Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bác Hồ ra đi để trở về với Hà Nội

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lần đầu tiên Bác Hồ đặt chân đến Hà Nội là ngày 23/8/1945, ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công. Kể từ đó, từ Hà Nội, Bác đã có nhiều chuyến đi xa và đã trở về với Thủ đô, với người Hà Nội. Hà Nội luôn trong trái tim Người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xem đề án quy hoạch xây dựng Thủ đô tháng 11/1959. Ảnh tư liệu
Từ Tân Trào về Hà Nội tuyên ngôn độc lập
Ra đi từ Sài Gòn để tìm đường cứu nước, ngót 30 năm sau về đến Pác Bó và hơn 5 năm nữa Bác mới về đến Hà Nội. Nói là trở về vì Hà Nội thủ đô, Hà Nội tự do là mục tiêu sự nghiệp cách mạng của Người.

Ngày 19/8/1945, Hà Nội tổng khởi nghĩa thành công. Ngày 22/8, buổi sáng, Bác rời Tân Trào về Hà Nội, theo đường đèo Khế, Cù Vân đến Đại Từ, rồi sang Thái Nguyên.

Sáng23/8, Bác đi qua huyện Đa Phúc (nay là Sóc Sơn) để chiều qua đò sông Hồng ở bến Phú Xá đến làng Gạ (nay là làng Phú Gia, xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm).

Ngày 25/8, buổi chiều, từ làng Gạ, Bác đi vào nội thành Hà Nội. Xe qua Nhật Tân, Yên Phụ, Hàng Đậu, Hàng Giấy, Hàng Đường, Hàng Ngang, vòng đến dừng ở số nhà 35 phố Hàng Cân rồi đến nhà số 48 phố Hàng Ngang. Từ đây, Bác bắt đầu gắn bó với Hà Nội, trở thành công dân của Thủ đô.

Tại quảng trường Ba Đình, 14 giờ ngày 2/9/1945, Bác đọc Tuyên ngôn độc lập: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Cũng từ giờ phút ấy, Hà Nội chính thức là thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Tự do và Độc lập.

Trở về từ Paris để Hà Nội “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”

Những tháng cuối năm 1945 và cả năm 1946 là những tháng ngày vô cùng cam go của Bác và Nhà nước Việt Nam mới khi phải đương đầu với cả ba thứ giặc là đói, dốt và ngoại xâm.

Trong cuộc cam go đó, ngày 31/5/1946, Bác phải tạm xa Hà Nội để sang Paris đấu tranh vì nền độc lập dân tộc. Bác ký Tạm ước 14 tháng 9 để kéo dài thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ. Sau gần 4 tháng ở Pháp, ngày 18/9/1946, Bác rời nước Pháp. Buổi chiều ngày 21/10, hàng vạn nhân dân Hà Nội tập trung tại ga Hàng Cỏ hân hoan vui đón Người trở về.

Thế nhưng, mặc dù chúng ta đã nhân nhượng, thực dân Pháp vẫn lấn tới. Cuộc chiến tranh mà chúng ta không hề muốn đã bùng nổ. Ðêm khuya ngày 18/12/1946, trên căn gác xép nhỏ trong làng Vạn Phúc, Bác viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!".

Tiếng súng kháng chiến của Hà Nội phát nổ vào 20 giờ 30 phút ngày 19/12/1946. Quân và dân Thủ đô đã chiến đấu ngoan cường, bền bỉ kìm chân địch trong nội thành suốt 60 ngày đêm. Bác gửi thư cho các chiến sĩ cảm tử quân Hà Nội: "Tôi và nhân viên Chính phủ vì nhớ đến các anh em cho nên cũng không ai nỡ ăn Tết. Các em là đội cảm tử. Các em cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu tinh thần tự tôn, tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại...".

Một lần nữa, Bác Hồ tạm xa Hà Nội để lên chiến khu Việt Bắc lãnh đạo cuộc kháng chiến.
 Đến thăm nhà máy xe lửa Gia Lâm, Người nhắc nhở công nhân, cán bộ phát huy truyền thống cách mạng của nhà máy, ra sức xây dựng miền Bắc, ủng hộ miền Nam.
Từ Thái Nguyên về với Thủ đô giải phóng

Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Bác lại trở về với Hà Nội. Đầu tháng 10/1954, từ huyện Đại Từ, qua bến Bình Ca sang Tuyên Quang, Bác về Việt Trì rồi vượt bến phà Chiều Dương sang Sơn Tây và dừng lại ở đây hơn 10 ngày.

Ngày 10/10/1954, trong cuộc mít tinh trọng thể mừng ngày Giải phóng Thủ đô, mặc dù chưa kịp về dự nhưng Lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng của Bác đã được đồng bào Hà Nội đón đợi, hướng ứng. Bác nói: "Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh".

Trong phiên họp Chính phủ đầu tiên sau ngày giải phóng, ngày 13/10, Bác nhận định: “Việc tiếp quản Thủ đô thành công là do dân ta tốt, bộ đội ta tốt. Sau những ngày vui vừa qua cần giải quyết tốt những phát sinh mới xảy ra... Cuộc đấu tranh tuy còn khó khăn, gian khổ nhưng chính nghĩa về ta. Đoàn kết tốt ta nhất định thắng...”.

