Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bác sĩ khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng: Không ngại khổ, chỉ thương bệnh nhân mà cố gắng

Minh Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Chúng tôi không ngại khó, ngại khổ, chỉ thương bệnh nhân mà cố gắng. Mỗi người cố gắng thêm một chút để tình hình dịch bệnh lắng xuống, mọi người khỏe mạnh, nhà nhà đoàn viên” - điều dưỡng Nguyễn Thị Luyện, làm việc tại khu vực điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng ở Bệnh viện Phổi Bắc Giang tâm sự.

Gọi tên nhau trên lưng áo
Thời tiết những ngày qua oi bức, công việc bận rộn, đi lại liên tục, mồ hôi túa ra đầm đìa nhưng đặc thù điều trị bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2, buồng bệnh không bố trí được điều hòa, hạn chế sử dụng quạt điện nên các bác sĩ, điều dưỡng rất vất vả.
Khi đã vào khu điều trị cách ly tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, nhân viên y tế phải mặc quần áo bảo hộ đặc chủng, đeo khẩu trang, kính chống giọt bắn, găng tay, mũ, ủng để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm. Bởi vậy, bác sĩ lúc nào cũng ướt sũng mồ hôi. Do trang phục bịt kín, để dễ dàng nhận biết khi trao đổi công việc, trên lưng mỗi người đều được đồng nghiệp đề tên bằng nét bút vội vàng.
 Đội ngũ bác sĩ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang luôn phải mặc đồ bảo hộ kín mít.
Bác sĩ Thân Minh Khương - Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Phổi Bắc Giang) đang thực hiện nhiệm vụ tại Trung tâm ICU chia sẻ: “Chúng tôi luôn túc trực theo dõi các chỉ số huyết áp, nhịp tim, nhịp phổi cho các bệnh nhân nặng. Mỗi khi bệnh nhân có dấu hiệu suy hô hấp, các bác sĩ lại tức tốc bước vào trận chiến giành giật sự sống cho người bệnh”.
Cũng vì điều này nên mọi người gần như ít có thời gian nghỉ ngơi. Sinh hoạt cá nhân cũng được tính toán để giản tiện, tiết kiệm thời gian nên hầu hết bác sĩ, điều dưỡng nam ở đây đều phải “cạo trọc đầu”.
Bác sĩ Khương nói vui: "Cắt tóc như thế để tiện khử khuẩn. Mỗi khi hết ca, ra ngoài khu vực điều trị, cởi bỏ quần áo là có thể cầm bánh xà phòng khử khuẩn từ đầu đến chân".
Do chăm sóc toàn diện nên nhiệm vụ của điều dưỡng ở đây còn vất vả gấp bội, từ việc thực hiện y lệnh của bác sĩ cho đến hướng dẫn bệnh nhân dùng thuốc, cho bệnh nhân ăn uống, vệ sinh, thay băng, hút dịch… Điều dưỡng Nguyễn Thị Luyện chia sẻ: “Chúng tôi không ngại khó, ngại khổ, chỉ thương bệnh nhân mà cố gắng. Mỗi người cố gắng thêm một chút để tình hình dịch bệnh lắng xuống, mọi người khỏe mạnh, nhà nhà đoàn viên”.
Gác việc gia đình, xung phong vào trận địa
Với mục tiêu chăm sóc toàn diện, hiệu quả, Bệnh viện Phổi Bắc Giang đã bố trí tòa nhà E 5 tầng làm khu điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 riêng biệt. Trong đó tầng 1 và tầng 2 làm Trung tâm Điều trị tích cực (ICU) với 58 giường; từ tầng 3 đến tầng 5 điều trị cho bệnh nhân qua giai đoạn nặng, phục hồi trở lại.
Bệnh viện đã bố trí 3 vòng điều trị: Vòng lõi (khu vực có bệnh nhân), vòng đệm và vòng ngoài bảo đảm hạn chế tối đa việc lây nhiễm chéo. Sau ca trực, cán bộ, nhân viên y tế về nghỉ ngơi ở tòa nhà 2 tầng bên cạnh tòa nhà điều trị và trong khu vực cách ly riêng biệt được bảo vệ nghiêm ngặt, tuyệt đối không có người ra vào.
 
