Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Xâm hại sông ngòi lại “nóng” trước mùa mưa bão

Kinhtedothi - Hệ thống sông ngòi tại Hà Nội vẫn đang phải chịu cảnh xâm hại nghiêm trọng bởi tình trạng đổ thải trái phép, ô nhiễm nước thải sinh hoạt và công nghiệp, cùng đó là sự xuống cấp của hệ thống đê kè và bờ sông. Những vấn đề này không chỉ làm suy giảm chất lượng nguồn nước, phá hủy hệ sinh thái mà còn tiềm ẩn nguy cơ lớn về ngập úng và sạt lở, đe dọa an toàn của hàng triệu người dân Thủ đô trong mùa mưa bão đang đến gần.

Nỗi lo trước mùa mưa bão

Đầu tháng 5/2025, phóng viên Kinh tế & Đô thị nhận được thông tin từ một bạn đọc ở xã Phượng Sơn, huyện Quốc Oai về việc xuất hiện nhiều bãi thải lấn sông Đáy. Để kiểm chứng thông tin của bạn đọc, chiều 14/5, chúng tôi thực tế hiện trường để khảo sát. Quả thật, chưa cần đến tận nơi, chỉ cần đứng trên cầu vượt Sông Đáy (thuộc Đại lộ Thăng Long), phóng mắt nhìn về phía bờ sông Đáy thuộc địa phận xã Phượng Sơn, huyện Quốc Oai có thể dễ dàng nhận thấy nhiều điểm đổ thải nối đuôi nhau lấn xuống sát chân sông. Có bãi thải còn đổ tràn xuống tận dưới dòng chảy của sông Đáy. Phía trên các bãi thải này đều đã mọc lên những công trình, nhà xưởng lợp tôn. Thậm chí có cả công trình xây dựng bằng gạch kiên cố.

Hàng loạt bãi thải lấn sông Đáy, đoạn qua địa phận xã Phượng Sơn, huyện Quốc Oai (Ảnh chụp chiều 14/5). Ảnh: Nguyễn Quý

Còn nhớ, cách đây đúng một năm, vào khoảng thời gian đầu tháng 5/2024, Báo Kinh tế & Đô thị từng có nhiều bài viết phản ánh về tình trạng xuất hiện các bãi thải lấn sông Đáy trên địa bàn xã Yên Sơn (bây giờ là xã Phượng Sơn, huyện Quốc Oai). Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã vào cuộc kiểm tra và phát hiện tồn tại nhiều bãi san lấp lấn sông Đáy đúng như phản ánh của báo chí. Đặc biệt, có một trường hợp, trên bãi thải lấn sông đã xây dựng công trình nhà ở kiên cố với tổng diện tích xây dựng là 55,2m2. Chính quyền địa phương đã lập biên bản và yêu cầu chủ công trình tháo dỡ. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, lãnh đạo xã Phượng Sơn cho biết do chủ công trình chưa tìm được nơi ở mới nên tạm thời chỉ tháo dỡ một phần công trình. Vị lãnh đạo xã này khẳng định: “Chúng tôi đang phối hợp với Hạt quản lý đê điều để tiến tới di chuyển hết công trình vi phạm đi nơi khác, không ảnh hưởng đến hành lang thoát nước của sông Đáy”. Tuy nhiên, đã một năm trôi qua, theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị chiều 14/5, hiện công trình này vẫn đang tồn tại.

Tiếp tục đi ngược về địa phận xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, cũng ghi nhận nhiều bãi thải, công trình lấn dòng sông Đáy xuất hiện dọc bờ sông. Tương tự như ở xã Phượng Sơn, nhiều bãi thải ở đây lấn hẳn xuống chân sông, có điểm còn “ăn sát” vào dòng chảy của sông Đáy. Cần thấy rằng, tình trạng đổ thải “bức tử” sông Đáy tại xã Vân Côn đã từng được Báo Kinh tế & Đô thị phản ánh vào năm 2024. Sau đó, Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an TP Hà Nội và các cơ quan chức năng huyện Hoài Đức đã vào cuộc yêu cầu địa phương xử lý dứt điểm. Hơn một năm trôi qua, tình trạng đổ thải “bức tử” sông Đáy ở nơi đây vẫn tiếp tục diễn ra. Nguy hiểm hơn là những vi phạm này diễn biến ngay trước thời điểm mùa mưa lũ đang đến gần.

Cần khẩn trương hành động

Câu chuyện diễn ra tại sông Đáy, đoạn qua địa phận xã Vân Côn, huyện Hoài Đức và xã Phượng Sơn, huyện Quốc Oai không phải là hiện tượng dị biệt. Hà Nội được biết đến với mạng lưới sông ngòi dày đặc, đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, cung cấp nước sinh hoạt, và đặc biệt là hệ thống thoát nước tự nhiên trong mùa mưa. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy nhiều con sông, kênh rạch tại Thủ đô đang bị “bức tử” bởi ô nhiễm và xâm hại nghiêm trọng.

