Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bạc Liêu: sạt lở nghiêm trọng trên tuyến đê Biển Đông

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chưa dứt tình trạng sụp lún sạt lở sông ngòi kênh rạch, Bạc Liêu vừa phải chịu tiếp tình trạng sạt lở nghiêm trọng trên tuyến đê biển Đông, dù hiện tại chưa vào cao điểm mùa mưa bão.

Một trong những đoạn đê ở xã Vĩnh Trạch TP Bạc Liêu đoạn giáp với tỉnh Sóc Trăng đang bị sóng biển đe dọa trực tiếp (Hoàng Nam)
Một trong những đoạn đê ở xã Vĩnh Trạch TP Bạc Liêu đoạn giáp với tỉnh Sóc Trăng đang bị sóng biển đe dọa trực tiếp (Hoàng Nam)

Ông Ngô Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bạc Liêu cho biết, tuyến đê biển Đông, đoạn giáp ranh giữa 2 tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng thuộc xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng, xuất hiện khoảng 3 ngày nay. Theo thống kê ban đầu, có 2 đoạn sạt lở, kéo dài trên 100m, có đoạn sạt lở kéo dài, ăn vào chân đê. Hiện, ngành chức năng đang tiến hành thống kê mức độ thiệt hại và sớm có báo cáo đến UBND tỉnh.

Một trong những đoạn đê biển Tây thuộc xã Vĩnh Trạch TP Bạc Liêu bị sạt lở chiều ngày 4/8 (Hoàng Nam).

Chiều ngày 4/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Ngô Vũ Thăng cùng đoàn công tác của các sở ban ngành và lãnh đạo TP Bạc Liêu đã đến kiểm tra thực tế tại đoạn đê biển Đông đang bị sạt lở  nêu trên. Tại buổi khảo sát, ông Ngô Vũ Thăng đã chỉ đạo ngành nông nghiệp, chính quyền TP Bạc Liêu nhanh chóng thống kê mức độ thiệt hại, đề xuất UBND tỉnh các phương án khắc phục. Quan trọng là cắm biển cảnh báo khu vực sạt lở; hạn chế người dân ra vào khu vực bị sạt lở nhằm đảm bảo an toàn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đã chỉ đạo các lực lượng Công an xã, Dân quân Tự vệ, cán bộ, chiến sĩ thuộc Đồn Biên phòng Nhà Mát và người dân địa phương bố trí lực lượng túc trực, theo dõi diễn biến hiện trường để kịp thời ứng cứu, xử lý. Bên cạnh đó, nhanh chóng gia cố tạm thời khu vực sạt lở, hạn chế khả năng sạt lở lây lan, gây vỡ đê, ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng, sản xuất và đời sống của người dân khu vực bị ảnh hưởng.

Theo nhận định của Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, trong thời gian tới, khu vực bị sạt lở do không còn nhiều rừng phòng hộ nên khi triều cường dâng cao kết hợp với sóng to, nguy cơ gió mạnh sẽ tiếp tục đánh trực tiếp vào thân đê, gây sạt lở mái đê và thân đê ngày càng nghiêm trọng hơn. Nhất là vào mùa gió chướng, khi triều cường dâng cao kết hợp gió mạnh tạo thành các con sóng lớn làm nước biển tràn qua đê, chảy vào khu vực sản xuất và nhà dân ở phía trong. “Dự báo sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, tình hình sản xuất, an toàn tính mạng và tài sản của một số hộ dân. Vì vậy, về lâu dài cần có những giải pháp công trình và phi công trình để bảo vệ bền vững đê biển Đông” – ông Ngô Nguyên Phong Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu nói.

Trước đó, vào đầu năm 2023, tại khu vực này cũng xảy ra sạt lở đê nghiêm trọng. Ngay sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đã ký Quyết định công bố tình huống khẩn cấp sự cố sạt lở đê biển Đông thuộc địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông TP Bạc Liêu (đoạn đầu tuyến giáp ranh tỉnh Sóc Trăng).