Hàng không điện đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các loại nhiên liệu bền vững. Những chiếc máy bay chạy bằng động cơ điện có thể giúp cắt giảm khí thải CO2, hạn chế ô nhiễm tiếng ồn, góp phần thực hiện các mục tiêu bền vững.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và Nhà ở Thụy Điển Andreas Carlson cho biết các nước Bắc Âu đang có nhiều lợi thế để vươn lên vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực hàng không điện, đồng thời nhấn mạnh việc sử dụng các loại máy bay này không chỉ giúp giảm phát thải carbon, hạn chế ô nhiễm môi trường mà còn mang đến nhiều cơ hội tiếp cận các khu vực xa xôi khác.
Vào tháng 11/2022, tại một cuộc họp ở Fredrikstad, Na Uy, các bộ trưởng giao thông Bắc Âu đã cam kết thiết lập các tuyến hàng không không sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên khắp khu vực vào năm 2030. Cam kết này bao gồm việc thúc đẩy ngành hàng không không sử dụng nhiên liệu hóa thạch toàn cầu và khuyến khích sự hợp tác liên tục của khu vực Bắc Âu.
Ông Carlson nhận định hai tuyên bố trên tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy hợp tác giữa các nước Bắc Âu trong phát triển các tuyến bay bằng máy bay điện.
Các tuyên bố, cam kết trên diễn ra trong bối cảnh châu Âu, đặc biệt là các quốc gia thuộc khu vực Bắc Âu đang thúc đẩy chuyên chở hành khách, hàng hóa bằng máy bay điện.
Hàng không điện đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng kể từ khi Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh Châu Âu (EASA) cấp phép cho chiếc máy bay điện đầu tiên vào tháng 6/2020. Vào thời điểm đó, các nhà sản xuất máy bay và hãng hàng không ngày càng tin rằng những chiếc máy bay điện sẽ được triển khai trên một số tuyến đường nhất định trong vòng năm đến mười năm.
Đầu năm năm 2024, Mạng lưới Hàng không Điện Bắc Âu (NEA) đã gặp gỡ các nhà hoạch định chính sách và đại diện của các ngành hàng không khu vực nhằm thu thập ý kiến về các hoạt động và sự phát triển của ngành hàng không điện ở từng quốc gia.
“NEA đang cho thấy những nỗ lực thúc đẩy việc hợp tác trong lĩnh vực hàng không ở Bắc Âu. Tôi nghĩ những động thái trên sẽ giúp các quốc gia trong khu vực tiến đến gần nhau hơn" - Nina Egeli, nhà nghiên cứu giao thông bền vững tại Nordic Innovation cho biết.
Với nhiều đảo, bờ biển rộng lớn cũng như các khu vực hẻo lánh khó có thể tiếp cận, khu vực Bắc Âu được xem là nơi thử nghiệm lý tưởng cho hàng không điện. Ngoài ra, việc các nguồn năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất điện ở khu vực Bắc Âu đang tạo điều kiện cho việc triển khai hàng không điện.
Các quốc gia Bắc Âu cùng cam kết sẽ thúc đẩy phát triển giao thông bền vững theo Thỏa thuận chung Paris và đặt mục tiêu đẩy mạnh triển khai máy bay điện. Trong khi Iceland đang khẩn trương điện khí hóa các máy bay nội địa, Na Uy và Thụy Điển cũng thiết lập các mục tiêu cụ thể cho các chuyến bay bằng máy bay điện chặng ngắn.
Tại Đan Mạch, các hãng hàng không Væridion, Copenhagen Helicopter và Copenhagen Air Taxi đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tiên về phát triển các chuyến bay điện. Thỏa thuận này bao gồm một tuyến bay giữa Roskilde và Đảo Læsø sẽ được triển khai vào năm 2029 hoặc 2030.
"Đây là bước đầu tiên cho việc tiếp tục triển khai nhiều tuyến bay nội địa mới tại Đan Mạch và các nước Bắc Âu" - đại diện từ Sáng kiến Bắc Âu về Hàng không Bền vững (NISA), một trong những đối tác của NEA cho biết.
Hiện, các quốc gia tại khu vực này đang tập trung khai thác chuyến bay trên các tuyến đường dưới 400 km. Ngoài ra, các tuyến đường dưới 200 km, đặc biệt là ở các khu vực thưa dân, cũng đang được xem xét. Na Uy dường như hưởng lợi nhiều nhất từ hàng không điện khi có số lượng lớn tuyến đường với chiều dài như trên. Iceland, Thụy Điển, Đan Mạch và Phần Lan cũng đang tìm kiếm cơ hội để triển khai các chuyến bay chặng ngắn.