Dọc theo các tuyến sông Hồng, Nhuệ, Đáy… không khó để bắt gặp hình ảnh rác thải, nhà xưởng, bãi trạc xâm lấn lòng sông. Nhiều đoạn sông bị thu hẹp dòng chảy do các công trình xây dựng, nhà xưởng, bãi tập kết vật liệu xây dựng lấn chiếm trái phép. Tình trạng này không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây ngập úng cục bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, đặc biệt là khi mùa mưa bão đang đến gần. Mùa mưa bão, thường kéo dài từ tháng 6 đến tháng 10, là thời điểm hệ thống sông ngòi Hà Nội phải hoạt động hết công suất để thoát nước. Tuy nhiên, ô nhiễm và các công trình trái phép đang khiến các con sông mất đi vai trò vốn có. Lượng rác thải và nước thải tràn vào sông tăng đột biến trong mùa mưa, gây tắc nghẽn dòng chảy và làm suy giảm chất lượng nước.

Cơn bão số 3 (Yagi) năm 2024 là một minh chứng rõ ràng. Nước sông Hồng dâng cao, cuốn theo rác thải và chất thải từ các bãi sông, khiến nhiều khu vực ở Hà Nội rơi vào tình trạng ngập lụt nghiêm trọng. Không chỉ ngập lụt và ô nhiễm, các hoạt động lấn chiếm bờ sông còn làm gia tăng nguy cơ sạt lở. Tại khu vực bãi sông Hồng, những công trình trái phép như bãi xe, sân bóng, và khu vui chơi giải trí được xây dựng tùy tiện trên đất bãi sông làm suy yếu cấu trúc bờ sông. Khi mưa lũ ập đến, nguy cơ sạt lở đất dọc bờ sông tăng cao, đe dọa an toàn của cả người dân và các công trình lân cận.

Trước thực trạng đáng báo động, chính quyền Hà Nội đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo vệ và phục hồi hệ thống sông ngòi như: các quận, huyện tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi đổ thải trái phép; TP đẩy mạnh đầu tư hệ thống xử lý nước thải và cải tạo các dòng sông nội đô. Mục tiêu là nâng cao chất lượng môi trường nước, bảo đảm an toàn cho người dân trước mùa mưa bão. Tuy nhiên, công tác này vẫn gặp nhiều khó khăn do nguồn lực hạn chế, ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân và DN chưa cao, cùng với sự phát triển đô thị nhanh chóng gây áp lực lớn lên hệ thống hạ tầng và môi trường.

Ngoài ra, việc khắc phục sạt lở bờ sông đòi hỏi nguồn kinh phí lớn và thời gian dài, trong khi mùa mưa bão đang đến gần. Việc duy trì và nâng cấp hệ thống đê kè cũng cần được ưu tiên để bảo đảm an toàn cho người dân. Các chuyên gia môi trường nhấn mạnh rằng, việc bảo vệ sông ngòi không chỉ là trách nhiệm của chính quyền mà còn cần sự chung tay của toàn xã hội. Mỗi người dân cần ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác và chất thải xuống sông, góp phần bảo vệ nguồn nước và môi trường sống cho chính mình và thế hệ tương lai. Hà Nội không thể mãi để các dòng sông chết dần trong rác thải và nước thải. Việc bảo vệ hệ thống sông ngòi không chỉ là trách nhiệm của chính quyền mà còn là di sản mà thế hệ hôm nay để lại cho mai sau. Mùa mưa bão 2025 đang đến gần, mang theo những mối đe dọa từ thiên tai và ô nhiễm. Nếu không hành động ngay hôm nay, Thủ đô sẽ phải đối mặt với những hậu quả nặng nề hơn, không chỉ về kinh tế mà còn về sức khỏe và chất lượng sống của người dân.

Trích dẫn
Trích dẫn 1

Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, mỗi ngày TP phát sinh khoảng 350.000 đến 400.000m3 nước thải sinh hoạt và hơn 1.000m3 rác thải, nhưng chỉ khoảng 10% trong số đó được xử lý đạt chuẩn trước khi xả ra môi trường. Phần lớn lượng nước thải còn lại đổ trực tiếp vào các con sông, kênh rạch, khiến chất lượng nước sông suy giảm nghiêm trọng. Đặc biệt, các chỉ số về vi sinh vật như coliform tại nhiều điểm trên các con sông nội đô vượt mức cho phép từ 100 - 700 lần, gây ra mùi hôi thối và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.

Giải pháp giảm ô nhiễm không khí mùa nắng nóng

Giải pháp giảm ô nhiễm không khí mùa nắng nóng

Ô nhiễm môi trường tại khu tập thể Nghĩa Đô

Ô nhiễm môi trường tại khu tập thể Nghĩa Đô

Hàng loạt trạm trộn bê tông gây ô nhiễm môi trường

Hàng loạt trạm trộn bê tông gây ô nhiễm môi trường

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Vì sao rác thải sinh hoạt ở TP Thanh Hóa bị ùn ứ?

Vì sao rác thải sinh hoạt ở TP Thanh Hóa bị ùn ứ?

12 May, 01:10 PM

Kinhtedothi - Hàng chục người dân xã Đông Nam, TP Thanh Hóa đã tụ tập chặn xe vận chuyển rác vào Khu xử lý rác thải Đông Nam để phản đối tình trạng ô nhiễm kéo dài. Đây cũng là nguyên nhân khiến rác thải sinh hoạt mấy ngày qua ở TP Thanh Hóa bị ùn ứ.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