Bắc Giang khắc phục bất cập trong quản lý, sử dụng tiền công đức

Thúy Hồng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Việc quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ công khai, minh bạch, đúng mục đích tại các di tích có ý nghĩa quan trọng đối với công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích.

Từ xưa tới nay, việc “phát tâm công đức, giọt dầu” là nét đẹp văn hóa, là thói quen của nhiều người dân mỗi khi tới các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng. Tuy nhiên, theo thời gian việc quản lý tiền công đức phát nhiều bất cập. 

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Giang, trong năm nay các địa phương đã tổ chức kiểm tra việc quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ tại các di tích. Theo đó, những bất cập đã được chỉ ra như: việc thu, chi tiền công đức có nơi vẫn giao cho ban quản lý nắm giữ, chưa thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách và các văn bản liên quan.

Vấn đề ghi chép, cập nhật nội dung thu, chi chưa khoa học, do người được phân công nhiệm vụ theo dõi không có chuyên môn nghiệp vụ kế toán, chưa được hướng dẫn chuyên môn. Cùng đó, việc tiếp nhận tiền công đức và mở hòm công đức ở một số di tích chưa được lập biên bản khi kiểm đếm. Nhiều ban quản lý di tích chưa mở hệ thống sổ kế toán, báo cáo tài chính, hạch toán kế toán...

Tại huyện Lục Nam, hiện có 85 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó năm 2023 tổng số tiền công đức, tài trợ đạt hơn 27 tỷ đồng và đã chi hơn 22,6 tỷ đồng. Theo đại diện UBND huyện, việc theo dõi thu chi tại các di tích chủ yếu do tiểu ban quản lý tại chỗ, tiền công đức thường giao cho thôn và đại diện hội người cao tuổi quản lý.

Tại đền Suối Mỡ, nơi có nguồn công đức lớn nhất huyện, UBND xã Nghĩa Phương trực tiếp quản lý, với tổng thu từ tiền công đức trong năm 2023 đạt hơn 7 tỷ đồng. Số tiền này chủ yếu được sử dụng cho việc tu bổ di tích, chi phí hoạt động thường xuyên, tổ chức lễ hội, và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội địa phương. UBND xã thành lập ban quản lý di tích gồm 16 thành viên, hàng năm đều lập báo cáo quyết toán thu chi và xây dựng dự toán trình HĐND xã phê duyệt.

Trên địa bàn TP Bắc Giang có 47 di tích đã được xếp hạng, trong đó các chùa do nhà sư trụ trì quản lý trực tiếp tiền công đức. Đối với các di tích tín ngưỡng khác, đại diện người cao tuổi và có uy tín trong cộng đồng sẽ thực hiện việc ghi chép thu chi.

Riêng với di tích quốc gia đặc biệt - Địa điểm chiến thắng Xương Giang, việc quản lý tiền công đức tuân theo Thông tư số 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính, hướng dẫn cụ thể về thu, chi cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức tại các di tích.

Khu di tích chùa Bổ Đà, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Khu di tích chùa Bổ Đà, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Theo đánh giá của UBND TP Bắc Giang, các tổ chức và cá nhân cơ bản đã sử dụng tiền công đức đúng mục đích và có ghi chép thu chi. Một số di tích đã mở tài khoản tại ngân hàng thương mại hoặc Kho bạc Nhà nước để quản lý nguồn tiền. Tuy nhiên, việc ghi chép sổ sách tại nhiều nơi vẫn chưa đầy đủ, khoa học; tình trạng rải, rắc tiền lẻ không đúng nơi quy định vẫn tồn tại ở nhiều di tích.

Nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả tiền công đức, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các ngành và địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức. Các ban quản lý di tích phải ghi chép đầy đủ các khoản thu chi, tuân thủ chế độ thông tin, báo cáo và mở tài khoản tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước để đảm bảo an toàn tài chính. Tiền mặt chưa sử dụng cần được gửi vào tài khoản để tránh rủi ro thất thoát, đặc biệt là do trộm cắp.

Đối với những trường hợp cá nhân đang giữ tiền công đức hoặc đứng tên gửi tiết kiệm, tỉnh yêu cầu thu hồi để quản lý tập trung qua tài khoản, nhằm tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý tài chính di tích.