Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nan giải quản lý chất thải nhựa trong cơ sở y tế

Bài 1: Chất thải nhựa - Mối nguy cho sức khỏe cộng đồng

PGS.TS Nguyễn Huy Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự ứng dụng rộng rãi các sản phẩm làm từ nhựa trong ngành y tế đồng thời cũng đang tạo ra một nguồn rác thải nhựa ngày càng nhiều hơn, đã và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống, môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp, nhiều loại nhựa hiệu suất cao và công nghệ được sử dụng trong các thiết bị y tế tiếp tục ra đời. Ngoài nhựa y tế truyền thống, chẳng hạn như PP, PVC, PE và cao su silicone thường được sử dụng trong ngành thiết bị y tế, một số vật liệu hiệu suất cao như polyetheretherketone (PEEK), polycarbonate tương thích sinh học (PC), nhựa nhiệt dẻo (TPE) cũng ngày càng trở nên phổ biến.

Như vậy, nhựa đã trở thành một trong những vật liệu quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành thiết bị y tế. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện này là quản lý chất thải nhựa trong các cơ sở y tế nói chung và Hà Nội như thế nào để gia tăng giá trị hẳn không đơn giản.

Nguồn rác thải nhựa tại các cơ sở y tế là rất lớn. Trong ảnh: Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Hà Nội chuẩn bị thuốc điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: Phạm Hùng
Nguồn rác thải nhựa tại các cơ sở y tế là rất lớn. Trong ảnh: Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Hà Nội chuẩn bị thuốc điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: Phạm Hùng

Nguy hiểm của chất thải nhựa y tế

Trong lĩnh vực y tế, rác thải nhựa được phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm rác thải nhựa phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt thường ngày của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế. Từ các hoạt động chuyên môn y tế như bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế hay từ hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, hóa chất…

Thực trạng hiện nay, hầu hết nguồn rác thải này chưa được phân theo đúng chủng loại, chưa được khử khuẩn trước khi thải bỏ, không có nhà lưu chứa hoặc có nhưng không đúng tiêu chuẩn, trong bảo đảm vệ sinh và có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

Theo các nhà quản lý môi trường, trong rác thải y tế chứa đựng các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm như tụ cầu, HIV, viêm gan B. Các tác nhân này có thể thâm nhập vào cơ thể qua các vết trầy xước, vết đâm xuyên, qua niêm mạc, qua đường hô hấp, qua đường tiêu hóa. Chính vì thế, khi các loại rác thải y tế không được xử lý đúng cách, chôn lấp, thiêu đốt không đúng quy định, tiêu chuẩn thì sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí và sự ô nhiễm này sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe con người, hệ sinh thái. Cùng với đó, nó sẽ gây ảnh hưởng tới những người trực tiếp tiếp xúc với chất thải.

Hệ lụy cho sức khỏe

Các chất thải nhựa tồn tại rất lâu trong môi trường, có thể tới hàng nghìn, hàng vạn năm nếu không được thu gom và xử lý tốt. Trong môi trường đất, nước nó có thể chuyển sang dạng vi nhựa đầu độc môi trường sinh thái và đe dọa sự sống của nhân loại.

BPA hay Biphenol A là nguyên liệu ban đầu để tổng hợp chất dẻo, chủ yếu là một số polycarbonate và nhựa epoxy và các vật liệu thích hợp, nhựa sử dụng trên nền BPA có tính chắc chắn và dai nên được sản xuất thành nhiều sản phẩm ứng dụng trong y tế. BPA có thể được tìm thấy trong ống thông, ống y tế, ống tiêm, máy chạy thận nhân tạo, máy tạo oxy cho máu, thấu kính mắt, chất phủ và chất bịt kín răng, máy xông khí dung và lồng ấp trẻ sơ sinh.

BPA là một chất xenoestrogen bắt chước estrogen là hoóc môn nội tiết có can thiệp vào hoạt động của estrogen cơ thể cũng như ảnh hưởng tới tuyến giáp. Khi xâm nhập vào cơ thể nó có thể can thiệp vào các hóc môn sinh sản, đặc biệt là ở phụ nữ, gây ảnh hưởng đến khả năng thai nghén, có thể là bệnh tiểu đường, suy giảm miễn dịch và tuyến giáp, sảy thai, rối loạn chức năng cương dương và tác động đến thế hệ tiếp theo bao gồm suy giảm phát triển thần kinh, tình trạng hô hấp, lo lắng, trầm cảm và béo phì ở trẻ em...

