Ươm mầm “hạt giống đỏ” trong đồng bào dân tộc Dao

Bài 1: Hành trình đến với Đảng

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm dưới chân núi Tản Viên, xã Ba Vì (huyện Ba Vì) là địa bàn duy nhất của Thủ đô Hà Nội có đồng bào dân tộc Dao sinh sống tập trung.

30 năm kể từ khi “hạ sơn quần cư”, công tác phát triển Đảng trong đồng bào vùng dân tộc nơi đây luôn được các cấp ủy, chính quyền huyện Ba Vì quan tâm, chú trọng, dù hành trình đưa người Dao đến với Đảng là không dễ dàng.

Lễ kết nạp đảng viên mới tại Chi bộ Trạm Y tế thôn Yên Sơn (xã Ba Vì, huyện Ba Vì) tổ chức tháng 8/2022. Ảnh: Lâm Nguyễn
Lễ kết nạp đảng viên mới tại Chi bộ Trạm Y tế thôn Yên Sơn (xã Ba Vì, huyện Ba Vì) tổ chức tháng 8/2022. Ảnh: Lâm Nguyễn

Tháng 5/1947, Chi bộ tiểu khu miền núi huyện Bất Bạt (tỉnh Hà Tây cũ) được chia tách để thành lập các Chi bộ Đảng cơ sở, trong đó có Đảng bộ xã Ba Vì (huyện Ba Vì). Từ đó đến nay, công tác phát triển Đảng được Đảng bộ xã Ba Vì đặc biệt quan tâm, chú trọng. Nhiều quần chúng ưu tú được lựa chọn để bồi dưỡng, kết nạp vào hàng ngũ của Đảng.

Từ Chi bộ tiểu khu miền núi

Câu chuyện phát triển Đảng ở vùng đồng bào dân tộc Dao bắt đầu từ những năm 1946, thời điểm xã Ba Vì còn thuộc tiểu khu miền núi huyện Bất Bạt (tỉnh Hà Tây cũ). Theo đó, xuất phát từ nhiệm vụ cách mạng, cuối năm 1946, Ban Cán sự Đảng huyện Bất Bạt đã tăng cường các đồng chí Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Đức Thịnh về tiểu khu miền núi huyện Bất Bạt để chỉ đạo, củng cố phong trào cách mạng. Tiểu khu miền núi ngày đó gồm các xã: Ba Vì, Ba Trại, Minh Quang và Tân Dân.

Sau 4 tháng huấn luyện quân sự và giác ngộ cách mạng, tháng 12/1946, đồng chí Nguyễn Văn Điện (xã Tân Dân) được kết nạp vào Đảng, trở thành đảng viên đầu tiên của tiểu khu miền núi huyện Bất Bạt. Đầu năm 1947, được sự giúp đỡ của Ban Cán sự Đảng huyện Bất Bạt, các xã trong tiểu khu miền núi (trong đó có xã Ba Vì) đều thành lập được nhóm “nghiên cứu chủ nghĩa Mác”. Thành viên trong nhóm là các đảng viên, với nhiệm vụ tập hợp, phổ biến thông tin, giác ngộ lý tưởng cộng sản cho những thanh niên có chí hướng, tinh thần yêu nước để họ tự nguyện tham gia vào phong trào cách mạng.

 

Sự kiện thành lập Chi bộ Đảng xã Ba Vì là mốc son trên chặng đường cách mạng địa phương, cổ vũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong xã thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ trong sản xuất và chiến đấu, tiếp tục cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Ba Vì (1930 - 2018)

Ngày 7/2/1947, các đồng chí Trần Như Yên (xã Tân Dân), Quách Văn Khoa (xã Minh Quang), được kết nạp vào Đảng. Căn cứ vào điều lệ Đảng, Ban Cán sự Đảng huyện Bất Bạt quyết định thành lập Chi bộ tiểu khu miền núi với 6 đảng viên. Ngoài đồng chí Trần Như Yên và Quách Văn Khoa, còn có 4 đồng chí khác gồm: Nguyễn Ngọc Diệp, Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Đức Thịnh, Nguyễn Văn Điện.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Diệp được tín nhiệm, chỉ định giữ chức Bí thư Chi bộ; đồng chí Nguyễn Văn Thọ nhận nhiệm vụ là Phó Bí thư Chi bộ. Sau đó, Chi bộ kết nạp được 3 quần chúng ưu tú xã Ba Vì vào hàng ngũ của Đảng là các đồng chí: Triệu Quý Lây (xóm Suối Cốc), Triệu Văn Thông (xóm Gốc Vải) và Dương Đức Quý (xóm Suối Hai). Đây cũng là những đảng viên đồng bào dân tộc Dao đầu tiên của xã Ba Vì.

Căn cứ vào Điều lệ Đảng và tình hình khẩn trương của cuộc kháng chiến, ngày 19/5/1947, Ban Cán sự Đảng huyện Bất Bạt quyết định chia tách Chi bộ tiểu khu miền núi để thành lập các Chi bộ Đảng cơ sở. Theo đó, Chi bộ Đảng xã Ba Vì (nay phát triển thành Đảng bộ xã Ba Vì) chính thức được thành lập, với 3 đảng viên đầu tiên kể trên. Đồng chí Triệu Quý Lây được chỉ định giữ chức Bí thư Chi bộ.

