Có thể thấy rằng, các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm được triển khai đồng bộ, hướng về cơ sở. Các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh”... được triển khai sâu rộng.
Các thiết chế văn hoá được quan tâm đầu tư. Công tác quản lý văn hóa, quản lý di tích, lễ hội được tăng cường; nhiều di sản văn hoá được bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị.
Những năm qua, công tác thông tin, tuyên truyền, văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao của quận ngày càng phát triển, là một trong những đơn vị đứng đầu TP. Hệ thống các thiết chế văn hóa - thể dục thể thao được quan tâm đầu tư, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển văn hóa của cộng đồng và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
Tính đến nay, toàn quận có 1 trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao quận; 13 trung tâm văn hóa thể thao phường; 141 nhà văn hóa tổ dân phố; 22 điểm sinh hoạt cộng đồng; 94 điểm vui chơi.
Các lễ hội truyền thống gồm: Lễ hội truyền thống Đình Chèm (phường Thụy Phương), Lễ hội bơi Đăm (phường Tây Tựu), Lễ hội giao hiếu Kiều Mai - Phú Mỹ (phường Phúc Diễn) đã vinh dự được Bộ VHTT&DL công nhận công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia; Di tích Đình Chèm (phường Thụy Phương) được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Quả chuông thời Ngô năm 948 tại đình Nhật Tảo được công nhận là bảo vật quốc gia.
Bên cạnh đó, công tác quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa luôn được tăng cường, kiểm tra xử lý kịp thời các sai phạm, đảm bảo môi trường văn hóa lành mạnh trên địa bàn. Quận đã công nhận phường Phú Diễn là phường đạt chuẩn đô thị văn minh.
Đặc biệt, công tác giáo dục đào tạo được đổi mới mạnh mẽ về nội dung, phương pháp, hình thức dạy học. Hiện nay, toàn quận có 61 trường học thuộc phân cấp quản lý của quận, tăng 11 trường so với năm 2014. Số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng lên hàng năm. Hiện quận có 43 trường công lập đã đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 86%.
Đặc biệt, Bắc Từ Liêm là quận đầu tiên đưa việc tuyên truyền, hỗ trợ dịch vụ công mức 3, 4 vào trường học. Đến nay, 100% trường học được đầu tư máy tính, máy chiếu phục vụ dạy- học; 28 dự án được đầu tư thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin.
100% các trường thực hiện quản lý và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy qua 25 phần mềm; thực hiện 3.468 giờ học kết nối với các lớp học tại 11 tỉnh thành trong cả nước và 8 nước trên thế giới. Kết quả thi vào lớp 10 THPT phát triển bền vững và đứng tốp cao của TP Hà Nội.
Những năm qua, công tác an sinh xã hội được đảm bảo. Đến năm 2021, toàn quận đã giảm được 1.027 hộ nghèo, trên địa bàn quận không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020.
Năm 2022, quận giảm được 5/5 hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 78,3 triệu đồng/người, tăng 35 triệu đồng so với năm 2014.
Ngoài ra, quận đã chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình y tế; hoàn thành và duy trì 13/13 phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế, chất lượng chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.
Công tác phòng chống đại dịch bệnh Covid-19 được tập trung chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, chủ động, sáng tạo, hiệu quả với sự tham gia của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân; đảm bảo thích ứng, an toàn, linh hoạt theo đúng chủ trương chỉ đạo của Chính phủ, TP.