Bạc Liêu: Trưng cầu giám định dự án trăm tỷ có dấu hiệu lãng phí

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau ít năm, nhiều thiết bị 400-500 triệu đồng/bộ của Dự án hệ thống lọc nước uống lắp ở 299 điểm trường học, trạm y tế trị giá 123 tỷ đồng ở Bạc Liêu đã hư hỏng, xuống cấp, không thể sử dụng, bỏ phí. Đáng nói, đây là dự án sử dụng ngân sách nhà nước.

Ngày 27/5, Sở Kế hoạch và Đầu tư có công văn số 789/SKHĐT-ĐTTĐ (ký ngày 24/5/2023) gửi đến phóng viên Báo Kinh tế và Đô thị thường trú tại Bạc Liêu, thông tin liên quan đến Dự án đầu tư Hệ thống thiết bị lọc nước cho các trường học và trạm y tế trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang cùng với Công an tỉnh Bạc Liêu phối hợp thực hiện trưng cầu giám định dự án trên, ngay sau khi có kết quả, Sở sẽ thông tin đến báo chí theo quy định của pháp luật.

Thiết bị lọc nước của trường Tiểu học Quang Trung, xã Điền Hải huyện Đông Hải đang nằm xếp xó (ảnh chụp tháng 9/2022)
Thiết bị lọc nước của trường Tiểu học Quang Trung, xã Điền Hải huyện Đông Hải đang nằm xếp xó (ảnh chụp tháng 9/2022)

Thiết bị hỏng, nhiều khâu lãng phí

Theo các quyết định phân bổ vốn của UBND tỉnh Bạc Liêu, tính từ năm 2017 đến đầu tháng 6/2021, UBND các huyện, thị xã và thành phố của tỉnh Bạc Liêu đã quyết định đầu tư 299 hệ thống lọc nước cho 253 điểm trường và 46 trạm y tế. Dự án có toàn bộ kinh phí đầu tư trên 123 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Báo cáo số 105/BC- SKHĐT ngày 1/6/2021 có sự tham gia kết luận của Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Khoa học Giáo dục Đào tạo, Sở Xây Dựng, thì ngay từ khâu khảo sát đã bất hợp lý, khi: “Quy mô học sinh hay lượng bệnh nhân đến khám ít hay nhiều thì các địa phương vẫn đầu tư 1 hệ thống/ 1 đơn vị sử dụng và với một công suất như nhau (2.000 lít/ngày đêm đối với trường học và 5.000 lít/ngày đêm đối với trạm y tế).

Hệ thống lấy nước tại vòi của một trường khác trên địa bàn xã Điền Hải đang trong tình trạng không thể sử dụng (ảnh chụp 9/2022)
Hệ thống lấy nước tại vòi của một trường khác trên địa bàn xã Điền Hải đang trong tình trạng không thể sử dụng (ảnh chụp 9/2022)

Về nhu cầu sử dụng hệ thống nước qua khảo sát thực tế cho thấy, nhiều điểm người dân đến khám điều trị tại trạm y tế khám xong là về, không ở lại điều trị nội trú, hoặc lên tuyến trên. Bên cạnh đó, trạm y tế có rất ít cán bộ, nhân viên, nên nhu cầu sử dụng khoảng 50-100 lít/ngày nhưng vẫn lắp thiết bị có công suất 5.000lít/ngày.

Đáng chú ý, tỷ lệ tiết kiệm các gói thầu rất thấp, trung bình từ 0,1-0,87%, trong khi tỷ lệ tiết kiệm trong đấu thầu của tỉnh Bạc Liêu 5 năm qua là 3,95%. Nhà thầu Công ty công nghệ Remy Việt Nam thực hiện 27/31 gói thầu.

Qua phân tích đánh giá của các cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu, báo cáo đã chỉ ra các địa phương quyết định đầu tư chưa đảm bảo tính khả thi cho việc quản lý, vận hành, khai thác sử dụng (như khảo sát nhu cầu, lựa chọn thiết bị, qui mô đầu tư, giải pháp đầu tư, bảo trì thay thế thiết bị, mối liên hệ, thông tin giữa chủ đầu tư và các đơn vị sử dụng).

Theo báo cáo của một số địa phương thì chi phí đầu tư tương đối cao, lên khi 400 triệu đồng/01 hệ thống lắp cho trường học và khoảng 500 triệu/01 hệ thống cho trạm y tế. Đến 6/2021, qua kiểm tra có 16 trong số 34 các thiết bị được khảo sát đều hư hỏng không sử dụng được hoặc có mùi hôi mà không có biện pháp sửa chữa khắc phục thay thế, do không có phụ tùng linh kiện, hết thời gian bảo hành của nhà thầu.