Làm việc với cường độ cao, môi trường nguy hiểm, thời tiết nóng bức, sau ca trực, cán bộ, nhân viên y tế mệt nhoài, nhiều người không ăn, không ngủ được, thậm chí ngất xỉu. Vất vả là vậy song các chiến sĩ áo trắng không chùn bước, nản chí mà luôn sẵn sàng, khẩn trương, nỗ lực vì người bệnh.
Nhiều chiến sĩ áo trắng cũng bộn bề công việc riêng tư nhưng vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ vào chăm sóc phục vụ bệnh nhân nặng.
Như điều dưỡng Nguyễn Thị Mến, người có chuyên môn sâu trong lĩnh vực chăm sóc toàn diện bệnh nhân nặng, dù gia đình chỉ có hai mẹ con, nhà lại đang ở trong vùng phong tỏa (tổ dân phố Phú Mỹ 3, phường Dĩnh Kế, TP Bắc Giang) nhưng chị đã gửi con trai 8 tuổi cho vợ chồng em trai để xung phong vào làm việc tại khu điều trị bệnh nhân nặng.
Trực từng giờ, từng phút để xử lý cấp cứu nhanh nhất
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Phổi cho biết: Từ ngày 25/5, Bệnh viện Phổi Bắc Giang bắt đầu vận hành Trung tâm Điều trị tích cực phục vụ bệnh nhân nhiễm Covid-19 có diễn biến nặng.
Thời điểm này, Trung tâm đang điều trị cho 41 ca. Trong đó có 3 trường hợp phải thở máy, 2 bệnh nhân đang lọc máu liên tục, 6 bệnh nhân hỗ trợ thở oxy nồng độ cao, 16 ca thở oxy… Tuy nhiên, chưa có trường hợp phải sử dụng kỹ thuật tim, phổi nhân tạo (ECMO).
Trung tâm Điều trị tích cực hiện có 70 bác sĩ, nhân viên y tế phục vụ điều trị, chăm sóc toàn diện. Trong đó có nhân lực của Bệnh viện Phổi Bắc Giang và các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh, đặc biệt có ê kíp 13 chuyên gia trong lĩnh vực cấp cứu, hồi sức của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) đã tăng cường về đây. Các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy đã từng điều trị, cứu sống nhiều ca Covid-19 nặng trong các đợt dịch trước, trong đó có bệnh nhân là phi công người Anh.
Ban Giám đốc Bệnh viện đã bố trí 4 ca, 4 kíp bác sĩ, điều dưỡng điều trị chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân liên tục trong 6 giờ sau đó đổi ca. Tuy nhiên, ở khu vực điều trị bệnh nhân nặng thường xuyên có những diễn biến bất ngờ nên các bác sĩ đều liên tục có mặt để kịp thời xử trí tình huống.
Là người có kinh nghiệm điều trị cấp cứu, bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Linh - Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Trưởng Đoàn công tác của Bệnh viện Chợ Rẫy đang được tăng cường làm nhiệm vụ tại đây cho biết: “Bệnh nhân nặng ở đây chủ yếu do virus SARS-CoV-2 xâm nhập sâu vào đường hô hấp dưới, phá hủy phổi lại kèm thêm bệnh lý nền nên phải can thiệp nhiều thủ thuật. Do đó, chúng tôi trực từng giờ, từng phút để trong mọi tình huống, kịp thời xử lý cấp cứu nhanh nhất”.
Mặc dù nguy cơ lây nhiễm rất cao, nhất là đối với những người trực tiếp đặt nội khí quản, ép tim, chăm sóc người bệnh nhưng mỗi bác sĩ, điều dưỡng nơi đây đều cố gắng khắc phục khó khăn, nhanh chóng thực hiện các chỉ định hỗ trợ để cứu chữa cho từng ca bệnh.
Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 kéo dài và chưa biết ngày kết thúc. Dù khốc liệt, mỗi cán bộ, nhân viên y tế luôn ý thức được trách nhiệm, ngày đêm nỗ lực, chung sức, đồng lòng quyết tâm chiến thắng đại dịch, bảo đảm tính mạng, sức khỏe cho Nhân dân.