Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Bác sĩ” của các doanh nghiệp

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sinh năm 1985, nhưng Hoàng Đình Trọng đang là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đào tạo tư vấn PDCA, Giám đốc Công ty CP Điện lạnh TST, đồng thời là Phó Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng cán bộ quản lý các DN vừa và nhỏ (DNVVN) Việt Nam. Anh được được cộng đồng DN trong nước ví von là “bác sĩ” của giới kinh doanh.

Thất bại 8 lần vẫn không chùn bước
Hoàng Đình Trọng bắt đầu con đường khởi nghiệp từ khi còn đang ngồi trên ghế trường Đại học Thương mại với Công ty CP Điện lạnh TST. DN có vốn đầu tư ban đầu vỏn vẹn 6 triệu đồng - số tiền Trọng có được khi tham gia trò chơi "Hãy chọn giá đúng" trên Đài Truyền hình Việt Nam.
 Ông Hoàng Đình Trọng tại cuộc họp báo thông tin về Sự kiện 1.000 CEO Hà Nội. Ảnh: Trọng Tùng
Ấy vậy nhưng DN quy mô rất nhỏ đó cũng mang lại lợi nhuận gần 100 triệu đồng trong năm đầu tiên đi vào hoạt động. Việc kinh doanh thuận lợi giúp doanh thu của công ty liên tục tăng. Tuy nhiên, khi số nhân sự tăng lên 60 người, hoạt động của DN trở lên khó khăn hơn, các chi phí phát sinh ngày một lớn. Công ty TST rơi vào cảnh nợ nần, nhân công đồng loạt nghỉ việc khi bị nợ lương tới… 6 tháng. Đây cũng là lần thất bại đầu tiên của Trọng khi bắt tay vào khởi nghiệp.

Trong suốt quá trình hoạt động kéo dài từ năm 2007, Công ty CP Điện lạnh TST đã trải qua nhiều thăng trầm. Ngồi nhẩm tính, Trọng bảo: Đã có 8 lần Công ty rơi vào cảnh thua lỗ! “Học phí” cho những lần thất bại đó lên tới… 8 tỷ đồng. Nhưng bù lại, hơn một thập kỷ lăn lộn trên thương trường, Trọng đã tích lũy cho mình được những vốn kinh nghiệm xương máu, thực tế quý giá.

Truyền lửa cho các CEO

“Có một thực trạng là gần 90% chủ DN ở Việt Nam đi lên từ nghề. Họ là những kỹ sư, bác sĩ, kế toán… rất đam mê và thạo nghề. Trong chuyên môn, họ có thể rất giỏi, nhưng trong quản lý công ty, họ mới ở giai đoạn nhập môn” - Hoàng Đình Trọng nói. Đây cũng là lý do năm 2014, Trọng quyết định thành lập Công ty TNHH Đào tạo tư vấn PDCA với mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm quản trị kinh doanh cho cộng đồng các DNVVN Việt Nam. Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, anh đã có cơ hội đứng lớp và chia sẻ cho hơn 15.000 CEO đến từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước với các khóa học về giải phóng lãnh đạo. Theo đó, giải pháp chính mà PDCA mang đến là tự động hóa và quy trình hóa nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN.

“Có một thực trạng đáng lo ngại là 80% DNVVN đi lên từ nghề bị phá sản. Đó là hậu quả tất yếu cho cách xây dựng công ty bản năng, chắp vá” - Trọng chia sẻ và cho rằng, các chủ DN cần được giải phóng khỏi các sự vụ để làm đúng chức năng của mình là định hướng chiến lược, làm thương hiệu, quan hệ đối tác, truyền cảm hứng cho nhân viên… Chỉ có như vậy, DN mới phát triển lâu dài, bền vững.

Bận rộn với việc quản lý, điều hành 2 DN và Trường Bồi dưỡng cán bộ quản lý các DNVVN Việt Nam nhưng Trọng vẫn không ngừng học tập, nghiên cứu với mục tiêu đổi mới, nâng cấp chiến lược xây dựng và phát triển các DN. Trong khoảng 3 năm qua, anh đã nghiên cứu về 2.000 CEO tại Việt Nam và 50 công ty thuộc Top Fortune 500 thế giới, đồng thời khảo sát hệ thống quản trị DN ở nhiều quốc gia khác nhau, đặc biệt là Nhật Bản. Từ chính những kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn có được, trung tuần tháng 4/2018 vừa qua, Trọng đã cho ra mắt cuốn sách “Giải phóng lãnh đạo: Chiến lược xây dựng doanh nghiệp bài bản”. Đây được xem là bộ cẩm nang rất có ý nghĩa, nhất là đối với các DNVVN, những cá nhân muốn bắt đầu khởi sự DN, bước chân vào thương trường.