Đầu tiên xin đề cập đến những "điều bình thường" trên sân cỏ Việt Nam là tiền thưởng cho mỗi trận thắng. Như ở đội Hà Nội T&T ngoài khoản tiền cho toàn đội thường khoảng 1 tỉ đồng cho mỗi trận thắng thì bầu Hiển - vốn nổi tiếng chi bạo tay, vẫn thường "đột xuất" rút tiền ra thưởng riêng cho những cầu thủ mà ông cho rằng đã chơi hay trong trận. Với pha lập công duy nhất vào lưới V. Hải Phòng trận ở vòng 25 V-League, đem về chiến thắng quyết định cho Hà Nội T&T tiếp tục đua tranh danh hiệu vô địch, Công Vinh đã được nhận một khoản thưởng riêng là 100 triệu đồng. Còn với pha cứu thua phá bóng ngay trên vạch vôi cầu môn, hậu vệ Quốc Long cũng nhận từ tay ông bầu 50 triệu đồng. Lần đầu tiên trong lịch sử V-League, có hậu vệ được khoản thưởng hậu hĩnh đến vậy cho một pha cứu bóng. Thủ môn Hồng Sơn giữ sạch được mành lưới cũng nhận 50 triệu đồng!
Trong không khí vui vẻ tưng bừng của chiến thắng thì khoản thưởng 100 triệu cho 1 bàn thắng của Công Vinh. Bởi bàn thắng của Công Vinh tính ra còn có giá trị lớn hơn số tiền 100 triệu rất nhiều, do nhờ bàn thắng ấy mà Hà Nội T&T có cơ hội tiếp tục tham chiến tranh ngôi quán quân với SLNA. Nếu không có bàn thắng duy nhất mang về 3 điểm quí giá cho Hà Nội T&T thì chiếc Cup vô địch mùa giải 2011 đã sớm rơi vào tay đội bóng xứ Nghệ trước 1 vòng đấu.
Và là điều bình thường nếu so với chuyện ở các vòng đấu cuối này, dư luận đang rất quan tâm đến chuyện mỗi trận thắng trong cuộc chiến chống xuống hạng của các đội bóng được thưởng bao nhiêu tiền? Theo hiện trạng V-League 2011 lúc này thì mức thấp nhất hiện nay là 1 tỉ đồng/trận. HAGL đứng ở các vị trí bấp bênh có nguy cơ xuống hạng, nhưng đội bóng phố Núi có chiến thắng sít xao trước Khánh Hòa với bàn thắng duy nhất của Tăng Tuấn được 3 điểm để chính thức giành vé trụ hạng sớm ở vòng đấu 22. Bầu Đức lập tức thưởng nóng 1 tỉ đồng cho cả đội như đã hứa trước trận. Còn trận mang tính chất quyết định số phận trụ hạng như trận HP. Hà Nội - ĐT.LA thì được treo đến 2 tỉ đồng. Tiếp đó chắc chắn còn có khoản thưởng lớn hơn nếu H.P Hà Nội trụ hạng thành công. Hay như V. Hải Phòng đã chi 10 tỉ đồng để "doping" cho chiến dịch trụ hạng, mỗi trận thắng trong 4 trận quyết định được treo thưởng 1,5 tỉ đồng; còn 4 tỉ nhận ngay sau khi chắc suất ở lại Ngoại hạng !
Chỉ cần treo thưởng 1,5 tỉ đồng, Hải Phòng thắng liền 2 trận để đạt đến 90% cơ hội trụ hạng. Với số tiền thưởng 2 tỉ, Hòa Phát cũng thắng trận quyết định với ĐT.LA để tự quyết định số phận của mình. Sân cỏ như lên cơn sốt tiền thưởng mà nhiều đội bóng dùng làm "doping tinh thần" để các cầu thủ chơi hết mình.
Sa sút vì không tiền
Trên phương diện nào đó liều "doping" như thế có tác động dương tính, nhưng nó cũng là con dao hai lưỡi khi đã xảy ra trường hợp nếu không có tiền thưởng thì các cầu thủ "nghỉ chơi" luôn, ra sân "không chịu" thi đấu nhiệt tình. Còn nhớ cách đây vài mùa giải, dư luận từng xôn xao với chuyện các cầu thủ của một đội bóng đã cố tình "buông" ở các vòng đấu chính để đội nhà phải rơi vào cảnh đi đá play-off kiếm suất trụ hạng. Ở trận đấu sinh tử ấy, để trụ hạng, đương nhiên các ông bầu phải rút hầu bao tung ra khoản tiền thưởng lớn. Với thực lực của đội thì việc trụ lại V.League là dễ dàng khi các cầu thủ chịu đá. Thật khó mà cười nổi trước câu chuyện thoát hiểm ngoạn mục ấy.
Hay như mùa này, đội bóng từng là á quân mùa 2010 như V.Hải Phòng tuột dốc không phanh. Là do mỗi trận đấu ở mùa bóng 2011 các cầu thủ không còn được thưởng ở mỗi trận nhiều như mùa trước? Đến khi V.League vào giai đoạn nước rút và con tàu V. Hải Phòng chuẩn bị chìm, để cứu lấy đội bóng trước nguy cơ rớt hạng ở 4 vòng đấu cuối, lãnh đạo đất Cảng đã phải "bơm" cả chục tỉ đồng tiền thưởng. Nhãn tiền, đội bóng lột xác đá tưng bừng như… "lên đồng". Có nghĩa là, lãnh đạo Hải Phòng đã "bắt đúng bệnh" đội bóng? Và việc họ thi đấu sa sút đâu phải do lực lượng yếu, đâu phải do HLV Vương Tiến Dũng kém tài, mà cái chính là do tiền thưởng hẻo quá mà thôi?! Đây chính là mặt sau của tấm huy chương.
Đá bóng là để đua tranh chức vô địch, không thì cũng để lọt vào tốp ba, tốp tư. Thông thường tiền thưởng được tung ra giúp đạt được mục tiêu cao ấy. Vậy nên thật khó hiểu cho bóng đá Việt Nam lại có chuyện thưởng vì đã nỗ lực… trụ hạng! Không lẽ trụ hạng là mục tiêu để thi đấu? Không lẽ phải có thưởng mới chịu đá hết mình?q
Bài 2: Không có tiền đừng chơi bóng đá?