Dân khổ vì nước biển dâng
“Từ sau bão số 5 (1997), gia đình đều phải chịu khổ mỗi đợt triều cường, nhưng nặng nhất là năm 2022 và năm nay, mỗi khi nước biển dâng lên là chỗ ngủ bị ngập. Cả nhà khăn gói kiếm chỗ cao ngồi nhìn mà khóc” - Bà Bùi Thị Phúc, 56 tuổi nhà ở khóm Bờ Tây, phường Nhà Mát TP Bạc Liêu kể.
“Khổ nhiều năm nay, nhưng không có tiền để nâng nền hay xây kè, đành chấp nhận sống cùng nước biển dâng ngập, vì với thu nhập buôn bán lặt vặt, chồng làm ngư phủ không đủ ăn lấy đâu ra tiền triệu để chống ngập” - bà Phúc nói.
Mờ sáng 28/11/2023, cả gia đình ông Nguyễn Dũng ở khóm Bờ Tây, phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu phải thức trắng đêm canh triều cường, dọn đồ đạc nhằm giảm thiệt hại. Ông Dũng cùng vợ phải “đắp lũy” bằng bao cát chặn tạm trước cửa nhà.
Theo ông, trong khoảng hai năm trở lại đây, tình trạng triều cường lên cao xảy ra thường xuyên, nhất là vào khoảng tháng 10, 11 hàng năm. Do triều cường đều lên cao vào ban đêm, nước tràn vào nhà mang theo nhiều sình bùn, nên sáng nào vợ chồng ông Dũng cũng phải bỏ công ăn chuyện làm tát nước, rửa bùn, vệ sinh nhà cửa.
“Trước đó, nhà tôi chủ động xây cao mà con nước vừa rồi còn tràn vô tới nhà lớn. Mấy nhà kia có nhà ngập tới cửa sổ, đồ đạc dọn không kịp trôi theo nước, gây hư hỏng không biết bao nhiêu tài sản” - ông Dũng nói.
Còn bà Trần Xi Ê gần đó kể: “Mấy đêm nay gia đình có ngủ được đâu. Khi thấy nước dâng lên, tôi chạy đi ngắt cầu dao điện, rồi kêu cả gia đình đi kiếm chỗ cao đứng. Ẵm theo đứa nhỏ chưa đầy 2 tuổi chạy ra ngoài đứng chờ nước rút.”
Để đối phó, gia đình bà Xi Ê đã chủ động xây bức tường ngăn nước tràn vào nhà, nhưng do mực nước cao, nên có đợt tràn vào ngập đến hơn 1m. Không chịu được cảnh ngập, gia đình bà phải “di tản” khi triều cường.
Nỗ lực xây kè hơn 900 tỷ
Theo quan sát của phóng viên báo Kinh tế và Đô thị, khu vực của những người dân bị ảnh hưởng bởi triều cường nói trên dài khoảng 2,5km, từ cống Nhà Mát đến cầu Út Đen thuộc nhiều khóm của phường Nhà Mát. Dọc 2 bên sông có bờ thấp, mỗi khi triều cường lên luôn xảy ra tình trạng ngập đường, nền nhà dân. Để chống lại các đợt triều cường, nhiều gia đình ở khu vực này xây tường xung quanh, nâng nền nhà hoặc dùng các bao cát, tấm ván, cao su,... để làm vật cản nước tràn vào. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, vì không có khả năng nâng nền.
Ông Lê Việt Xô, Phó Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu cho biết, khu vực 2 bên bờ sông có hơn 400 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có hàng trăm căn nhà tình thương. Cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn trong việc sinh hoạt, đi lại. Để giúp người dân, thời gian qua Thành phố thông tin cụ thể lịch triều cường dâng cao để chủ động việc đi lại, cũng như bảo vệ tài sản; chỉ đạo cơ quan chuyên môn nạo vét các cống để chống ngập úng.
Theo ông Xô, về lâu dài, Thành phố phải tiến hành khảo sát, rà soát thống kê mức độ ảnh hưởng, kiến nghị cấp trên có giải pháp để đầu tư xây dựng bờ kè nhằm giảm thiểu tình trạng nước dâng gây ngập úng, đảm bảo cuộc sống người dân được ổn định.
Trước đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu ông Lê Tấn Cận trong chuyến khảo sát đã đề nghị các Sở, ngành và địa phương khẩn trương có hướng xử lý cấp bách chống sạt lở và triều cường ở khu vực. Ông cũng yêu cầu xúc tiến các thủ tục, phương án, nguồn vốn đầu tư, đánh giá tác động môi trường... để làm sớm dự án bờ kè theo quy định.
Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu thông tin, dự án đầu tư xây dựng kè Nhà Mát, đoạn từ cầu Nhà Mát đến cống Nhà Mát (TP Bạc Liêu) có tổng chiều dài hơn 4,7km, cùng một số hạng mục, công trình phụ, với tổng mức đầu tư hơn 905 tỷ đồng.