Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ba Vì sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được công nhận nhãn hiệu tập thể muộn hơn so với các thương hiệu chè Tân Cương, Thái Nguyên, Shan tuyết Hà Giang..., nhưng chè Ba Vì có chất lượng không hề thua kém.

Việc tổ chức sản xuất theo hướng VietGap thâm canh thay vì quảng canh năng suất thấp, hiệu quả kém là hướng đi hiệu quả cho  cây chè Ba Vì hiện nay.

Mở rộng diện tích chè sạch

Có mặt trên thị trường từ lâu nhưng đến năm 2010, chè Ba Vì mới được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Thực hiện chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung của HĐND TP Hà Nội giai đoạn 2014 – 2020 và Nghị quyết số 02 của Huyện ủy Ba Vì về sản xuất nông nghiệp, từ năm 2012, UBND huyện đã phối hợp với Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội triển khai có hiệu quả Đề án phát triển sản xuất và tiêu thụ chè an toàn. Huyện tập trung xây dựng nhiều mô hình sản xuất, thâm canh chè sạch theo hướng VietGap. Theo đó, huyện chỉ đạo thực hiện quy hoạch, chọn giống chè năng suất, chất lượng để trồng mới và thay thế các nương chè già cỗi. Đồng thời, tích cực áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, từng bước khẳng định thương hiệu chè Ba Vì trên thị trường. Ba Vì đã xây dựng mô hình sản xuất và tiêu thụ chè an toàn tại các xã Yên Bài, Thuần Mỹ với quy mô 50ha chè an toàn và 10ha chè VietGap, trồng mới và trồng thay thế 20ha. Sau đó mở rộng thêm tại các xã Ba Trại, Cẩm Lĩnh với quy mô đến năm 2016 đạt 176ha, gồm các mô hình trồng mới, trồng thay thế, thâm canh chè an toàn theo hướng VietGap và mô hình cơ giới hóa trong sản xuất chè an toàn. Để người dân làm quen với kỹ thuật trồng chè mới, huyện đã phối hợp với Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội tổ chức 10 lớp tập huấn cho gần 1.000 lượt hộ nông dân sản xuất chè thuộc các xã vùng dự án Ba Trại, Cẩm Lĩnh, Yên Bài, Thuần Mỹ.
Sản xuất chè theo quy trình VietGap cho sản lượng búp tăng từ 15 – 20%.
Sản xuất chè theo quy trình VietGap cho sản lượng búp tăng từ 15 – 20%.
Chị Đặng Thị Chanh, thôn 3, xã Ba Trại, một trong những hộ trồng và chế biến chè lâu năm cho biết, cách chế biến chè theo phương thức cũ khiến chất lượng chè thành phẩm chưa ngon và ảnh hưởng đến môi trường. Sau khi được hướng dẫn trồng và chăm sóc chè theo quy trình VietGap, sản phẩm chè của gia đình chị đã được nâng cao cả về năng suất và chất lượng. Cũng như gia đình chị Chanh, gia đình anh Nguyễn Huy Hoàng, xóm Đô, xã Ba Trại có 0,7ha chè thì được thụ hưởng dự án 0,2ha chè thâm canh theo hướng VietGap. Anh Hoàng cho biết, trồng chè theo phương pháp VietGap, chi phí giảm mà năng suất tăng gấp đôi, chất lượng cao, búp đẹp và bán được giá cao gấp rưỡi đến gấp đôi so với phương pháp trồng thông thường.

Đến hết năm 2015, huyện Ba Vì có vùng nguyên liệu chè khoảng 1.830ha. Sản lượng chè búp tươi được nâng lên rõ rệt qua từng năm, hiện năng suất đạt 11 tấn/ha. Năm 2015, sản lượng đạt hơn 3.800 tấn chè búp khô, giá trị vùng nguyên liệu đạt hơn 300 tỷ đồng. Mặt khác, chất lượng chè được nâng cao nên chế biến được những sản phẩm chất lượng tốt. Thu nhập bình quân đạt từ 60 triệu đồng/ha năm 2012 lên 200 triệu đồng/ha năm 2015. Sản xuất chè đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, giúp các hộ có thu nhập ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo, nhiều người dân vươn lên làm giàu từ cây chè.

Theo ông Đỗ Danh Tín – Phó phòng Kỹ thuật, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội, quy trình sản xuất chè VietGap phải tuân thủ nghiêm ngặt từ khâu chọn đất, lấy mẫu đất, mẫu nước đủ điều kiện mới cấp chứng chỉ cho phép sản xuất. Đối với người dân tham gia dự án phải thực hiện đúng quy trình sản xuất, không để thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến chất lượng của chè. Muốn vậy, nông dân phải được tập huấn kỹ lưỡng, nắm vững quy trình và tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu về kỹ thuật trong quá trình thực hiện.

