Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng (TLNN) đã và đang tràn lan trên thị trường, cùng với đó, tỷ lệ sử dụng những sản phẩm này, đặc biệt trong giới trẻ đang gia tăng rất nhanh. Thời gian qua, ghi nhận tại các bệnh viện cho thấy, có nhiều bệnh nhân là trẻ vị thành niên, thiếu niên bị ngộ độc sau khi sử dụng TLĐT.
Anh M.H.Đ., 24 tuổi (trú tại Long Biên, Hà Nội) đã dùng song song TLĐT và thuốc lá thông thường 6 năm nay. Thời gian gần đây, nam thanh niên này thay đổi tinh dầu trong TLĐT. Sau khi dùng, anh xuất hiện các triệu chứng hoang tưởng, ảo giác, nói nhảm, tự nói chuyện một mình, mất ngủ kéo dài, hay gây gổ với người trong gia đình.
Theo chia sẻ từ gia đình bệnh nhân, anh Đ. có biểu hiện rối loạn tâm thần, lẫn lộn, kích thích, hoang tưởng, thậm chí còn coi mình là đấng bề trên, hoạt động cảm xúc không kiểm soát, mất ngủ liên tục nhiều ngày. Khi thấy dấu hiệu bất thường, người thân đưa anh vào Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai điều trị.
Chia sẻ về ca bệnh, bác sĩ Đỗ Tuấn Anh, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân có biểu hiện của hội chứng nhiễm độc serotonin rất điển hình. Chất này thường xuyên nằm trong các chất kích thích như ma túy, gây hoang tưởng, ảo giác.
Trên thực tế, đã có không ít học sinh phải nhập viện liên quan đến TLĐT. Tại Hà Nội từng xảy ra sự việc 7 học sinh Trường Tiểu học Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) bị buồn nôn, đau đầu phải nhập viện kiểm tra sức khỏe sau khi dùng TLĐT.
Hay trước đó có nam thanh niên 20 tuổi (sinh viên một trường đại học tại Hà Nội) nhập viện trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, co giật, tụt huyết áp, tổn thương đa cơ quan, tổn thương tim, não, nhiễm toan chuyển hóa nặng, suy thận. Xét nghiệm mẫu TLĐT bệnh nhân sử dụng phát hiện có cần sa tổng hợp... Điều đáng nói, năm 2023, bệnh nhân này cũng đã từng nhập viện điều trị tại Trung tâm Chống độc vì ngộ độc TLĐT. Tuy nhiên, sau khi được điều trị khỏi, thanh niên này vẫn tiếp tục tái sử dụng.
TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thông tin, khoảng 2 năm nay, đơn vị tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc do sử dụng TLĐT. Số lượng bệnh nhân tăng cao, tuần nào Trung tâm cũng tiếp nhận một số bệnh nhân ngộ độc cấp đa dạng sau khi sử dụng TLĐT. Đặc biệt, năm 2023, đơn vị tiếp nhận gần 200 bệnh nhân ngộ độc TLĐT. Năm 2024, dự kiến số lượng bệnh nhân đến Trung tâm gia tăng. “Đáng nói, các bệnh nhân ngộ độc TLĐT được cấp cứu tại đơn vị ở độ tuổi rất trẻ, khoảng 20-22 tuổi, thậm chí có nhiều bệnh nhân mới bước vào tuổi vị thành niên 17 tuổi. Nhiều trường hợp có biểu hiện bệnh lý đường hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Thậm chí, tuổi còn rất trẻ nhưng phổi bị tổn thương nặng nề không khác gì ở người cao tuổi” – TS Nguyễn Trung Nguyên nói.
