70 năm giải phóng Thủ đô

Bắc Kinh phản ứng mạnh việc Washington hạn chế mua máy bay không người lái từ Trung Quốc

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 19/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, Bắc Kinh phản đối việc chính quyền Mỹ gây sức ép đối với các công ty Trung Quốc sau khi Tổng thống Donald Trump ra sắc lệnh cấm mua các hệ thống máy bay không người lái nước này.

 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh
Trước đó, Nhà Trắng hôm 18/1 thông báo, Tổng thống Trump đã ký ban hành một sắc lệnh hành pháp cấm mua các hệ thống máy bay không người lái từ các nước được xem là “đối thủ” gồm Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên.
Theo sắc lệnh mới này, việc phụ thuộc vào máy bay không người lái do các nước trên sản xuất sẽ đe dọa an ninh quốc gia và an ninh kinh tế của Mỹ.
Sắc lệnh trên nêu rõ, các hoạt động của Chính phủ Mỹ sử dụng máy bay không người lái cần có sự đánh giá, thu thập và lưu trữ dữ liệu và điều này có thể để lộ các thông tin nhạy cảm.
Vì vậy, chính sách mới của Mỹ nhằm mục đích tránh mua các máy bay không người lái tiềm ẩn “các nguy cơ không chấp nhận được” do các nước trên sản xuất, chứa các phần mềm hoặc các thành phần điện tử của các nước đối thủ.
Sắc lệnh này cũng khuyến khích việc sử dụng các máy bay không người lái do Mỹ sản xuất.
Hồi tháng 5/2019, Bộ Thương mại Mỹ ra lệnh cấm các công ty nước này làm ăn với tập đoàn thiết bị viễn thông Huawei cũng như 70 chi nhánh của công ty, viện dẫn những lo ngại về an ninh. Tuy nhiên, giới chức Mỹ sau đó đã ban hành một loạt miễn trừ, cho phép các công ty trong nước tiếp tục bán linh kiện và công nghệ cho tập đoàn viễn thông Trung Quốc.
Chính quyền Tổng thống Trump đã gia tăng sức ép đối với các DN Trung Quốc trong những tháng gần đây, khi đưa thêm nhiều công ty vào danh sách đen thương mại và đầu tư với cáo buộc đe dọa an ninh quốc gia.
Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 14/1 đã bổ sung thêm 9 công ty Trung Quốc vào danh sách các công ty mà họ cho biết có quan hệ với quân đội nước này. Các công ty bao gồm nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi và nhà sản xuất máy bay thương mại của Trung Quốc (Comac), trung tâm trong mục tiêu của Trung Quốc là tạo ra một chiếc máy bay thân hẹp có thể cạnh tranh với Boeing và Airbus./.