Hồng Dân có Ấp nhà lầu, tên gọi một địa danh lâu đời để chỉ nơi có căn nhà lầu (nhà tầng kiên cố) của một phú nông giàu có nhất vùng thời Pháp thuộc. Hôm nay, nơi đây cũng đã có thêm những ấp nhà lầu 1, ấp nhà lầu 2… nhưng là địa danh nơi có các khu nhà lầu của những người nông dân chân chất làm giàu từ "cánh đồng chó ngáp”.

Xã Nông thôn mới Ninh Quới A thuộc huyện Hồng Dân hôm nay
Xã Nông thôn mới Ninh Quới A thuộc huyện Hồng Dân hôm nay

Ký ức vùng đất chỉ để cầm trâu

Thăm ông Nguyễn Văn Thiệt (69 tuổi), một lão nông cố cựu ở ấp Chòm Cau, xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu những ngày Xuân mới 2023, mới thấy sức sống mãnh liệt nơi đây. Nơi mà con người Hồng dân, bằng nỗ lực vượt khó, đã chinh phục cải tạo thiên nhiên để sống, và làm giàu.

Ông Thiệt đang kể cho phóng viên về những khó khăn của "đồng chó ngáp" khi chưa chuyển dịch cơ cấu sản xuất
Ông Thiệt đang kể cho phóng viên về những khó khăn của "đồng chó ngáp" khi chưa chuyển dịch cơ cấu sản xuất

Ông kể, sau Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975, "đồng chó ngáp" là cánh đồng hoang sơ rộng lớn thuộc hai huyện Hồng Dân và Phước Long. Do đặc điểm địa lý là vùng đất lung trũng, phèn mặn nên chỉ mọc được cỏ năn, cỏ lác, lao sậy, dừa nước, tràm hoang mọc um tùm.

Mùa nắng thì khô cằn, đến nổi chó chạy qua đồng còn phải ngáp dài ngáp ngắn. Mùa mưa nước phèn ngập trắng xóa đồng năng. Hoang hóa lại rộng lớn, nhưng không thể trồng lúa, chăn nuôi hiệu quả, quanh năm người dân chỉ để cầm trâu độn (nuôi trâu thuê vỗ béo đợi mùa vụ mới), hay nuôi vịt chạy đồng. Nên cuộc sống ngàn hộ dân “đồng chó ngáp” luôn vô cùng khổ sở, khó khăn. Ít ai dám ở, đất chỉ bỏ hoang.

Cơ ngơi chục tỷ của ông Thiệt làm nên từ lúa và tôm của "đồng chó ngáp" hôm nay.
Cơ ngơi chục tỷ của ông Thiệt làm nên từ lúa và tôm của "đồng chó ngáp" hôm nay.

Năm 1978, rời du kích, ông dắt díu gia đình với mấy đứa con nhỏ vào “đồng chó ngáp" khai phá được hơn 7ha đất. Trong số này, ông chọn đất gò cao được vài công, tập trung cải tạo trồng lúa mùa. Nhưng đất nhiễm phèn mặn trầm thủy, nên trồng lúa chỉ đủ ăn chống đói, khi mỗi công được vài giạ lúa. Số đất còn lại phải bỏ hoang không thể trồng trọt.

Người dân “đồng chó ngáp” khi đó có đất nhưng không thể sản xuất, nhiều người phải bỏ đất bỏ làng quê đi làm thuê đủ nghề để sinh nhai, đào đất, làm mướn… Người già, phụ nữ, nông nhàn thì làm nghề trầm lá dừa nước, đan mê bồ, đan rổ, đan thúng... thu nhập đấp đổi chỉ đủ sống qua ngày. Dân khổ, chính quyền càng khó khăn, giao thông cách trở, không đường không điện. Trạm y tế, trường học đều là thứ xa xỉ, lũ trẻ ao ước được đi học nhưng giấc mơ đó nhiều năm sau mới thực hiện được.

Ông Thiệt kể, “đồng chó ngáp” khi đó đầy cỏ năn, nước ngập sâu đến bụng trâu, không trồng gì được. Chỉ thích hợp để nhiều hộ nghèo hình thành “làng nghề” chăn giữ trâu độn. Nhiều người giữ trâu như: Hai Dệ, Tám Thạnh, Tám Chì, Chín Thôi... nổi tiếng khắp vùng. Mỗi người nhận giữ từ vài chục cặp đến hàng trăm cặp trâu. Đến mùa, hàng ngàn con trâu hội tụ, tạo nên một bức tranh quê hoành tráng.

Bên ấm trà, ông Thái Văn Thạnh kể cho phóng viên nghe về nghề cầm trâu độn của mình nơi "đồng chó ngáp" mấy mươi năm trước.
Bên ấm trà, ông Thái Văn Thạnh kể cho phóng viên nghe về nghề cầm trâu độn của mình nơi "đồng chó ngáp" mấy mươi năm trước.

