắng nhấn mạnh.