Ba Vì sau 15 năm về Thủ đô: Phát triển bền vững, tạo đà bứt phá

Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trải qua 15 năm, sự phát triển vượt bậc của Thủ đô Hà Nội nói chung và huyện Ba Vì nói riêng đã khẳng định tính đúng đắn, tầm nhìn chiến lược, ý nghĩa lịch sử thực tiễn lâu dài của chủ trương mở rộng địa giới hành chính.

 
Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng.
Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng.

Ngày 1/8/2023 đánh dấu tròn 15 năm kể từ ngày Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII. Trải qua 15 năm, những thành tựu nổi bật của Thủ đô Hà Nội đã khẳng định những chủ trương mở rộng địa giới hành chính, đưa Hà Nội trở thành Thủ đô lớn thứ 17 trên thế giới.

Nhân dịp này, phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị có cuộc trao đổi với Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng về  ý nghĩa lịch sử, thực tiễn lâu dài của chủ trương mở rộng địa giới hành chính đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

100% xã đạt chuẩn nông thôn mới

Ông đánh giá thế nào về bước chuyển kinh tế của địa phương trong 15 năm qua, sau khi hợp nhất về Hà Nội?

- Nằm ở phía Tây TP Hà Nội, Ba Vì với 31 xã, thị trấn, trong đó có 7 xã miền núi, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Thực hiện Nghị quyết số số 15/2008/QH12, ngày 29/5/2008 của Quốc hội “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan”, huyện Ba Vì đã nỗ lực vươn lên, tạo thêm những bước chuyển mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội.

Huyện Ba Vì đổi mới sau 15 năm thực hiện hực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12. Ảnh: Ngọc Tú
Huyện Ba Vì đổi mới sau 15 năm thực hiện hực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12. Ảnh: Ngọc Tú

Sau 15 năm sáp nhập, đời sống kinh tế của người dân từ ngoại thành đến nội thành đều từng bước đổi khác, no ấm, hạnh phúc hơn và vươn mình lên tầm cao mới với một diện mạo mới. Kinh tế - xã hội của huyện Ba Vì ngày càng phát triển, nhiều chỉ tiêu tăng gấp nhiều lần so với thời điểm trước khi sát nhập; văn hóa được giữ gìn, bảo tồn và phát huy.

Huyện luôn đạt được kết quả phát triển toàn diện, đời sống của Nhân dân không ngừng được nâng cao, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững và ổn định. Đến nay, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện đã có nhiều thay đổi và phát triển nhanh chóng theo hướng đồng bộ.

Mục tiêu phát triển đồng bộ được triển khai xuyên suốt thực hiện Nghị quyết, ông có thể cho biết sự chuyển biến của huyện Ba Vì như thế nào?

- Huyện Ba Vì đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tích cực, bền vững, nhiều mô hình nuôi trồng cây, con cho giá trị kinh tế cao từ 250 triệu đồng/ha lên 350 triệu đồng/ha. Đến nay, toàn huyện đã có 30/30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Huyện Ba Vì đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển từ năm 2008 đến năm 2023 là 13.082,2 tỷ đồng, trong đó năm 2023 là 2.092,7 tỷ đồng, gấp 18,26 lần so với năm 2008 (năm 2008 là 114,6 tỷ đồng). Tỷ lệ giải ngân đạt mức cao, năm 2022 đạt 96,4% kế hoạch vốn được giao.

Bên cạnh đó, việc đầu tư cho các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục ngày càng được quan tâm. Nếu như năm 2022, vốn đầu tư cho 3 lĩnh vực trên chiếm 52% tổng nguồn vốn đầu tư công, hệ thống trạm y tế các xã cơ bản đã và đang được đầu tư đồng bộ; các di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và TP cũng đang được triển khai tu bổ, tôn tạo nhằm bảo tồn và phát huy giá trị; hệ thống trường học các cấp trên địa bàn cũng từng bước được đầu tư đạt chuẩn theo kế hoạch.