Đến những “hạt giống” tiếp nối

Sau sự hình thành của Đảng bộ xã Ba Vì, với thế hệ những đảng viên đầu tiên, công tác phát triển Đảng tiếp tục được các cấp ủy, tổ chức chính trị - xã hội địa phương quan tâm, chú trọng. Nhiều quần chúng ưu tú được phát hiện, bồi dưỡng để kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Nguyên Bí thư Đảng bộ xã Ba Vì Dương Trung Liên cho biết, thế hệ đảng viên tiếp nối tại xã Ba Vì đến nay có những người đã trên 55 năm tuổi Đảng. Có thể kể tới các đồng chí: Triệu Thị Toàn, Lều Văn Trọng (55 năm tuổi Đảng), hay Trịnh Tuấn Hải, Triệu Thị Khang cũng đã có hơn 50 năm tuổi Đảng.

“So với miền xuôi, công tác phát triển Đảng trong đồng bào dân tộc Dao gặp nhiều khó khăn, nhất là giai đoạn 30 năm về trước, khi người Dao "hạ sơn quần cư’, hình thành cộng đồng sinh sống tập trung dưới chân núi Tản Viên. Tuy nhiên, Đảng bộ xã Ba Vì nhận thức ươm mầm “hạt giống đỏ” là nhiệm vụ quan trọng nên luôn quan tâm, lựa chọn, bồi dưỡng quần chúng ưu tú để kết nạp vào hàng ngũ của Đảng” - ông Dương Trung Liên chia sẻ.

Đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn là rào cản đối với công tác phát triển Đảng trong đồng bào dân tộc Dao tại xã Ba Vì
Đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn là rào cản đối với công tác phát triển Đảng trong đồng bào dân tộc Dao tại xã Ba Vì

Từ một Chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập chỉ với 3 đảng viên, đến nay Đảng bộ xã Ba Vì đã phát triển thành 8 chi bộ trực thuộc, với tổng số 172 đảng viên đang sinh hoạt. Đáng chú ý khi từ năm 2015 - 2020, công tác phát triển đảng viên mới của Đảng bộ xã Ba Vì luôn đạt và vượt chỉ tiêu mà Đảng bộ huyện Ba Vì đặt ra.

“Từ đầu năm 2022 đến nay, Đảng bộ xã Ba Vì đã kết nạp được 5 quần chúng ưu tú vào hàng ngũ của Đảng, vượt chỉ tiêu phát triển Đảng do Đảng bộ huyện Ba Vì giao” - Bí thư Đảng ủy xã Ba Vì Dương Trung Tuấn vui mừng cho biết.

Còn đó những khó khăn

Dù công tác phát triển Đảng vùng đồng bào dân tộc Dao tại xã Ba Vì những năm qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ cả về lượng và chất. Tuy nhiên thẳng thắn nhìn nhận, đây vẫn sẽ là nhiệm vụ không dễ dàng và hành trình đưa Đảng về với người Dao vẫn còn nhiều gian nan.

Nằm dưới chân núi Tản Viên, tiếp giáp Vườn Quốc gia Ba Vì, xã Ba Vì là địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khó khăn nhất của TP Hà Nội. Thời điểm gần 15 năm trước, khi Quốc hội khóa XII ban hành Nghị quyết số 15/2008/QH12 về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, xã Ba Vì vẫn thuộc nhóm thôn, xã đặc biệt biệt khó khăn; nơi cứ 10 hộ dân thì lại có hơn 3 gia đình thuộc diện hộ nghèo.

Theo Chủ tịch UBND xã Ba Vì Lăng Văn Hà, do đời sống còn nhiều khó khăn nên đồng bào dân tộc Dao gần như chỉ chú tâm vào phát triển kinh tế hộ gia đình; ít quan tâm, dành thời gian tham gia các tổ chức hội, đoàn thể ở cơ sở. Cuộc mưu sinh nhiều gian khó khiến việc học tập của con em vùng đồng bào chưa thực sự được quan tâm đúng mức.

Thực tế tại xã Ba Vì, có không ít trường hợp quần chúng tích cực tham gia các hoạt động phong trào của địa phương, được Nhân dân yêu mến, chính quyền tín nhiệm nhưng lại không thể kết nạp vào Đảng do không bảo đảm các tiêu chí theo quy định của Đảng, như trình độ học vấn, hay quy định về không được sinh con thứ 3…

Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Ba Vì Hoàng Văn Trường cho biết, so với 6 xã còn lại ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện, xã Ba Vì - nơi có đến hơn 98% người dân là đồng bào dân tộc Dao, có những điều kiện phát triển Đảng khó khăn hơn cả. Dù vậy qua theo dõi, công tác phát triển Đảng nơi đây đang “ngày một tốt lên”.

“Đảng bộ huyện Ba Vì nhận biết được khó khăn của xã Ba Vì nên hàng năm cũng chỉ giao chỉ tiêu phát triển đảng viên mới ở mức khiêm tốn, vừa sức cho Đảng bộ xã. Bên cạnh đó, thường xuyên nắm bắt khó khăn từ cơ sở để kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ, hướng dẫn công tác tạo nguồn, phát triển Đảng trong đồng bào dân tộc Dao” - Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Ba Vì Hoàng Văn Trường thông tin thêm.

(Còn nữa)

 

Đảng bộ xã Ba Vì luôn xác định công tác phát triển Đảng là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần thực hiện thường xuyên, nhằm củng cố, xây dựng hệ thống tổ chức Đảng, trẻ hóa đội ngũ đảng viên; từ đó góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.

Bí thư Đảng ủy xã Ba Vì Dương Trung Tuấn