Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai phát ngôn tại chùa Ba Vàng xin lỗi ngành y

Phương Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến việc bác sĩ bệnh viện khuyên bệnh nhân lên chùa Ba Vàng chữa bệnh, chiều 25/3, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức thông tin cho báo chí để làm rõ sự việc.

Mở đầu buổi gặp mặt báo chí, bác sĩ Nguyễn Hồng Phong, người xuất hiện trong cuộc "pháp thoại" tại chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) với "đại chúng" tối 21/3 đã gửi lời xin lỗi đến người dân vì những phát ngôn gây hiểu lầm.

Theo bác sĩ Phong, khi người dân có bệnh cần đến bệnh viện khám, để được chẩn đoán, điều trị theo đúng phác đồ. Khi bị bệnh, người bệnh có tinh thần lạc quan tin tưởng thì sẽ giúp cho bác sĩ rất nhiều cho quá trình điều, bệnh sẽ ổn hơn.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Phong sau khi xin lỗi bệnh viện, ngành y.

“Tôi gửi lời xin lỗi ban Giám đốc bệnh viện, anh chị em đồng nghiệp trong Bệnh viện Bạch Mai nói riêng, các đồng nghiệp trong nghành y nói chung vì phát ngôn gây hiểu lầm ảnh hưởng uy tín các thầy, bệnh viện và ngành y”, bác sĩ Phong nói.

Đồng thời, bác sĩ Phong cũng khẳng định phát ngôn này là của cá nhân và xin chịu trách nhiệm về điều đã phát ngôn.

Sau khi xin lỗi, bác sĩ Phong cho biết có việc riêng nên rời khỏi cuộc gặp mặt.

Ông Nguyễn Thành Nam - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bác sĩ Phong đang học tại trường Đại học Y, không tham gia điều trị nội trú cho bệnh nhân tại bệnh viện, vẫn là cán bộ khoa Nhi được cử đi học. “Trong quá trình công tác hơn 6 năm tại khoa Nhi, bác sĩ Phong điều trị bệnh nhân tốt, chưa có ai phản ánh về quá trình điều trị hay tư vấn bệnh nhân. Đồng nghiệp cũng đánh giá bác sĩ rất tốt”, bác sĩ Nam cho hay.

Trước thông tin Bệnh viện đã có quyết định cho bác sĩ Phong nghỉ việc, ông Nguyễn Ngọc Hiền - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khẳng định, việc này xử lý theo quy định pháp luật, dựa trên bằng chứng, căn cứ tác động, sai phạm như thế nào thì hội đồng kỷ luật sẽ có hình thức xử lý theo đúng quy định. Tại thời điểm này chưa đưa bác sĩ Phong ra hội đồng kỷ luật nên chưa có quyết định hình thức kỷ luật.

GS. TS Phạm Minh Thông - Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn của bệnh viện cho biết, việc đi đến chùa cầu xin không có ý nghĩa quyết định điều trị, chỉ để an tâm về tinh thần. Tinh thần cũng là một phần trong chiến lược điều trị bệnh. Bác sĩ khi khám bệnh cũng học về tâm lý để tạo tâm lý tốt cho bệnh nhân. Vì thế, việc bệnh nhân đi chùa cũng là tâm lý liệu pháp, không ai đi chùa cầu khấn để chữa bệnh.

Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai trả lời báo chí chiều 25/3.
“Vì thế, bác sĩ Phong đã xin lỗi đồng nghiệp. Phát ngôn của bác sĩ hoàn toàn cá nhân, không mang tính đại diện cho ngành y hay bệnh viện. Khi có bệnh, người dân cần đến bệnh viện khám, điều trị theo lộ trình, chưa có bệnh thì đi tầm soát, khám định kỳ ở cơ sở y tế để điều trị bệnh, đặc biệt điều trị dự phòng”, GS Thông nói.
GS Thông cũng nhấn mạnh, không có bằng chứng khoa học nói rằng bệnh nhân đã điều trị theo phác đồ mà không khỏi. Bác sĩ Phong nói theo cảm tính. Ông cũng thừa nhận, trong dân gian vẫn có nhiều người tin vào đi chùa cúng bái để chữa bệnh song đó hoàn toàn là tâm lý. Chưa có minh chứng nào về khoa học nói rằng cúng khấn có thể khỏi bệnh.
Trước đó, chia sẻ với báo chí, bác sĩ Phong cho biết mình không khuyên bệnh nhân lên chùa Ba Vàng chữa bệnh, cũng không ủng hộ cái gọi là thỉnh pháp “oan gia trái chủ” của cô Phạm Thị Yến.
“Việc tôi xuất hiện ở đó để nói lên sự chân chính đạo Phật, người bệnh được tâm an thì việc điều trị sẽ mang lại kết quả. Người bệnh bao giờ cũng phải tuân thủ phác đồ điều trị, yếu tố tâm lý kèm theo vô cùng quan trọng. Tôi khuyên bệnh nhân luôn lạc quan hướng đến điều tốt đẹp để tâm lý được tốt hơn”, bác sĩ Phong nói.
Trong clip phát trực tiếp của chùa Ba Vàng, bác sĩ Phong xuất hiện và nói: "Tôi chưa thỉnh oan gia trái chủ nhưng là người chứng kiến. Bệnh nhân của tôi khi chẩn đoán, điều trị theo đúng phác đồ nhưng không thể ra được bệnh, hoặc diễn tiến bất thường. Tôi biết đến pháp hội và khuyên bệnh nhân đến chùa Ba Vàng xem thế nào. Người này đến chùa được thầy dạy về nhân quả, không mê tín gì đến bệnh nhân của tôi. Sau một thời gian biết sám hối, làm cơm chay, biết quỳ lạy tổ tiên, cha mẹ, biết xin lỗi những điều mà làm chưa tốt. Và có điều thần kỳ xảy ra, sau 2 liều men tiêu hóa đã ổn định hoàn toàn".
Ngay sau đó, clip này được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội, nhiều đồng nghiệp cũng như lãnh đạo bệnh viện, chuyên gia y tế phản đối phát ngôn của bác sĩ Phong về quan điểm lên chùa có thể khỏi được bệnh nan y.