Ông Thái Văn Thạnh (Tám Thạnh, 80 tuổi, ở ấp Chòm Cau, xã Ninh Thạnh Lợi A kể, trước đây do nhà nghèo, không đất sản xuất, để có gạo, có lúa ăn, mỗi năm ông nhận từ 50 – 60 con trâu để cầm trâu độn, mỗi hộ dân từ 1 - 3 cặp trâu. Hàng năm, có 3 tháng mùa nước nổi (tháng 8 đến tháng 11 âm lịch) thích hợp cầm trâu độn. Bảy người con, 6 gái 1 trai của ông Thạnh nheo nhóc, lam lũ, không đứa nào được học hành. Chúng phụ giúp ông mỗi đứa giữ hàng chục con trâu. Sáng theo ông lùa trâu ra đồng, tối mịt mới lùa về. Mỗi cặp trâu chủ trả cho 1 giạ lúa hoặc 1 táo gạo. Sau 21 năm giữ trâu độn, đến tận 1999 khi cơ giới hóa xuất hiện, ông Thạnh cùng các con mới bỏ nghề. Giờ sống an nhàn, nhờ 1ha đất nuôi tôm - lúa.

Ấp nhà lầu giữa “đồng chó ngáp”

Từ vùng đất hoang hóa nghèo khổ, nay Hồng Dân đã có đường bê tông về tận vùng sâu.
Từ vùng đất hoang hóa nghèo khổ, nay Hồng Dân đã có đường bê tông về tận vùng sâu.

Ấp nhà lầu, tên gọi một địa danh có từ thời Pháp, để chỉ nơi có căn nhà lầu (nhà tầng kiên cố) của một phú nông giàu có nhất vùng. Nay Hồng Dân đã có thêm những ấp nhà lầu 1, ấp nhà lầu 2… nhưng lại chỉ những địa danh nơi có khu nhà lầu của những người nông dân chân chất làm giàu từ “đồng chó ngáp.”

Cơ ngơi tiền tỷ của một hộ dân ở "ấp nhà lầu 1".
Cơ ngơi tiền tỷ của một hộ dân ở "ấp nhà lầu 1".

“Cứ tưởng cánh đồng rộng lớn này chỉ để cầm trâu, dân nghèo khổ mãi. Nhưng quyết định táo bạo của Đảng, Nhà nước mà dấu ấn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt sâu đậm khi quyết định cho tỉnh Bạc Liêu chuyển đổi phần đất hoang hóa, đất trồng lúa kém hiệu quả ở vùng Bắc Quốc lộ 1 sang nuôi tôm đã làm cho dân vùng này giàu lên” - ông Nguyễn Văn Thiệt phấn khích kể.

Những căn nhà ở vùng sâu của huyện Hồng Dân, thoạt qua như nhưng căn nhà vườn sang trọng ở các đô thị lớn 
Những căn nhà ở vùng sâu của huyện Hồng Dân, thoạt qua như nhưng căn nhà vườn sang trọng ở các đô thị lớn 

Tiếp câu chuyện của cha, anh Nguyễn Văn Lăng (54 tuổi) kể, đất vùng cánh đồng ngày xưa hoang hóa phèn nặng, chỉ có sậy, năng kim, cỏ lác… không thể trồng lúa được, dân nghèo khổ lắm. Nhưng giờ ở đây, nhất là kênh 13, 14 này, từ khi được xẻ kênh, rửa phèn nơi đây trở nên trù phú.

“Gia đình anh năm rồi làm 2 vụ lúa – 1 vụ tôm, canh tác chỉ cần dùng phân hữu cơ để dằn – lót, không xài thuốc hóa học. Thu hoạch tôm lãi khoảng 160 triệu, 30 công ruộng thu hoạch được 28 tấn lúa chưa tính thêm mấy trăm triệu trúng tôm. Năm nay, lúa giá 8.100 đồng, trừ chi phí còn lãi chắc hơn 200 triệu đồng”, - anh Lăng nói.

Đường quê thanh bình của huyện nông thôn mới Hồng Dân
Đường quê thanh bình của huyện nông thôn mới Hồng Dân

Ông Trương Minh Chiến, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu, Bí thư huyện Hồng Dân, khi đó còn là Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hồng Dân kể lại chứng thực hơn. Theo ông, vùng đất cánh "đồng chó ngáp” này người dân rất đói khổ vì đất không thể canh tác. Những năm 1980, tỉnh Minh Hải lúc đó thực hiện các chủ trương khai phá đất đai của chính phủ bằng các chương trình 60B, 70A… đất rộng người thưa, cánh đồng ngập phèn nặng dày cả mấy tấc, lại không có cơ giới. Huyện đã huy động hàng ngàn nhân công đào kênh bằng tay. Nhưng đất khai phá được chỉ trồng được khóm, dứa, tràm vì phèn quá nặng, nên chưa hiệu quả.