Ngày 15/10, Bác về đến nội thành Hà Nội. Bác ở và làm việc tại phòng số 14, gác hai, nhà số 4 tại Nhà thương Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Hữu Nghị).

Ngay ngày hôm sau, 16 tháng 10, tại Bắc Bộ Phủ, Bác tiếp đoàn đại biểu Nhân dân Thủ đô. Bác nói: Tôi rất cảm động trước sự thịnh tình của đồng bào. Nhưng tôi muốn đồng bào bỏ vải vóc, giấy màu vào việc viết khẩu hiệu, làm cờ… Tôi không rõ việc đó gây tốn kém bao nhiêu là tiền bạc. Lãng phí hơn nữa là việc mấy chục vạn người sẽ mất cả một ngày vì tôi.

Nhận thấy vai trò to lớn của thủ đô đối với cả nước, với sự nghiệp cách mạng nên ngay từ đầu Bác đã rất quan tâm đến Hà Nội những ngày đầu giải phóng. Ngày 9/10, trên báo Nhân dân, Người đăng bài báo Giữ gìn trật tự an ninh, nêu tầm quan trọng và ý nghĩa của việc giữ gìn trật tự an ninh ở Thủ đô sau khi quân đội Pháp rút khỏi Hà Nội.

Ngày 13/10, trong bài viết Ổn định sinh hoạt, Bác biểu dương thành tích khôi phục các mặt hoạt động của Thủ đô Hà Nội những ngày đầu giải phóng, và yêu cầu mỗi người dân Hà Nội cần cố gắng làm tròn nhiệm vụ của mình góp phần ổn định sinh hoạt của Thủ đô.

Trước đó, Bác cũng căn dặn các đơn vị bộ đội vào tiếp quản Hà Nội phải giữ gìn đạo đức và kỷ luật thật tốt để được dân tin, dân mến.

Mặc dù bận trăm công công ngàn việc nhưng Bác vẫn thường xuyên về thăm các địa phương, đơn vị ở Hà Nội, không chỉ động viên, biểu dương thành tích mà còn nắm tình hình để có những quyết sách chính xác trong lãnh đạo.

Ngày 30/11, nói chuyện với cán bộ, viên chức Thủ đô, Bác đề cập tới ba vấn đề: Đoàn kết; tăng năng suất công tác; học tập. Bác yêu cầu cán bộ, viên chức Thủ đô phải gương mẫu thực hiện việc học tập, trau dồi đạo đức cách mạng và thực hiện cần, kiệm, liêm, chính.

Ngày 15/12, Bác thăm các đơn vị quân đội, Bệnh viện Bạch Mai, thăm Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Ngày 18/12, Bác nói chuyện với học sinh các trường phổ thông trung học Chu Văn An, Nguyễn Trãi và Trưng Vương. Trong những ngày này, Bác còn đi thăm và nói chuyện với công nhân Nhà máy Điện Yên Phụ, Nhà máy đèn Bờ Hồ.

Bác còn viết nhiều bài báo biểu dương các gương người tốt việc tốt của Nhân dân Hà Nội như bài Công nhân gương mẫu và gương mẫu của công nhân biểu dương thành tích của công nhân một số nhà máy ở Hà Nội trong việc phục hồi sản xuất và ổn định sinh hoạt; bài Trẻ em gương mẫu Trịnh Văn Kiều, biểu dương em về thành tích gom nhặt vũ khí rơi vãi trong chiến tranh đem nộp cho nhà chức trách.

Bác quan tâm đến sự ổn định để phát triển thủ đô một cách căn cơ, trên nền tảng các giá trị đạo đức và văn hóa. Ngày 1/10/1954, từ khi chưa về Hà Nội, Bác đã ký Sắc lệnh số 218/SL về việc không trừng phạt những người đã cộng tác với đối phương trong thời gian chiến tranh và cho họ hưởng quyền tự do dân chủ. Bác quan tâm chính sách đối với Hoa kiều, tạo cho họ cơ hội sinh sống và làm ăn ổn định ở Hà Nội và các địa phương. Ngày 30/12, Bác viết bài Tên các đường phố, đề nghị xóa bỏ những phố mang tên người nước ngoài ở Hà Nội mà hãy trở lại tên danh nhân của đất nước mình.

Cuối tháng 12/1954, Bác mới về Phủ Chủ tịch. Tại đây, Bác đã sống và làm việc trong 15 năm, cùng với Trung ương Đảng và Chính phủ lãnh đạo Nhân dân ta vừa đánh giặc, vừa xây dựng đất nước.

Cũng tại đây, trong ngôi nhà sàn, ngày 2/9/1969, Bác đã ra đi… Bác đi xa nhưng niềm tin, tình thương yêu của Bác dành cho Hà Nội thì còn mãi...
Trong phiên họp Chính phủ đầu tiên sau ngày giải phóng, ngày 13/10, Bác nhận định: “Việc tiếp quản Thủ đô thành công là do dân ta tốt, bộ đội ta tốt. Sau những ngày vui vừa qua cần giải quyết tốt những phát sinh mới xảy ra... Cuộc đấu tranh tuy còn khó khăn, gian khổ nhưng chính nghĩa về ta. Đoàn kết tốt ta nhất định thắng...”.