Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bắc Giang thu hơn 5.300 tỷ đồng vụ vải thiều năm 2017

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 2/8, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị tổng kết công tác sản xuất và tiêu thụ vải thiều 2017. Theo đánh giá, đây là niên vụ vải đạt giá trị cao nhất trong vòng 60 năm qua.

Niên vụ vải thiểu năm 2017, mặc dù sản lượng giảm gần 40% so với niên vụ 2016 do thời tiết bất thuận, chỉ đạt hơn 91.000 tấn nhưng giá vải thiều Bắc Giang năm nay đạt mức cao kỷ lục. Giá vải thiều trung bình từ 40.000 – 60.000 đồng/kg, thời điểm cao nhất lên đến 83.000 đồng/kg, gần gấp 2 lần so với niên vụ 2016. Tổng doanh thu từ vải thiều và các hoạt động phụ trợ đạt hơn 5.300 tỷ đồng.
 Thu hoạch vải thiều niên vụ 2017 tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang Trần Quang Tấn cho biết, ngoài xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Australia, EU, Nhật Bản, nhiều thị trường mới cũng được mở ra trong năm nay như Dubai, Hà Lan, Thái Lan với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 90 triệu USD. Điểm nổi bật của năm nay là sản lượng tiêu thụ nội địa tăng nhanh, chiếm đến 60% sản lượng vải thiều của Bắc Giang. “Năm 2018, tỉnh phấn đấu 65% sản lượng tiêu thụ thị trường nội địa. Đồng thời xúc tiến thương mại để vải thiều thâm nhập thị trường mới là Canada” – ông Tấn chia sẻ.

Theo đánh giá của tỉnh Bắc Giang, mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng kỹ thuật sản xuất của người nông dân đã được nâng lên đáng kể. Theo đó, nhiều hộ dân đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Theo thống kê, toàn tỉnh Bắc Giang có đến hơn 1.000 hộ dân có vườn vải thiều thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên, hàng chục hộ thu nhập 500 triệu đồng, cá biệt có những vườn vải đem lại trên 800 triệu đồng.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đề nghị, Bắc Giang cần phát huy lợi thế về chuỗi giá trị vải thiều đối với các loại trái cây khác. Trong công tác quy hoạch cần mở rộng thêm những diện tích trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để đảm bảo vùng nguyên liệu ổn định cho các DN và đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu. Đồng thời hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản thông qua kết nối cung cầu, liên kết giữa vùng sản xuất an toàn và thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh công tác bảo vệ và xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc.