Cụ thể, Cục Đăng kiểm Việt Nam không đồng ý với đề nghị kéo dài chu kỳ kiểm định lên 1,5 lần đối với xe tải và 2 lần đối với xe khách để giảm bớt khó khăn cho các đơn vị kinh doanh vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Bác kiến nghị kéo dài chu kỳ kiểm định với xe tải, xe khách. Ảnh minh họa |
Lý do là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các phương tiện ít hoạt động, kilômet xe lăn bánh giảm tương ứng.
Báo cáo Bộ Giao thông vận tải về đề xuất trên, lãnh đạo Cục Đăng kiểm cho rằng chu kỳ kiểm định của xe cơ giới được tính toán, xây dựng dựa trên an toàn kỹ thuật của phương tiện, khuyến nghị của Tổ chức ôtô quốc tế (CITA) đảm bảo phù hợp với việc sử dụng phương tiện tại Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế.
Xe tải và xe khách là phương tiện được sử dụng để vận chuyển hàng hóa và hành khách, thường xuyên hoạt động với tần suất cao.
Do vậy tình trạng kỹ thuật của xe phải được duy trì, đảm bảo quy định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhằm hạn chế nguy cơ gây mất an toàn giao thông, gây ảnh hưởng đến an toàn sinh mạng của con người.
Trong khi đó, Việt Nam chưa có quy định bắt buộc về bảo dưỡng xe cơ giới giữa hai kỳ kiểm định. Do vậy, việc bảo dưỡng xe giữa hai kỳ kiểm định chưa được chủ phương tiện thực hiện đúng theo khuyến nghị của nhà sản xuất nên tình trạng kỹ thuật của xe chưa được duy trì tốt.
Vì vậy, Cục Đăng kiểm nhận định chu kỳ kiểm định của xe cần có thời gian phù hợp để kiểm soát tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe khi tham gia giao thông.
Khi Luật giao thông đường bộ sửa đổi có hiệu lực thì quy định về bảo dưỡng định kỳ sẽ được kiểm soát, lúc đó Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ nghiên cứu, báo cáo Bộ Giao thông vận tải để tăng chu kỳ kiểm định cho các loại xe nêu trên.
Ngoài ra chu kỳ kiểm định của phương tiện nói chung là để kiểm soát tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe, ít gây ảnh hưởng về mặt kinh tế đối với các doanh nghiệp vận tải.
Do vậy, việc tăng chu kỳ kiểm định của phương tiện để hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 là không phù hợp.
Từ những lý do nêu trên, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất không kéo dài chu kỳ kiểm định đối với xe tải và xe khách. Đối với ôtô đến 9 chỗ kinh doanh vận tải, Cục Đăng kiểm đã đề xuất xem xét, nghiên cứu tăng chu kỳ kiểm định.
Với đề nghị giảm 50% phí bảo trì đường bộ, Cục Đăng kiểm cho biết theo quy định, trường hợp xe kinh doanh vận tải bị dừng hoạt động do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ phải làm đơn xin nghỉ lưu hành gửi Sở Giao thông vận tải xác nhận thì sẽ không phải chịu phí khi dừng nghỉ lưu hành từ 30 ngày trở lên.
Cục Đăng kiểm ước tính trong thời gian giãn cách xã hội sẽ có khoảng 80% lượng xe khách và 50% số lượng xe tải phải nghỉ lưu hành và tổng số phí người dân không phải nộp vào ngân sách nhà nước sẽ giảm khoảng 170 tỷ đồng/tháng.
Tuy nhiên, với đề nghị giảm 50% phí sử dụng đường bộ do xe giảm hoạt động của Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam do thông tư của Bộ Tài chính chưa quy định nên Cục Đăng kiểm kiến nghị Bộ Giao thông vận tải có văn bản gửi Bộ Tài chính xem xét sửa đổi thông tư.