Công văn của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bạc Liêu trả lời phóng viên báo Kinh tế và Đô thị.
Công văn của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bạc Liêu trả lời phóng viên báo Kinh tế và Đô thị.

Lắp nhanh, bảo hành sử dụng khó

Theo kết luận, hệ thống vận hành phức tạp, phải theo quy trình nếu không sẽ dễ xảy ra sự cố. Chi phí hao hụt về tiền nước khá lớn (cứ 01m3 nước chỉ sử dụng được khoảng 0,3-0,5 m3 nước uống khi qua máy lọc, phần nước còn lại sử dụng để tưới cây hoặc cho thải ra ngoài), chi phi tiền điện tăng thêm (bình quân 01 tháng chi phi tiền điện khoảng 300.000 đồng).

Trên thực tế, nhiều đơn vị sử dụng đã phản ánh tình trạng hư hỏng thiết bị, nhưng khi liên hệ nhà thầu đến khắc phục cũng gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, các vị tại địa phương gần như không thể tự khắc phục sửa chữa được, mà phải liên hệ trực tiếp nhà thầu nên mất nhiều thời gian và có trường hợp không liên hệ được, không cân đối được kinh phí để sửa chữa, thay thế các thiết bị.

Thiết bị lọc nước tại vòi thuộc dự án ở trường Tiểu học Quang Trung đang bị bỏ hoang, không thể sử dụng (ảnh chụp 9/2022)
Thiết bị lọc nước tại vòi thuộc dự án ở trường Tiểu học Quang Trung đang bị bỏ hoang, không thể sử dụng (ảnh chụp 9/2022)

Thời điểm tháng 9/2022, ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế và Đô thị tại xã Điền Hải, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) cho thấy, hệ thống lọc cấp nước tai một số điểm trường và trạm y tế của xã này đã không thể hoạt động được.

Thầy Châu Hùng Cường, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Quang Trung ở xã Điền Hải cho biết: Trường được huyện đầu tư lắp đặt hệ thống lọc nước uống năm 2018. Nhưng mới đến năm 2019, hệ thống lọc nước uống đã bị hư lõi lọc, hỏng mô tơ điện, ống nước bị ròi rỉ, nguồn nước không sạch, nhiều thiết bị rỉ sét... Nhiều lần nhà trường tự sửa nhưng vẫn không sử dụng được. Hiện nhà trường đã phải cho tháo chất đống dưới chân cầu thang.

"Tại trường THCS Lê Hồng Phong, năm 2018 huyện đầu tư hệ thống lọc nước uống, nhưng mới sử dụng được hơn 1 năm thì không lọc được. Trường tự xuất ra 3,5 triệu đồng tìm người sửa chữa khắc phục, nhưng một thời gian sau lại hỏng. Do không có nguồn kinh phí để sửa chữa tiếp, đành bỏ đó" - cô Lưu Xuân Hương, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Bác sỹ Nha Văn Ửng đang chỉ cho phóng viên xem thiết bị lọc nước trị giá hàng trăm triệu đồng của Trạm y tế xã Điền Hải không thể  hoạt động (tháng 9/2022)
Bác sỹ Nha Văn Ửng đang chỉ cho phóng viên xem thiết bị lọc nước trị giá hàng trăm triệu đồng của Trạm y tế xã Điền Hải không thể  hoạt động (tháng 9/2022)

Còn tại trạm y tế xã Điền Hải, Bác sĩ Nha Văn Ửng, Trưởng trạm cho biết, năm 2019 đơn vị được huyện đầu tư hệ thống lọc nước uống qui mô 5.000l/ngày phục vụ bệnh nhân, y bác sĩ cùng nhân viên của trạm. Nhưng  đến tháng 4/2020, trạm phát hiện nước uống bị hôi mùi bùn không sử dụng được. Tìm người sửa chữa không có, thêm sau đó, đường ống dẫn bị nghẹt nước, đành đóng cửa bỏ đó.

“Hơn hai năm nay, nguồn điện vào máy chúng tôi không biết cách cắt, đành nhìn chúng sáng đèn nhưng không thể sử dụng. Hiện cán bộ, nhân viên và bệnh nhân trạm y tế đang sử dụng bình nước lọc với chi phí cực rẻ. Còn về dự án, huyện kêu chọn vị trí lắp đặt hệ thống lọc nước uống, rồi ký nghiệm thu. Trạm y tế hoàn toàn không biết thông tin gì về vốn đầu tư, trang thiết bị hệ thống lọc nước uống này” - Bác sĩ Ửng nói thêm.