Chè phải sạch đúng nghĩa

Đó là mục tiêu cao nhất mà vùng nguyên liệu chè Ba Vì cần đạt được nhằm đảm bảo thị trường tiêu thụ trong nước và hướng đến xuất khẩu. Ông Nguyễn Đức Dần – Chủ tịch UBND xã Ba Trại cho biết, Ba Trại có diện tích chè lớn nhất huyện với 560ha và có nghề sản xuất chè truyền thống lâu đời. Thách thức lớn nhất đối với cây chè ở Ba Trại là xây dựng vùng nguyên liệu thật sự an toàn để sản phẩm chè khô không còn các hóa chất tồn dư. Muốn vậy, người trồng chè không được sử dụng các loại thuốc cấm như thuốc trừ cỏ, các loại chất kích thích sinh trưởng, các loại thuốc sâu không nằm trong danh mục được phép phun cho chè để đảm bảo chè sạch đúng nghĩa. Có bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng thì chè Ba Vì mới thực sự có được chỗ đứng trên thị trường. “Với những nỗ lực của ngành nông nghiệp và người dân vùng chè, đến nay, Ba Trại đã được Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (Quacert) cấp chứng nhận cho 16ha sản xuất chè theo hướng VietGap” - ông Dần cho hay. Hiện nay, để sản xuất chè theo hướng VietGap, xã đã làm sổ nhật ký đồng ruộng cho từng gia đình làm chè theo dõi chăm sóc đồi chè. Nhật ký đồng ruộng ghi rõ ngày nào phun thuốc, phun loại gì, ngày hái, số ngày cách ly... Đồng thời, thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt "6 điều phải làm và 6 điều không được làm"...
Ba Vì sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap - Ảnh 1
Theo kế hoạch, giai đoạn 2015 - 2020, huyện Ba Vì phấn đấu có hơn 400ha chè an toàn, trong đó tập trung chủ yếu ở các xã miền núi và gò đồi. Qua đó, đưa sản lượng chè lên 3 vạn tấn chè búp tươi và xuất khẩu 4.000 tấn chè các loại mỗi năm... Cây chè giúp xóa đói giảm nghèo, mang lại nguồn thu nhập chính và ổn định cho hơn 10.000 lao động huyện Ba Vì. Để sản xuất 1ha chè theo tiêu chuẩn VietGap cần phải đầu tư 4 - 5 triệu đồng, bao gồm mọi chi phí từ tập huấn, nhân lực đến khâu trồng, chăm sóc, thu hái bảo quản và chế biến... Vì vậy, muốn thực hiện mục tiêu trên, người trồng chè cần được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp. Năm 2015, Ba Vì đã phối hợp triển khai dự án trồng mới, trồng thay thế giống chè mới là NDP1 thay cho diện tích chè Trung du lá nhỏ đã già cỗi, cho năng suất, chất lượng thấp với quy mô 126ha. Trong đó, huyện hỗ trợ 50% giá giống, vật tư, phân bón, thuốc sinh học và thùng chứa rác cho các hộ tham gia dự án. Huyện cũng phối hợp với Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội triển khai mô hình chế biến chè ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao trên diện tích hơn 30ha. Mọi người trồng chè đều cho rằng, dù việc chăm sóc chè theo VietGap có tốn nhiều công hơn, nhưng bù lại, lượng búp thu được nhiều hơn. Thực tế tại các hộ cho thấy lượng búp đã tăng ít nhất từ 15 - 20%. Đặc biệt, chất lượng chè ngon hơn, bán được giá hơn. Giá trị thu nhập tăng khoảng 40% so với cách sản xuất cũ. Trên thị trường, chè búp khô VietGap Ba Vì đang được bán với giá từ 180.000 – 250.000 đồng/kg. Hiện nay, một số nơi vẫn chưa đánh giá đúng giá trị sản phẩm chè VietGap. Để có giá thu mua hợp lý giữa chè sản suất theo tiêu chuẩn VietGap và chè sản xuất truyền thống, bà con kiến nghị cần có sự đánh giá xác đáng hơn giữa 2 loại chè.

Sản xuất chè an toàn, theo tiêu chuẩn VietGap cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa 4 nhà là nhà nông, khoa học, Nhà nước và DN. Thành công của dự án đã mở ra cơ hội nhân rộng diện tích chè theo tiêu chuẩn VietGap lên toàn bộ diện tích hơn 1.800ha chè kinh doanh hiện có của Ba Vì. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để nông dân trong huyện chuyển đổi cơ cấu lao động theo chương trình xây dựng nông thôn mới, tiến đến việc sản xuất chè an toàn theo hướng hàng hóa.
Địa chỉ mua hàng uy tín

1.Bùi Văn Cập – Thôn 3, xã Ba Trại, huyện Ba Vì.

ĐT: 0988430127

2.Nguyễn Huy Hoàng – Thôn 3, xã Ba Trại, huyện Ba Vì.

ĐT:0976587984

3. Hoàng Thị Sen – Thôn 8, xã Ba Trại, huyện Ba Vì.

ĐT:  0976 880495