Huyện Ba Vì luôn nhận được sự quan tâm từ lãnh đạo TP trong việc phát triển đồng bộ trên địa bàn. Ảnh: Trần Long
Huyện Ba Vì luôn nhận được sự quan tâm từ lãnh đạo TP trong việc phát triển đồng bộ trên địa bàn. Ảnh: Trần Long

Sau 15 năm sáp nhập về Thủ đô, huyện đã đạt được nhiều thành tựu toàn diện trong tất cả các lĩnh vực: Kinh tế tăng trưởng khá, thu ngân sách năm 2022 đạt 511.700 triệu đồng, bằng 155,4% Kế hoạch TP giao, 104,6% kế hoạch huyện giao, bằng 145,65% so năm 2021.

Về thu nhập bình quân đầu người tăng từ 29 triệu đồng năm 2008 lên 55,6 triệu đồng người/năm năm 2022; thu nhập bình quân đầu người 7 xã miền núi là 50,1 triệu đồng/người. Trong đó, xã Tản Lĩnh có sự bứt phá về thu nhập bình quân đầu người năm 2022 là 55,2 triệu đồng, tăng gấp 2,55 lần so với năm 2008 (21,6 triệu đồng).

Công tác an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đúng quy định, giảm nghèo bền vững. Hiệu quả mang lại từ các chương trình đầu tư góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của các địa phương, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các xã miền núi và các địa phương còn lại của huyện Ba Vì.

Huyện Ba Vì đã có những chính sách gì để khai thác, phát triển những tiềm năng sẵn có, đặc biệt là du lịch?

- Phải khẳng định, các tiềm năng của Ba Vì được khai thác và đạt kết quả tích cực. Phát triển du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh với các điểm du lịch nổi bật như cụm đền Trung - Thượng - Hạ; các khu du lịch Khoang Xanh, Ao Vua, Thiên Sơn Suối Ngà...

Cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp đồng bộ, hiện đời sống kinh tế - xã hội của người dân tiếp tục được cải thiện. Hiện nay, Ba Vì đã có hộ dân đầu tư mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nhiều hộ chăn nuôi quy mô trang trại; phát triển cây dược liệu (trên núi cao), trồng cây ăn quả (dưới chân núi).

Tỷ lệ đô thị hóa 6 tháng đầu năm 2023 đạt 6,86%. Hiện nay trên địa bàn huyện có 27/31 xã, thị trấn được cung cấp nước sạch, tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch đạt 82,8%, đến hết năm 2023 ước đạt 87,6%.

Thu hẹp khoảng cách nông thôn và thành thị của đồng bào dân tộc

Là địa phương đặc thù có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc phát triển vùng đồng bào dân tộc miền núi như thế nào?

- Huyện Ba Vì cũng là địa phương có khoảng 28.000 đồng bào dân tộc thiểu số, sống tập trung chủ yếu ở 7 xã miền núi, chiếm tỷ lệ 37,1%. Trong đó xã Ba Vì là xã có chiếm tỷ lệ cao nhất với 93,4% là đồng bào dân tộc Dao. Sau 15 năm sáp nhập về Thủ đô, diện mạo vùng dân tộc thiểu số 7 xã miền núi đã có nhiều thay đổi, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt.

Năm 2011, 7 xã miền núi có 2.693 hộ nghèo chiếm 13,15 %. Đến năm 2023 trên địa bàn 7 xã miền núi có 177 hộ nghèo, tỷ lệ giảm còn 0,69%. Theo quyết định 447/QĐ-UBDT, ngày 19/9/2013 của Ủy ban Dân tộc giai đoạn 2013 - 2015, huyện có 1 xã và 13 thôn đặc biệt khó khăn.

Qua quá trình đầu tư, phát triển đến năm 2022 chỉ còn 7 xã: Minh Quang, Khánh Thượng, Ba Vì, Vân Hòa, Yên Bài, Tản Lĩnh, Ba Trại đều thuộc khu vực I; không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Sau 15 năm sáp nhập về Thủ đô Hà Nội, đồng bào dân tộc thiểu số huyện Ba Vì đã được quan tâm, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị; bảo tồn, gìn giữ, lan tỏa nét đẹp văn hóa đặc trưng của người Mường, người Dao, tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa đó trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Biểu diễn cồng chiêng Mường tại Lễ khai trương Năm Du lịch Ba Vì. Ảnh: Ngọc Tú
Biểu diễn cồng chiêng Mường tại Lễ khai trương Năm Du lịch Ba Vì. Ảnh: Ngọc Tú

Các lĩnh vực khác được huyện đầu tư và phát triển ra sao sau 15 năm sáp nhập, thưa ông?

