Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bắc Giang sắp tu sửa cây cầu có ô tô và tàu hoả đi chung

Thúy Hồng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Cầu Cẩm Lý (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư xây mới với tổng vốn gần 800 tỷ đồng, nhằm tách phương tiện đường bộ và đường sắt để đảm bảo an toàn.

Mỗi ngày có hàng trăm xe trọng tải lớn lưu thông qua cầu.
Mỗi ngày có hàng trăm xe trọng tải lớn lưu thông qua cầu.

Cầu Cẩm Lý (huyện Lục Nam, Bắc Giang) được xây dựng cách đây hơn 40 năm. Đây là cây cầu duy nhất trên cả nước vẫn cho tàu hoả và ô tô đi trên cùng mặt cầu. Cầu hiện đã xuống cấp, lưu lượng phương tiện giao thông qua lại tấp nập, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Cầu Cẩm Lý có chiều dài 272 m. Cầu gồm 4 nhịp dàn thép, mỗi nhịp dài hơn 64 m, tải trọng 9 tấn/trục. Lòng cầu chỉ rộng 3,8 m, hai bên có làn cho xe máy và xe thô sơ.

Do thiết kế ban đầu chủ yếu phục vụ tàu hỏa nên chỉ một chiều có thể lưu thông. Xe qua đây phải chờ đèn đỏ 4-5 phút để nhường đường cho làn xe đối diện. Khi tàu hoả đi qua thì phải chờ hàng chục phút nên dễ dần đến ùn tắc hàng cây số.

Chưa kể, thiết kế làn đường dành cho xe máy, xe đạp rất nhỏ, chỉ rộng khoảng hơn 1 m, thành lan can mỏng và thấp, mặt dưới được kết lại bằng những tấm bêtông, khi xe máy di chuyển sẽ bị rung lắc.

Người dân cho biết, dù ngày nào cũng qua cầu nhưng luôn có cảm giác sợ hãi, đặc biệt vào thời điểm trời mưa hoặc gió to.

Mới đây, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Mạnh cho biết, dự án sửa chữa cầu Cẩm Lý đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.

Hiện các ngành và huyện Lục Nam đang phối hợp với chủ đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng, khảo sát, thiết kế… Dự kiến dự án này sẽ khởi công vào quý IV/2024 và cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2025. Tổng mức đầu tư trên 796 tỷ đồng.

Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 3.014 m với điểm đầu thuộc địa phận xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang và điểm cuối thuộc địa phận xã Bắc Lũng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.

Dự kiến cầu Cẩm Lý mới sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2025, khi hoàn thành sẽ giúp tăng cường kết nối, nâng cao năng lực khai thác, để bảo đảm an toàn giao thông, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang vận tải từ Bắc Giang và Hải Dương đến các địa phương vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.