Bạc Liêu: Bệnh viện 200 tỉ xây xong để đó, vì sao?

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtevadothi - Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Bạc Liêu qui mô hơn 100 giường bệnh, được xây dựng hơn 10 năm với kinh phí trên 200 tỉ đồng, dù hoàn thành đã hơn 1 năm nhưng đến nay vẫn chưa đón bệnh nhân. Nguyên nhân chính hiện nay là từ khâu thiết bị.

10 năm xây xong, không thể vận hành

Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Bạc Liêu, Báo Kinh tế và Đô thị (ngày đã phản ánh: Được xây dựng trên khu đất rộng 13.000m², thuộc xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu với kinh phí trên 200 tỉ đồng. Đây là Bệnh viện có qui mô lớn, hiện đại, được đầu tư đồng bộ thuộc nhóm đứng đầu các cơ sở y tế của tỉnh Bạc Liêu. Bệnh viện do Sở Y tế làm chủ đầu tư qui mô 100 giường bệnh, gồm 3 khu, 1 trệt nhưng sau hơn 1 năm hoàn thành, vẫn chưa tiếp nhận một bệnh nhân.

Bệnh viện Lao và Bệnh phổi bạc Liêu được xem là cơ sở điều trị chuyên khoa hiện đại ở khu vực.
Bệnh viện Lao và Bệnh phổi bạc Liêu được xem là cơ sở điều trị chuyên khoa hiện đại ở khu vực.

Ông Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng tổ kiểm tra cho biết:  Bệnh viện  không đi vào hoạt động được là do nhiều nguyên nhân. Về cơ sở vật chất đã khắc phục cơ bản, nhưng tổ chức bộ máy chưa đầy đủ, nếu đưa vào hoạt động cần phải bố trí thêm cán bộ các khoa mới đủ đáp ứng. Nguyên nhân quan trọng nữa khiến Bệnh viện không thể đi vào hoạt động được là do trang thiết bị y tế. Quá trình đưa vào sử dụng các trang thiết bị bị lỗi không sử dụng được, chúng tôi đang đề nghị nhà thầu khắc phục. Ngoài ra, các thiết bị khi giao cho bệnh viện không đúng với cấu hình khi ký hợp đồng cam kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu.

Thiết bị trăm tỷ, có như không

Theo báo cáo của bệnh viện vào tháng 2/2022, chủ đầu tư đã lắp đặt và bàn giao hệ thống thiết bị y tế theo hợp đồng số 01/2020/MINEXPORT-SYTBL gói thầu số 11, gồm 77 danh mục, tổng vốn đầu tư trên 100 tỉ đồng. Tuy nhiên, nhiều danh mục lắp đặt xong, nhưng không thể nghiệm thu để bàn giao. Phần lớn các danh mục không có hồ sơ gốc, chỉ có bản photocopy, nên không thể bàn giao giá trị tài sản. Sau hơn nửa năm, khi không sử dụng, thêm nhiều thiết bị tiếp tục xuống cấp. Còn bộc lộ rõ năng lực kém của nhiều khâu thiết kế, thi công, giám sát.

Tủ bảo quản tử thi nhiều chỗ bị gỉ sét, chảy nước.
Tủ bảo quản tử thi nhiều chỗ bị gỉ sét, chảy nước.

Báo cáo mới nhất số 39/BC-BVL&BP ngày 4/10/2022 của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Bạc Liêu về “Tình hình trang thiết bị thuộc gói thầu số 11: Mua sắm và lắp đặt trang thiết bị thuộc Dự án: Mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Chuyên khoa Lao.” Cho thấy, gói thầu 11 bộc lộ yếu kém trong chuyên môn của đơn vị tư vấn, khi dù đã khảo sát nhiều lần nhưng không đưa ra được điều kiện trước khi lắp đặt thiết bị, không có sự phối hợp giữa các đơn vị khi lắp đặt. Làm phát sinh thêm chi phí lớn và thời gian khi lắp đặt hệ thống máy xét nghiệm, phần mềm Labcon, máy CT Scanner, máy X quang cố định, máy hấp tiệt trùng bằng hơi nước 250L,...

