Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ba Vì tập trung xóa đói giảm nghèo tại các xã miền núi

Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Ba Vì đã có bước chuyển mình đáng kể, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện.

Xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực

Huyện Ba Vì có 7 xã miền núi, là nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc thiểu số với 7.538 hộ/29.477 nhân khẩu, gồm 23 thành phần dân tộc, chủ yếu là dân tộc Mường (26.264 người), Dao (2.466 người)... Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Vì Bùi Huy Giáp nhấn mạnh, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, TP Hà Nội, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc miền núi ngày càng nâng cao.

Điểm du lịch cộng đồng bản Miền đi vào hoạt động góp phần giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc. Ảnh: Ngọc Tú
Điểm du lịch cộng đồng bản Miền đi vào hoạt động góp phần giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc. Ảnh: Ngọc Tú

Cụ thể, giai đoạn 2019 - 2024, ngân sách Nhà nước đầu tư hơn 1.954 tỷ đồng, nâng cấp hạ tầng trường học, y tế, văn hóa, thủy lợi, giao thông... Đến nay, 100% thôn ở 7 xã miền núi của huyện Ba Vì có đường bê tông hoặc trải nhựa đến trung tâm xã; 100% hộ dân dùng điện lưới quốc gia; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 94,1% trường học và 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia…

Đến hết năm 2023, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì còn 21 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 0,49%), 68 hộ cận nghèo (tỷ lệ 1,58%). Phó Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh Phạm Văn Hiệp cho biết, các hộ nghèo, cận nghèo ngoài được quan tâm thường xuyên, còn được hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế nên người dân rất phấn khởi.
Còn tại xã Khánh Thượng, với 12 thôn, 2.017 hộ dân/8.758 nhân khẩu, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm hơn 50%, chủ yếu là dân tộc Mường, nhiều năm qua, người dân trên địa bàn đã tích cực triển khai những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, vừa giúp nâng cao thu nhập, vừa tạo việc làm ổn định.

Trong khi đó, công tác xóa đói giảm nghèo tại xã Ba Trại cũng có nhiều chuyển biến qua từng năm, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Trại Nguyễn Tạ Tấn cho biết, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm từ 46 hộ (tương đương 1,23%) năm 2020 xuống còn 2 hộ (0,054%) vào năm 2024. Đến hết năm 2023, xã duy trì tốt các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới.

Đến nay, qua rà soát, xã đã đạt 7 tiêu chí nông thôn mới nâng cao, cơ bản đạt 11 tiêu chí, 1 tiêu chí chưa đạt; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 là 69,7 triệu đồng/người/năm. “Trong trong công tác giảm nghèo bền vững, xã Ba Trại luôn vận động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc và khuyến khích người dân chủ động, sáng tạo phát triển các mô hình kinh tế để vươn lên thoát nghèo” – ông Nguyễn Tạ Tấn cho biết.

Mô hình du lịch cộng đồng bản Miền đã cơ bản được hình thành trên cơ sở thống nhất và đồng thuận của người dân. Ảnh: Ngọc Tú
Mô hình du lịch cộng đồng bản Miền đã cơ bản được hình thành trên cơ sở thống nhất và đồng thuận của người dân. Ảnh: Ngọc Tú

Phấn đấu không còn hộ nghèo tại các xã miền núi

Những năm qua, kinh tế của vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Ba Vì có bước tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của huyện đạt hơn 10%; thu nhập bình quân hơn 60 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,44%; hộ cận nghèo còn 1,51% (284 hộ). Toàn huyện hiện có 74/76 làng tại 7 xã miền núi đạt danh hiệu Làng văn hóa; 7/7 xã dân tộc miền núi đạt chuẩn quốc gia về y tế...

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh, thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở, nhà vệ sinh theo chủ trương của TP, UBND huyện Ba Vì đã phê duyệt danh sách hộ nghèo, cận nghèo thuộc diện được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở; hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Cụ thể, khu vực 7 xã miền núi đã có 25 hộ được hỗ trợ xây nhà tiêu hợp vệ sinh, 12 hộ được hỗ trợ sửa nhà, 9 hộ được hỗ trợ xây nhà mới với tổng số tiền 2,12 tỷ đồng, tập trung ở các xã miền núi như Khánh Thượng, Ba Trại, Ba Vì, Tản Lĩnh…

Tận dụng lợi thế sẵn có, nhiều địa phương miền núi của huyện Ba Vì đang tập trung phát triển du lịch, chăn nuôi bò sữa. Tính đến thời điểm này, 7 xã miền núi có tổng số 2.289 con trâu, 14.440 con bò, trong đó có 9.102 con bò sữa; tổng đàn gia cầm hơn 60.000 con...

Nhiều hộ gia đình ở xã Tản Lĩnh, xã Vân Hòa chăn nuôi bò sữa, cho doanh thu từ 30 - 50 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, huyện Ba Vì tích cực triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả như hỗ trợ các hộ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để giải quyết việc làm, cho con em đi học tại các trường chuyên nghiệp và dạy nghề; chăm sóc sức khỏe cộng đồng; đưa các dự án chăn nuôi bò sữa, bò sinh sản về các xã; mỗi năm có từ 350 - 500 lao động được giải quyết việc làm... Tính đến tháng 7/2024, tổng nguồn vốn vay tín dụng chính sách tại 7 xã miền núi đạt 305 tỷ đồng, cho 5.663 hộ vay để thực hiện 12 chương trình phát triển kinh tế.

“Thời gian tới, huyện tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng bền vững. Trong đó tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; chuyển dịch có hiệu quả cơ cấu kinh tế, phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng về dịch vụ du lịch. Đồng thời tăng cường công tác trợ giúp người nghèo, giảm nghèo bền vững, chống tái nghèo và phấn đấu đến hết năm 2024 không còn hộ nghèo trên địa bàn các xã miền núi” – ông Nguyễn Đức Anh nhấn mạnh.

 

Theo kế hoạch, huyện Ba Vì phấn đấu đến năm 2025, có 7/7 xã miền núi đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; đến hết năm 2029, có 2 - 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 100% gia đình được sử dụng nước sạch sinh hoạt; 98% hộ dân tộc thiểu số có thẻ bảo hiểm y tế; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở mức dưới 4%...