- Về công tác GD&ĐT, quy mô giáo dục mạng lưới trường lớp phát triển ổn định, đáp ứng nhu cầu học tập của con em Nhân dân với tổng số 120 trường từ cấp mầm non đến THPT với 2.358 lớp, 76.359 học sinh.

Đội ngũ giáo viên, nhân viên dần phù hợp với trình độ đào tạo, vị trí việc làm, cơ bản đáp ứng việc thực hiện Chương trình GDPT 2018. Số trường đạt chuẩn quốc gia tăng đạt 84/110 trường, tỷ lệ 76,5%.

Các nhà trường được xây dựng đều đã thực hiện tuân thủ theo quy hoạch được duyệt. Công tác quy hoạch trường lớp đã được quan tâm. UBND huyện đã chỉ đạo 3 trường xây dựng Đề án trường chất lượng cao theo kế hoạch của TP. Năm học 2020 - 2021 chất lượng GD&ĐT của Ba Vì xếp thứ 17/30 quận, huyện, thị xã, năm học 2021 - 2022 tăng 4 bậc, đứng ở vị trí 13/30 quận, huyện, thị xã.

Về đời sống văn hóa tinh thần, đặc thù là huyện thuộc vùng trung du, miền núi đời sống văn hoá vật chất, tinh thần của người dân còn nhiều khó khăn, sau 15 năm sáp nhập về Thủ đô, huyện Ba Vì đã có nhiều khởi sắc, đời sống văn hoá vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Phong trào văn hoá văn nghệ, TDTT phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo người dân tham gia. Tỷ lệ công nhận Gia đình văn hoá trên địa bàn huyện đạt trên 90%, tỷ lệ làng đạt danh hiệu làng văn hoá trên 80%.

Cùng với việc gìn giữ những bản sắc văn hóa của đồng bào vùng dân tộc thiểu số, chính quyền địa phương cũng tích cực vận động đồng bào bỏ dần các hủ tục lạc hậu, bài trừ tệ nạn, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh.

Tập trung phát triển kinh tế xanh

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 gắn với Luật Thủ đô, Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị và Huyện ủy, HĐND huyện Ba Vì đã lên kế hoạch và đưa ra những giải pháp nào, thưa ông?

- Thực tế đưa Nghị quyết vào cuộc sống vẫn còn khoảng cách và tồn đọng, điều này đòi hỏi sự vào cuộc chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị, trên cơ sở tranh thủ tối đa sự quan tâm, hỗ trợ từ T.Ư và TP Hà Nội.

Đặc biệt, Ba Vì là huyện trung du, miền núi địa bàn rộng, địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, xa trung tâm TP. Huyện Ba Vì tiếp tục chỉ đạo đưa nội dung học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành công việc thường xuyên, nền nếp; nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong việc thực hiện các nhiệm vụ. Xây dựng, tổ chức thực hiện quy chế, quy trình giải quyết công việc đảm bảo sự đồng bộ, thông suốt “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”.

Tập trung phát triển kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ảnh: Ngọc Tú
Tập trung phát triển kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ảnh: Ngọc Tú

Đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, với trọng tâm là đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc kinh tế, phát triển bền vững, chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế từ “nâu” sang “xanh”.

Cùng với đó, huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền đậm nét hơn những việc làm và con người cụ thể điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực; phát động sâu rộng hơn nữa Cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh đô thị, người thủ đô gương mẫu...

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 15 tại các địa phương, cơ quan, đơn vị; xây dựng các tiêu chí đánh giá chất lượng việc thực hiện Nghị quyết số 15, làm cơ sở để đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 15 từ huyện tới cơ sở.

Xin cảm ơn ông!

 

Trước khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, Ba Vì là một huyện thuộc vùng bán sơn địa, nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Hà Tây. Diện tích tự nhiên là 428km², dân số trên 27,5 vạn người, phân bố trên 32 đơn vị hành chính gồm 1 thị trấn và 31 xã, trong đó dân số nông thôn chiếm 90% và lao động nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ cao (khoảng 70%). Điều kiện tự nhiên của Ba Vì tương đối phong phú và đa dạng tạo nên một hệ sinh thái khá giàu có về tiềm năng để phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa.