Theo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, gãy xương thuyền là một chấn thương khá thường gặp ở người trẻ. Sau một tai nạn sinh hoạt thông thường như ngã chống tay ở tư thế dạng và cổ tay duỗi quá mức, bệnh nhân cảm thấy đau và sưng vùng cổ tay, các dấu hiệu có thể mờ nhạt và giảm dần sau 1 vài ngày.
Chính vì vậy, tổn thương hoàn toàn có thể bị bỏ sót nếu không được thăm khám kỹ bởi các bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình.
Theo TS Lê Mạnh Sơn – Trưởng Khoa Phẫu thuật chấn thương Chung, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, khi chấn thương, các mạch máu cấp máu cho xương thuyền bị tổn thương và gây ảnh hưởng đến quá trình liền xương, thậm chí có thể dẫn đến không liền (khớp giả), tiêu xương.
Khớp giả xương thuyền là tình trạng xương thuyền không liền sau chấn thương (do không chẩn đoán được hoặc điều trị không thỏa đáng) với tỷ lệ khoảng 5 – 10% và thậm chí có thể cao hơn tùy thuộc vào vùng gãy xương.
Những trường hợp gãy xương thuyền bị bỏ sót thường gây đau cổ tay, kéo dài, hạn chế vận động và đặc biệt là ảnh hưởng đến khả năng cầm nắm, chịu lực của bệnh nhân, bởi vậy cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng làm việc, lao động.
Tại khoa Phẫu thuật chấn thương chung, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, các bác sĩ đã điều trị cho nam bệnh nhân, 30 tuổi, bị tai nạn ngã chống tay, đau, hạn chế vận động cổ tay sau chấn thương, được chẩn đoán khớp giả xương thuyền sau 5 tháng và được điều trị bằng phẫu thuật kết hợp xương thuyền kết hợp với ghép xương xốp tự thân (lấy từ đầu dưới xương quay).
Đây là phương pháp tối ưu giúp cải thiện biên độ và chức năng của khớp đến tối đa.
Bác sĩ lưu ý, những triệu chứng của gãy xương thuyền là đau, sưng, ấn đau vùng cổ tay, không có biến dạng rõ ràng. Vì thế, khi gãy xương thuyền có thể nhầm lẫn với bong gân cổ tay nên bác sĩ phải hỏi bệnh sử về cơ chế gãy chấn thương, khám thực thể kết hợp chụp phim Xquang, CT, MRI để đánh giá những điểm khác nhau của gãy xương thuyền.
“Gãy xương thuyền cần được quan tâm đúng mức, tránh bỏ sót thương tổn, có chỉ định can thiệp đúng và hợp lý để tránh bỏ sót thương tổn, tạo khớp giả, viêm khớp dẫn đến hạn chế vận động cổ tay” - TS Lê Mạnh Sơn khuyến cáo.