Đề cập đến vấn đề ung thư phổi, TS Phạm Tuấn Anh - Phó Trưởng Khoa Điều trị A, Bệnh viện K cho biết, theo GLOBOCAN 2022, tại Việt Nam, số ca ung thư phổi mới mắc là 24.426 ca, tỷ lệ tử vong là 22.597 ca (đứng hàng thứ 3 sau ung thư vú và ung thư gan). Hiện, Bệnh viện K đang điều trị cho khoảng 3.000 bệnh nhân ung thư phổi. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, số bệnh nhân ung thư phổi mới chẩn đoán và đang điều trị tại Bệnh viện K đều gia tăng so với cùng kỳ năm 2023. Thực tế cho thấy, tỷ lệ ung thư phổi được chẩn đoán ở giai đoạn muộn vẫn chiếm đa số.
Theo TS Phạm Tuấn Anh, ung thư phổi là một trong những ung thư thường gặp nhất, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam và thế giới. Có nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ được cho là liên quan đến ung thư phổi, trong đó phổ biến nhất là hút thuốc lá. Trong khói thuốc lá có chứa hơn 4.000 hóa chất, trong đó có trên 40 chất có khả năng gây ung thư, chủ yếu là các hợp chất thơm có vòng đóng như Benzopyrenes, Nitrosamines, cá kim loại như Arsenic, Nickel, Chrome…
Hút thuốc lá được cho là nguyên nhân của 30% tổng số các loại ung thư ở người lớn, bao gồm ung thư phổi, ung thư vòm họng, ung thư thanh quản, ung thư thực quản, ung thư khoang miệng, ung thư dạ dày, ung thư thận, ung thư bàng quang… Theo các chuyên gia y tế, không có chẩn đoán ung thư nào được ghi nhận là liên quan trực tiếp đến việc sử dụng TLĐT hay vaping. Tuy nhiên, có báo cáo cho thấy TLĐT gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng.
Hiện nay, TLĐT đang xâm nhập và được sử dụng ngày càng nhiều và gia tăng ở nước ta, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, lứa tuổi học sinh. Thậm chí, có những lo ngại đối với thanh niên, thiếu niên khi TLĐT, TLNN có xu hướng đang dần thay thế cho thuốc lá truyền thống.
Lo ngại hơn, khi tình hình nhập lậu thuốc lá, buôn bán, vận chuyển, quảng cáo TLĐT, TLNN trên thị trường, qua không gian mạng ngày càng tăng về quy mô và mức độ nghiêm trọng. Đặc biệt là tình trạng mua bán, sử dụng TLĐT, pha trộn ma túy (cần sa, ma túy tổng hợp) đang diễn biến phức tạp và gia tăng rất nhanh.
Thời gian qua, lực lượng Công an Hà Nội liên tiếp bắt giữ nhiều đối tượng vi phạm liên quan đến vận chuyển TLĐT. Đáng lưu ý, các đối tượng vi phạm đều là lứa tuổi thanh niên, là những đứa trẻ vướng vào vòng lao lý vì TLĐT. Đầu năm 2024, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an quận Hoàn Kiếm đã phát hiện một loại ma tuý được "ngụy trang" dưới dạng TLĐT. Tại thời điểm kiểm tra, đối tượng N.V.H. (sinh năm 1987, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) tự giao nộp 3 hộp giấy chứa 30 “Pob Chill” (TLĐT có chứa chất ma tuý).
Đại diện Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết, từ 15/12/2023 đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra phát hiện 7 vụ, 7 đối tượng, ra quyết định xử phạt hơn 85 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, thu giữ hàng hóa gồm 150 chiếc TLĐT và 108 bộ máy nung nóng TLĐT. Tổng trị giá hàng hóa thu giữ là 194,5 triệu đồng. Trước tình hình ma túy “núp bóng” thực phẩm, đồ uống, thảo mộc, TLĐT… diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, Công an quận đã chỉ đạo công an các phường tăng cường tuyên truyền, phát hiện, đấu tranh với loại tội phạm mới này.
Trên thị trường, hiện đã xuất hiện tình trạng pha trộn, tẩm ướp các chất gây nghiện trong sản phẩm TLĐT, TLNN. Trong khi đó, việc quảng cáo, mua bán qua mạng xã hội tràn lan, thiếu kiểm soát, nhất là các sản phẩm TLĐT, TLNN nhập lậu.
Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, TLĐT được giới trẻ ưa chuộng có nhiều tên gọi, loại hình khác nhau như vape, pod, mods, e-cigs, e-hookahs,.... với nhiều mùi hương phong phú, thiết kế đẹp mắt, nhỏ gọn và trông có vẻ rất sang chảnh, phù hợp với nhiều lứa tuổi cũng như mục đích sử dụng.
Trong vai người mua tại cửa hàng Vape & Pod Hanoi có địa chỉ tại số 1 ngõ 5, phố Láng Hạ (phường Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội), phóng viên khá ấn tượng với tủ trưng bày hàng chục mẫu mã TLĐT, phụ kiện, tinh dầu... được đóng gói bắt mắt, đa phần dán nhãn "made in China". Khi thấy khách hàng vào, nhân viên cửa hàng hỏi han thật kỹ về nhu cầu đồng thời tư vấn nhiệt tình.
Nhân viên này cho biết, những người đến mua chủ yếu là giới trẻ. Cửa hàng có nhiều loại sản phẩm, tuỳ thuộc sở thích của khách hàng như độ nặng nhiều hay vị nhiều, dao động từ 450.000 đồng, 500.000 đồng và trên 600.000 đồng. Hiện có 2 loại phổ biến là Pod (dùng 1 lần) và Vape (dùng tinh dầu), nhưng phổ biến nhất là dùng tinh dầu để sử dụng trong thời gian dài.
Tay cầm 3 loại máy Vape, nhân viên tư vấn một cách nhiệt tình khiến người mua cảm thấy hấp dẫn và dễ dàng sử dụng TLĐT. Nhân viên tại đây khẳng định, sử dụng TLĐT có nhiều ưu điểm hơn so với thuốc lá truyền thống. Cũng theo lời người này, cửa hàng không bán các loại tinh dầu giá rẻ và kém chất lượng, sẵn sàng tư vấn nhiệt tình và phục vụ khách hàng có nhu cầu.
Về máy chứa tinh dầu, đa phần sẽ sử dụng máy có giá hơn 600.000 - 900.000 đồng và trên 1 triệu đồng. Mỗi loại máy sẽ cho trải nghiệm khác nhau và chất lượng sử dụng theo thời gian khác biệt. Đối với tinh dầu, cửa hàng bán theo khẩu vị của khách có nhu cầu và vị gì cũng có.
Tiếp câu chuyện về tinh dầu cho TLĐT, nhân viên cửa hàng cũng cho biết, mỗi khách hàng có sự lựa chọn khẩu vị khác nhau, lúc đậm vị nhưng mát nhiều, thậm chí, ít ngọt và nhiều khói. “Hiện tại, tinh dầu ở đâu cũng có, không chỉ riêng các TP lớn như Hà Nội nhưng người mua cần phải biết lựa chọn những loại tinh dầu tốt. Nhiều người mua tinh dầu giá rẻ không đảm bảo chất lượng, hút sẽ hại hơn” - nhân viên cửa hàng khẳng định.
TLĐT và các dạng thuốc lá mới đang mở đầu cho xu hướng lạm dụng và nghiện các hóa chất nhân tạo tổng hợp. Ghi nhận thực tế của phóng viên Kinh tế & Đô thị cho thấy, nhiều cửa hàng tại các quận Cầu Giấy, Đống Đa, Tây Hồ, Hoàn Kiếm (Hà Nội)… giới thiệu và bày bán vô vàn các loại TLĐT, TLNN, chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc với mẫu mã, bắt mắt, hương vị đa dạng.
Dù chưa được phép kinh doanh, nhưng TLĐT bày bán công khai trên thị trường. Thậm chí, các loại thuốc lá mới này vẫn được quảng cáo rầm rộ trên các nền tảng xã hội, trang thương mại điện tử. Chỉ cần lên trang Google gõ tìm kiếm “thuốc lá điện tử” sẽ có hơn 35,2 triệu kết quả trong 0,64 giây và hàng trăm website bán hàng hiện ra.