Chất hóa dẻo phthalate được sử dụng để làm mềm PVC, cũng là một chất gây rối loạn nội tiết. Nó hiện diện trong nhiều sản phẩm y tế, bao gồm dây truyền tĩnh mạch và túi máu. Phthalate được sử dụng rộng rãi nhất là DEHP, có độc tính ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh sản và phát triển của tinh hoàn và cũng là nguyên nhân gây ung thư ở loài gặm nhấm trong các nghiên cứu thực nghiệm. Nó có thể gây hại cho thai nhi và các bé trai mới sinh và gần tuổi dậy thì có hệ thống sinh sản đang phát triển nhanh.

Vào cuối vòng đời của sản phẩm, việc đốt hoặc thiêu hủy thải ra một lượng lớn chất gây ô nhiễm. Đốt chất thải y tế, cùng với đốt rác, đã được xác định là một trong số nguồn lớn nhất của dioxin và furan vào khí quyển, trên toàn cầu. Dioxin là một chất gây ung thư cho con người.

Đặc biệt hiện nay, các nhà nghiên cứu ảnh hưởng của nhựa lên sức khỏe rất quan tâm đến vi nhựa. Vi nhựa là những mẫu nhựa có kích thước nhỏ hơn 5mm. Ước tính mỗi năm có hàng trăm nghìn tỷ tấn hạt nhỏ này được đổ ra môi trường. Theo Tổ chức Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP), năm 2012, các nước thuộc Liên minh châu Âu EU đã sử dụng hơn 4.300 tấn hạt vi nhựa. 1 năm sau đó, con số đã lên hơn 299 triệu tấn.

Theo các nghiên cứu khoa học, cứ mỗi khi một hạt vi nhựa vỡ ra, nó sẽ sản sinh ra rất nhiều chất độc có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe con người. Khi đó, chúng ta có thể bị mất cân bằng hoóc-môn, mắc các căn bệnh về thần kinh, các bệnh hô hấp, ảnh hưởng đến cấu trúc não bộ, gây tăng động, suy yếu và biến đổi hệ miễn dịch cùng hàng loạt những nguy cơ khác.

Để cho nhựa được đàn hồi và bền hơn người ta thường cho vào nhựa chất Phthalates, một hóa chất gây ung thư vú. Tuy nhiên hiện nay, các bằng chứng khoa học vẫn chưa đủ thuyết phục để đề xuất các quy định về giới hạn cho phép hàm lượng các vi nhựa trong nước và thực phẩm.

Một công bố khoa học gần đây của TS Timothy O'Toole (Đại học Louisville, Kentucky, Mỹ), cho thấy vi nhựa có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Ông cho biết: "Các nghiên cứu trước đây chỉ ra hạt vi nhựa trong một số mẫu mô gồm máu, phổi, sữa mẹ được cho là nhiễm từ thực phẩm, nguồn nước hoặc do hít phải”. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Environmental Science & Technology, ngày 10/8/2023, sau khi giới khoa học phát hiện trung bình mỗi tuần, con người hít phải lượng vi nhựa to bằng chiếc thẻ tín dụng.

Ở nghiên cứu mới, các chuyên gia đã sử dụng hình ảnh tia laser và tia hồng ngoại để tìm ra hàng chục đến hàng nghìn mảnh vi nhựa riêng lẻ, số lượng khác nhau giữa các bệnh nhân. Các hạt cực nhỏ thuộc loại nhựa metyl metacryit, thường được sử dụng làm giả thủy tinh, xuất hiện trong ba phần khác nhau của tim. Các nhà khoa học còn tìm thấy vi nhựa trong các mẫu máu lấy trước và sau khi bệnh nhân phẫu thuật. Họ cho rằng, bệnh nhân đã hít hoặc nuốt phải vi nhựa, khiến chúng bám vàng màng ngoài tế bào hồng cầu, ảnh hưởng đến khả năng vận chuyển oxy của máu.

 

Các chất thải nhựa, đặc biệt là vi nhựa đang là mối nguy cơ với sức khỏe cộng đồng mới nổi. Các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu những biến đổi bệnh lý của cơ thể người và động vật do chất thải nhựa. Vấn đề cấp bách đặt ra là phải giảm thiểu sự phát thải nhựa ra môi trường sống.


(Còn nữa)