Đến những năm 1990, theo chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, tỉnh Minh Hải đã thực hiện ngọt hóa quản lộ Phụng Hiệp, ngăn mặn giữ ngọt, xẻ kênh, xổ rửa phèn “đồng chó ngáp” của huyện Hồng Dân. Sau đó, kết nối với vùng ngọt hóa Quản lộ Phụng Hiệp, chương trình ngọt hóa Bán đảo Cà Mau. Lúc đó, mới thật sự đã làm thay đổi vùng đất này. Theo thời gian, vùng đất tưởng chừng hoang hóa vô dụng lại trở nên màu mỡ, trù phú như bây giờ.

"Đồng chó ngáp" hiện dễ dàng bắt gặp nhưng nông cụ hiện đại

Ngay khi có chủ trương chuyển đổi phần đất hoang hóa, đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm, tỉnh Bạc Liêu tiến hành đào xẻ kênh thủy lợi trên cánh đồng. Hệ thống kênh đập thủy lợi bao mặn, xổ rửa phèn mặn đã khiến vùng đất ngày càng trở nên màu mỡ sung túc. Theo đó, ông Nguyễn Văn Thiệt (xã Ninh Thạnh Lợi A) cùng người dân bắt tay thuê mướn xáng cuốc đắp bờ bao, phát hoang cỏ lác, cỏ năn, cải tạo đất để nuôi tôm sú. Mọi người không ngờ rằng vùng đất hoang hóa, lung bào phèn mặn chỉ để nuôi trâu độn, nay lại trúng lớn khi nuôi tôm sú.

Do chất đất thích hợp, tôm sú nuôi không cần cho ăn, không tốn công chăm sóc nhưng lớn nhanh như thổi. Vụ mùa nào trúng vụ đó, riêng gia đình ông Thiệt lời hàng trăm triệu đồng từ nuôi tôm. Đến vụ lúa, người dân cải tạo trồng lúa, cứ nghĩ lấy trồng lúa lấy gốc rạ làm thức ăn cho vụ tôm sau. Không ngờ, kiểu cải tạo “thuận thiên” lại khiến trúng đậm thêm mùa lúa. Gia đình ông Thiệt cũng vậy, không những trúng tôm, nhiều năm nay áp dụng mô hình trồng lúa trên đất nuôi tôm đã thắng lớn.

Ấp nhà lâu 1, nơi có nhiều tỷ phú từ tôm - lúa ở Hồng Dân.

Ông Thiệt kể, 70 công đất nuôi tôm, sau khi thu hoạch 2 vụ tôm sú, ông bắt đầu cải tạo trồng lúa ST24, với mức 15 kg lúa giống/công. Lúa chỉ bón lượng ít phân hữu cơ nhưng đạt năng suất gần 1 tấn/ha, bán cho thương lái có giá lên đến 8.100 đồng/kg. Dưới mặt nước, ông Thiệt còn thả nuôi tôm càng xanh, cua biển, cá đồng... đều có nguồn thu nhập khá.

Căn biệt thự khang trang trị giá hàng chục tỷ đồng của gia đình ông Thiệt nằm giữa cánh đồng hoang hóa, được xây lên từ cây lúa con tôm như vậy. Mô hình con tôm ôm cây lúa không những đã còn giúp hàng ngàn hộ dân vùng “đồng chó ngáp” thoát nghèo, mà còn tạo nên rất nhiều tỷ phú tôm- lúa. Dọc các ấp Nhà Lầu 1, Nhà Lầu 2 (xã Ninh Thạnh Lợi A) có hàng trăm hộ dân xây dựng được nhà tường, nhà biệt thự, nhà lầu trị giá hàng chục tỉ đồng khác. Ông Phan Thanh Sung, Bí thư Đảng ủy xã Ninh Thạnh Lợi A cho biết, năm 2001, toàn xã có đến 27% hộ nghèo, hộ khá giàu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng tính đến hết năm 2022, xã có đến 70% hộ khá, giàu.

Con tôm ôm cây lúa đã giúp "đồng chó ngáp" ở Hồng Dân đổi đời.
Con tôm ôm cây lúa đã giúp "đồng chó ngáp" ở Hồng Dân đổi đời.

Ông Phan Vũ Thăng, Bí thư huyện Hồng Dân nhấn mạnh: “Với chủ trương đúng đắn, nhiều cách làm hay, sáng tạo phù hợp với từng địa phương, không chạy theo thành tích, huyện Hồng Dân đã huy động tốt các nguồn lực, nhất là huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, Hồng Dân bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên.”

Bạc Liêu: Sắc Xuân đầy nội lực ở Hồng Dân

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Vùng đất nghèo hoang hóa, nhiễm mặn, phèn chua ở Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) xưa chỉ để cầm trâu độn, đến nỗi “chó chạy phải ngáp.” Nhưng đến nay đều đã đổi thay, khi làng quê đã khoát lên mình diện mạo mới tươi màu sắc xuân, tràn đầy sức sống, nội lực.

Tin liên quan