Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bắc Ninh quy hoạch vùng và hành lang kinh tế để tạo đà phát triển

Thúy Hồng
Chia sẻ Zalo

Theo phương án Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh sẽ được phân thành 3 vùng, 5 hành lang kinh tế.

Thành phố Bắc Ninh là đô thị trung tâm vùng động lực kinh tế của tỉnh.
Thành phố Bắc Ninh là đô thị trung tâm vùng động lực kinh tế của tỉnh.

Theo đó, phương án sắp xếp không gian phát triển các vùng kinh tế động lực gồm các đơn vị hành chính: Bắc Ninh, Từ Sơn, Yên Phong, Tiên Du, Quế Võ, Thuận Thành. Đô thị trung tâm vùng động lực là thành phố Bắc Ninh, đô thị phát triển dịch vụ đa ngành, đa lĩnh vực, với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật của tỉnh. Hướng đến năm 2030-2050 thành phố Bắc Ninh trở thành trung tâm kinh tế của “hành lang kinh tế” Lào Cai – Hà Nội – Bắc Ninh – Quảng Ninh – Hải Phòng.

Về hạ tầng và đô thị, tập trung nâng cấp, phát triển, hiện đại hóa hạ tầng giao thông, hạ tầng thương mại, dịch vụ, logistics, hạ tầng số phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, hạ tầng khu công nghiệp gắn với đô thị hóa.

Vùng phát triển công nghiệp, công nghệ cao gồm các thành phố, huyện, thị xã: Yên Phong, Quế Võ, Lương Tài, Thuận Thành và Tiên Du.

Vùng Trung tâm du lịch và giải trí gồm thành phố Từ Sơn và huyện Tiên Du, có vai trò là trung tâm du lịch và giải trí của tỉnh và vùng Đồng bằng sông Hồng.

Tại vùng này, định hướng đầu tư xây dựng các khu vui chơi giải trí như trung tâm thể thao và sức khỏe, casino, các công viên; các khách sạn boutique sang trọng; trung tâm hội nghị; các nhà hát; khu dân cư tích hợp với các cụm du lịch.

Phát triển quy hoạch chiến lược không gian tỉnh Bắc Ninh với 2 vùng trọng tâm và 5 hành lang phát triển. Cấu trúc vùng đô thị được định hướng thành vùng nội thành ở phía Bắc sông Đuống và vùng ngoại thành ở phía Nam sông Đuống theo định hướng phát triển tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, gồm 2 vùng: 1 đô thị trung tâm Bắc Ninh (vùng nội thành gồm địa giới hành chính của thành phố Bắc Ninh, thành phố Từ Sơn, huyện Tiên Du, thị xã Quế Võ và huyện Yên Phong) phát triển theo mô hình cấu trúc chùm đô thị đa năng, 1 vùng ngoại thành gồm đô thị vệ tinh (thị xã Thuận Thành), cùng khu vực phát triển Công nghiệp - Dịch vụ - Nông nghiệp là Gia Bình và Lương Tài.

Hình thành các khu vực đô thị tập trung theo mô hình cấu trúc phát triển bất động sản gần các điểm giao thông công cộng (Transit-oriented Development hay TOD), hạt nhân là các trung tâm không gian công cộng đô thị gắn với các tổ hợp công trình đa năng, quảng trường, có vành đai đô thị, chức năng dịch vụ, sản xuất, nhà ở. Khu vực phát triển mới được phát triển đồng bộ, tập trung, khuyến khích phát triển cao tầng thành các tổ hợp đô thị, dành mặt bằng cho phát triển hạ tầng giao thông thông minh, phát triển các trung tâm dịch vụ làm trọng tâm phát triển các khu vực đô thị mới.

Cấu trúc không gian được kết hợp giữa cấu trúc mạng hướng tâm và 5 hành lang phát triển, gồm: Hành lang phát triển đô thị, dịch vụ dọc Quốc lộ 1, nối Từ Sơn - Tiên Du - Bắc Ninh, kết hợp với trục phát triển đô thị Hà Nội - Bắc Ninh - Bắc Giang; Hành lang phát triển đô thị, công nghiệp dọc Quốc lộ 18, nối từ Yên Phong - Bắc Ninh - Quế Võ, xây dựng các đô thị công nghiệp hoàn chỉnh, phát triển các đô thị dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp; Hành lang phát triển đô thị, công nghiệp và nông nghiệp sinh thái công nghệ cao dọc Quốc lộ 17, nối từ Quế Võ - Gia Bình - Thuận Thành; Hành lang phát triển đô thị dịch vụ dọc Quốc lộ 38 và Vành đai 4, thành phố Bắc Ninh, thị xã Thuận Thành; Hành lang sinh thái và phát triển du lịch trải nghiệm lịch sử và thời gian dọc sông Đuống.

Phát triển các trung tâm mua sắm, trung tâm bán buôn tập trung quy mô lớn, gắn với trung tâm các đô thị tập trung như Bắc Ninh, Từ Sơn, Yên Phong, Quế Võ.

Vị trí các trung tâm thương mại tập trung được gắn với chức năng về văn hóa, quảng trường và các dịch vụ công cộng khác, tạo nên trung tâm các quận trong tương lai.

Phát triển mạng lưới trung tâm thương mại gắn với các dự án khu đô thị mới, các điểm nút về giao thông, nhà ga đường sắt đô thị, tạo nên các mô hình phát triển đô thị theo mô hình TOD.