Mặt khác, lắp đặt một số thiết bị có giá trị cao, nhưng đơn vị lắp đặt lại không chuyên nghiệp. Giám sát thiếu trách nhiệm nên có một số thiết bị phải sữa chữa nhiều lần như: Máy hấp tiệt trùng bằng hơi nước 250L, máy rửa khử khuẩn hai cửa có sấy khô, máy cất nước hai lần,...Trong đó, máy rửa khử khuẩn hai cửa có sấy khô đã 01 lần hư điện trở, việc lắp đặt không đúng với cấu hình trong hợp đồng đã đưa ra.

Trong thời gian lắp đặt và chạy thử nghiệm trước khi nghiệm thu đã có một số thiết bị gặp sự cố và không thể hiện được các chức năng trong hợp đồng như: Máy giúp thở người lớn và trẻ em, tủ bảo quản tử thi, máy rửa khử khuẩn hai cửa có sấy khô, máy shock điện,...đến nay các thiết bị này vẫn chưa thể bàn giao được. Máy hấp nhiệt độ thấp dù mới bảo trì lần đầu nhưng đã bị oxy hóa và chưa khắc phục hết tình trạng chảy nước. Tủ bảo quản tử thi đến nay nhiều chỗ rỉ sét. Trong 8 máy thở đã có 04 máy gặp sự cố. Ba xe cứu thương chủ đầu tư đã nghiệm thu nhưng sau đó hủy biên bản nghiệm thu.

Bác sỹ Lê Minh Điền, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi lo lắng: “Tất cả các thiết bị trên đều có giá trị cao, nhưng từ khi lắp đặt đến nay đã hơn 1 năm vẫn không đưa vào sử dụng. Nên nguy cơ bị hỏng là khó tránh, thiệt hại cho ngân sách sẽ là rất lớn.”

Sẽ cho thanh tra, kiểm tra

Ông Trần Hoài Đảo, UBND tỉnh đã có rất nhiều cuộc họp và đã có thành lập hai Tổ công tác để rà soát, đánh giá các điều kiện đưa bệnh viện vào hoạt động (có mời 3 cán bộ kỹ thuật, trang thiết bị của Bệnh viện Chợ Rẫy ở TP.HCM) hỗ trợ làm việc với nhà thầu và đơn vị sử dụng. “Tuy nhiên, trong quá trình làm việc với bệnh viện vẫn còn nhiều khó khăn, đang xin ý kiến. Sở Y tế đã chủ động mời Bộ Y tế hỗ trợ tỉnh, Bộ Y tế đang xem xét cử một Tổ cán bộ vào hỗ trợ.”

Thiết bị bị lỗi không thể bàn giao
Thiết bị bị lỗi không thể bàn giao

Liên quan vụ việc, trả lời báo chí tại cuộc họp giao ban ngày 6/10 vừa qua, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND cho biết: Tôi đã giao cho một Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với chủ đầu tư, Sở Y tế. Rà soát  nghiệm thu, sớm đưa thiết bị vào hoạt động.

“Tỉnh cũng đã nhờ đoàn chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy vào xem các trang thiết bị. Sắp tới, sẽ cho thanh tra, kiểm tra, nếu có dấu hiệu vi phạm chuyển qua cơ quan Cảnh sát Điều tra làm cho rõ, không bao che. Đã lãng phí tiền nhà nước mà không phục vụ được cho nhân dân. Trang thiết bị không đồng bộ, hợp đồng loại này đi mua loại khác. Sai ở đâu, nhà thầu, chủ đầu tư? Ai sai cũng phải xử lý, không thể để mãi như thế được,” ông Thiều bức xúc nói.