Đổ thải lấn sông làm đường vào dự án “đắp chiếu”

Bài 1: Bí ẩn con đường được canh gác cẩn mật

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một dự án “đắp chiếu” hơn chục năm bỗng tái khởi động khi thời hạn sắp hết. Một con đường đi vào dự án được làm bằng khối chất thải đổ xuống chân sông. Chuyện tưởng như đùa này đang diễn ra tại huyện Quốc Oai, TP Hà Nội.

Máy móc cơ giới cùng nhiều nhân công được huy động để san gạt chất thải làm nên con đường. Cùng với đó, nhiều “chốt” canh gác được bố trí trên dọc lối vào con đường nhằm không cho người lạ đi vào.

“Thi công” gấp gáp

Đầu tháng 4/2024, khi đang triển khai loạt bài “Sông Đáy đang bị bức tử”, phóng viên Kinh tế & Đô thị bất ngờ nhận được thông tin của bạn đọc phản ánh về một con đường được xây dựng bằng chất thải đổ xuống chân sông Đáy, xảy ra tại xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai.

Lều tạm được các đối tượng làm đường dùng để nghỉ ngơi và cảnh giới (ảnh chụp ngày 2/5). Ảnh: Quý Nguyễn
Lều tạm được các đối tượng làm đường dùng để nghỉ ngơi và cảnh giới (ảnh chụp ngày 2/5). Ảnh: Quý Nguyễn

Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi đến đầu cầu 72-II. Tại đây có một con ngõ nhỏ chạy sát bờ sông, ngay đầu ngõ là một thanh niên tầm ngoài 20 tuổi ngồi trên chiếc ghế nhựa màu vàng.

Thấy có người lạ đi vào, người này lập tức ngăn lại với lý do “đường vào nhà người ta, không được vào”. Nhận thấy sự bất thường, chúng tôi tìm cách tiếp cận khác.

Trong vai một người đi nhặt phế liệu, chúng tôi thuận lợi vượt qua chốt chặn bên ngoài để tiếp cận đoạn cuối con ngõ nhỏ. Tại đây, đập vào mắt là một đoạn đường dài hàng trăm mét được hình thành từ trạc thải xây dựng.

Con đường “ăn” xuống tận dưới chân sông Đáy, vun cao quá đầu người. Một chiếc máy múc được huy động vào đây để san gạt trạc thải, gạch đá tạo mặt bằng cho con đường.

Một nhóm nhân công trong trang phục quần áo lao động đang khẩn trương nhặt nhạnh bao tải xi măng và những loại rác thải nhựa. Tất cả thứ gì có thể bán ra tiền, họ đều nhặt.

Không khí lao động gấp gáp, khẩn trương. Theo quan sát, dọc con đường làm bằng chất thải này có rất nhiều lều lán tạm được dựng lên làm nơi ăn nghỉ cho nhân công cũng như phục vụ công tác trông coi, canh gác.

Ngoài nhóm nhân công nhặt rác, ở đây lúc nào cũng có 2 - 3 thanh niên canh gác, không cho người ngoài tiếp cận. Chỉ đến khi trời tối hoặc trời đổ mưa, nhóm người này mới chịu rời đi.

Để có cái nhìn toàn cảnh về con đường này, chiều 2/5, nhắm đúng thời điểm cuối ngày, chúng tôi phóng xe thẳng vào bên trong khu vực cuối con đường. Đúng như dự đoán, do đang trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 nên tại đây không một bóng người.

Lúc này con đường làm bằng chất thải đã được kéo dài tới vài trăm mét, mặt đường rộng đến vài mét, nền đường đã được lu, đầm bằng phẳng và chắc chắn. Phía cuối con đường bắt đầu có dấu hiệu “bẻ hướng” ra ngoài lòng sông. Dường như việc thi công con đường này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Sau khi ghi nhận đầy đủ tư liệu, ngày 3/5, chúng tôi liên hệ với ông Vương Đắc Lập - Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa. Ông Vương Đắc Lập cho biết đã nắm được sự việc và đang cho xử lý.

Tuy nhiên, suốt nhiều ngày sau đó chúng tôi không thể nào liên lạc được với vị lãnh đạo xã này. Sau nhiều ngày chờ đợi, chúng tôi mới liên lạc được với ông Vương Đắc Lập và lập tức đặt lịch làm việc với lãnh đạo xã để tìm hiểu rõ hơn về nội dung liên quan đến con đường làm bằng chất thải trên.

Một lượng lớn đất đá, trạc thải được đổ xuống chân sông Đáy để làm đường trái phép (ảnh chụp ngày 2/5). Ảnh: Quý Nguyễn
Một lượng lớn đất đá, trạc thải được đổ xuống chân sông Đáy để làm đường trái phép (ảnh chụp ngày 2/5). Ảnh: Quý Nguyễn

Chưa xử phạt vì quan điểm “vênh” nhau

Tại buổi làm việc với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Vương Đắc Lập thừa nhận có tình trạng đổ thải xuống chân sông Đáy để làm thành con đường như phóng viên cung cấp.

Ông Vương Đắc Lập cho biết, sau khi nắm bắt được thông tin, UBND xã Cộng Hòa đã giao lực lượng công an xã kết hợp với Đội Cảnh sát Kinh tế huyện Quốc Oai tiến hành kiểm tra, xác minh. Cơ quan công an cũng đã tìm ra người “chủ mưu” và hiện đang lập hồ sơ xử lý.

Theo thông tin mà ông Vương Đắc Lập cung cấp, “chủ mưu” đổ chất thải xuống chân sông Đáy làm đường là Vương Trí Trường (SN 1996, trú tại xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai; làm nghề tự do).

Quá trình làm việc với cơ quan công an, người này khai nhận có một khu đất vườn ở xã Đồng Quang, khu vực giáp ranh với xã Cộng Hòa nên đã tìm cách làm con đường này để đi vào khu đất đó. Hành vi này được bắt đầu thực hiện từ đầu tháng 4/2024.

Cũng theo ông Vương Đắc Lập, sau khi cơ quan công an có kết quả điều tra, xác minh về vụ việc trên đã tham mưu cho UBND xã Cộng Hòa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với Vương Trí Trường về hành vi “lấn chiếm đất công”, với mức phạt 4 triệu đồng và buộc khôi phục nguyên trạng ban đầu.

Tuy nhiên, sau đó do nhận thấy các ý kiến tham mưu chưa phù hợp với các quy định của luật nên ông Vương Đắc Lập chưa ký ban hành quyết định xử phạt này. Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa cho rằng, trong trường hợp trên, Vương Trí Trường đổ thải làm con đường không phải để cho một mình anh này đi mà cho những người khác cùng đi nên không thể gọi là hành vi lấn chiếm đất công được.

Cũng theo ông Vương Đắc Lập, cần xử lý Vương Trí Trường về hành vi đổ chất thải không đúng nơi quy định thì đúng hơn. “Do chưa thống nhất nên tôi yêu cầu anh em công an làm lại hồ sơ” - ông Vương Đắc Lập cho biết.

 

Trong quá trình làm việc với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Vương Đắc Lập cung cấp một số văn bản, giấy tờ như “Biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai”; “Biên bản sự việc”; “Bản tự khai/bản tường trình” liên quan tới vi phạm của anh Vương Trí Trường. Tuy nhiên, tất cả biên bản này đều không ghi ngày, lãnh đạo UBND xã Cộng Hòa cũng cho biết không nhớ ngày xử lý.

(còn nữa)