Kỳ họp đầu tiên của HĐND tỉnh Ninh Bình: mở ra thời kỳ phát triển mới
Kinhtedothi - Sáng 1/7, HĐND tỉnh Ninh Bình khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức kỳ họp thứ nhất nhằm xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng theo quy định của pháp luật. Đây là kỳ họp đầu tiên của HĐND tỉnh sau khi thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc hợp nhất 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình.
Dự khai mạc có Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trương Quốc Huy; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đinh Thị Lụa; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Quốc Chỉnh; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Mai Văn Tuất cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, đại biểu HĐND tỉnh và đại diện các cơ quan, ban ngành liên quan.

Các đồng chí chủ trì kỳ họp.
Phát biểu khai mạc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Quốc Chỉnh nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử và tầm quan trọng của việc hợp nhất 3 tỉnh, khẳng định đây là sự kiện chính trị lớn, mở ra thời kỳ phát triển mới cho khu vực trung tâm đồng bằng sông Hồng. Trong bối cảnh đất nước đang đổi mới mô hình tăng trưởng, HĐND tỉnh cần nâng cao vai trò trong hoạch định chính sách, quyết định định hướng phát triển và giám sát thi hành pháp luật tại địa phương.
Sau phát biểu khai mạc, kỳ họp nghe thông báo về số lượng và danh sách đại biểu HĐND tỉnh sau sắp xếp, nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, số lượng đại biểu HĐND tỉnh Ninh Bình sau sắp xếp, nhiệm kỳ 2021-2026 có 128 đại biểu; trong đó, số lượng đại biểu HĐND tỉnh Nam Định trước sắp xếp: 44 đại biểu; số lượng đại biểu HĐND tỉnh Hà Nam trước sắp xếp: 41 đại biểu; số lượng đại biểu HĐND tỉnh Ninh Bình trước sắp xếp: 43 đại biểu.
Kỳ họp cũng đã nghe thông báo Nghị quyết số 1726/NQ-UBTVQH15 ngày 24/6/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Trưởng các Ban của HĐND tỉnh Ninh Bình.
Theo đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ định đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy giữ chức vụ Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2021-2026. Chỉ định các đồng chí: Bùi Hoàng Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Đặng Thanh Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Lê Xuân Huy, Tỉnh ủy viên; Hoàng Văn Kiên, Tỉnh ủy viên; Mai Thanh Long, Tỉnh ủy viên giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2021-2026.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ định các đồng chí: Vũ Thị Kim, Tỉnh ủy viên giữ chức vụ Trưởng Ban Pháp chế; Nguyễn Thị Nhung, Tỉnh ủy viên giữ chức vụ Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách; Phạm Anh Tuấn, Tỉnh ủy viên giữ chức vụ Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2021-2026.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Ông Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc kỳ họp.
HĐND tỉnh cũng đã nghe thông báo Nghị quyết của Thường trực HĐND tỉnh về việc phê chuẩn số lượng thành viên Ban và danh sách Phó Trưởng ban, Ủy viên các Ban của HĐND tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2021-2026, chỉ định Ủy viên UBND tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, Ban Kinh tế - Ngân sách gồm 23 đại biểu; Ban Pháp chế gồm 20 đại biểu; Ban Văn hóa - Xã hội 18 đại biểu; Ủy viên UBND tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2021-2026 gồm 15 đồng chí.
Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trương Quốc Huy khẳng định: việc hợp nhất 3 tỉnh là bước đột phá trong tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương, đồng thời mở rộng không gian phát triển, phát huy lợi thế vùng. Ông đề nghị HĐND tỉnh tập trung nâng cao chất lượng hoạt động, đổi mới phương thức làm việc, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch trong quyết sách; phát huy vai trò giám sát, nhất là trong đầu tư công, quản lý đất đai, cải cách hành chính.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh tầm nhìn phát triển Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn 2045: trở thành cực tăng trưởng quan trọng của vùng, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2035. Để đạt được mục tiêu này, cần bắt tay ngay vào công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, kết nối vùng; phát triển du lịch, thu hút nhân lực chất lượng cao và điều chỉnh cơ chế chính sách phù hợp sau sáp nhập.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Quốc Chỉnh trân trọng cảm ơn sự chỉ đạo sâu sắc của lãnh đạo tỉnh, khẳng định HĐND tỉnh sẽ nỗ lực thực hiện tốt vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đồng hành cùng UBND tỉnh, giữ vững kỷ cương, sáng tạo trong điều hành nhằm đưa Ninh Bình phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân.

Bổ nhiệm Viện trưởng VKSND tỉnh Ninh Bình sau hợp nhất
Kinhtedothi - Ngày 24/6, tại trụ sở UBND tỉnh Ninh Bình đã diễn ra Lễ công bố quyết định của Viện trưởng VKSND Tối cao về công tác cán bộ.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Hợp nhất 3 tỉnh Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình là bước đi tất yếu
Chiều 23/6, tại Nam Định, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác Trung ương đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình về kết quả triển khai, thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương và một số nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

Ninh Bình thông qua 17 nghị quyết, chuẩn bị vận hành bộ máy chính quyền hai cấp
Kinhtedothi - Ngày 22/6, HĐND tỉnh Ninh Bình khóa XV khai mạc kỳ họp thứ 33 - kỳ họp thường lệ giữa năm 2025. Đây là kỳ họp cuối cùng trước khi 3 tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định hợp nhất thành tỉnh Ninh Bình mới, bắt đầu vận hành từ 1/7/2025.