Đặc điểm chung của những website này là giao diện bán hàng như một trang thương mại điện tử, kinh doanh các thiết bị hút, tinh dầu, phụ kiện và các sản phẩm đi kèm với giá được niêm yết rõ ràng và có số điện thoại tư vấn bán hàng.
Ngoài ra, những thông tin nhóm và bán hàng về TLĐT, TLNN cũng tràn ngập khắp nơi trên các trang mạng xã hội và trang thương mại điện tử. Các bài viết của các nhóm này liên tục được các tài khoản có lượng người theo dõi lớn chia sẻ, giới thiệu. Người có nhu cầu mua chỉ cần bình luận hoặc nhắn tin là sẽ có nhân viên bán hàng phản hồi, tư vấn.
Liên hệ với số điện thoại tư vấn bán hàng của 1 trang website cũng như trong nhóm Facebook, phóng viên trong vai người mua được tư vấn viên giới thiệu nhiều loại TLĐT, TLNN với giá cả và chất lượng khác nhau. Thậm chí, người tư vấn còn sẵn sàng trả phí gửi hàng nếu người mua online, không ưng ý có thể đổi trả sau đó. Ngoài ra, nhân viên tư vấn cũng cho biết, cửa hàng có chế độ bảo hành 1 - 2 tháng, giảm giá và chiết khấu % cho khách mua lần đầu...
Hiện nay, tình trạng loại TLĐT, TLNN xâm nhập vào các trường học đang là vấn đề đáng lo ngại. Dạo một vòng quanh các trường học trên địa bàn Hà Nội, dễ thấy nhiều bạn trẻ la cà quán sá với những cây TLĐT trên tay. Họ không biết rằng, sau làn khói trắng là ẩn họa chết người.
Việc gia tăng tỷ lệ thanh, thiếu niên sử dụng thuốc lá, đặc biệt là mới đã kéo theo nhiều hệ lụy về mặt sức khỏe cho thế hệ trẻ. Đã có nhiều học sinh bị loạn thần, ảo giác hoặc suy hô hấp, thậm chí suýt tử vong sau khi hút TLĐT.
Qua tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám chữa bệnh cho thấy, chỉ trong năm 2023, có đến hơn 1.200 ca nhập viện do sử dụng TLĐT, TLNN, trong đó trẻ dưới 18 tuổi ghi nhận 71 ca. Triệu chứng khi nhập viện chủ yếu do dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp.
Nhóm dưới 16 tuổi nhập viện do sử dụng TLĐT, TLNN là 27 người; nhóm từ 16-18 tuổi là 44 người; từ 19-24 là 58 người; từ 25-44 tuổi là 138 người; từ 45-64 tuổi là 580 người nhập viện; từ 65 tuổi trở lên là 580 người.
Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế Nguyễn Trọng Khoa cũng chia sẻ con số giật mình: Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam ngày càng tăng, nhất là ở giới trẻ, học sinh, sinh viên. Cụ thể: tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người từ 15 tuổi trở lên tăng 18 lần từ năm 2015 (0,2%) đến năm 2020 (3,6%), cao nhất tập trung ở nhóm tuổi từ 15-24 (7,3%); tỷ lệ sử dụng trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023; ở nhóm tuổi 13-15, tỷ lệ này của năm 2023 (8%) đã tăng hơn gấp đôi so năm 2022 (3,5%); 1,8% học sinh đã từng sử dụng thuốc lá nung nóng, trong đó, tỷ lệ học sinh ở nhóm tuổi từ 13-17 đang sử dụng thuốc lá nung nóng là 1,1%...
“Chỉ trong 5 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đã vượt lên rất cao. Kết quả phòng chống thuốc lá trong 30 năm sẽ bị thiêu rụi trong vòng 3 năm nếu chúng ta cho phép TLĐT, TLNN vào Việt Nam. Những thành tựu mà chúng ta đã đạt được sẽ nhanh chóng bị xóa bỏ nếu chúng ta không ngăn chặn được” - ông Khoa nêu rõ.
(Còn nữa)
17:11 04/09/2024