Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việc làm cho người khuyết tật: Có cơ hội nhưng… khó bền vững

Bài 1: Những trở ngại của người khuyết tật khi tìm việc

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Việc làm mở ra những cơ hội đầy triển vọng để người khuyết tật (NKT) phát triển những năng lực có giá trị của bản thân, xây dựng gia đình hạnh phúc. Hiện nay NKT có cơ hội việc làm nhưng khó bền vững bởi nhiều nguyên nhân và rất cần chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Bài 1: Những trở ngại của người khuyết tật khi tìm việc

Hiện nay NKT có nhiều cơ hội tìm việc làm hơn trước nhưng số lao động khuyết tật được công ty tuyển dụng lại không nhiều. Thậm chí, khi đi làm việc, NKT gặp những khó khăn trong tiếp cận, hòa nhập, dẫn đến không ít người phải từ bỏ công việc đang làm.

Những đơn vị đi đầu tuyển dụng người khuyết tật

Việc làm cho NKT chính là con đường bền vững để những người bị khiếm khuyết một phần cơ thể thực sự là một phần của xã hội. Để tạo cơ hội việc làm cho NKT, nhiều năm qua, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với Hội NKT Hà Nội tổ chức các phiên giao dịch việc làm (GDVL) lồng ghép, lưu động tại Sàn GDVL Hà Nội và các quận, huyện, thị xã.

Những người khuyết tật đang ghi thông tin cá nhân để đăng ký học nghề may cờ tại Công ty TNHH Xã hội 3/12. Ảnh: Trần Oanh.
Những người khuyết tật đang ghi thông tin cá nhân để đăng ký học nghề may cờ tại Công ty TNHH Xã hội 3/12. Ảnh: Trần Oanh.

Ở mỗi phiên giao dịch việc làm, thường có vài chục công ty, hợp tác xã, cơ sở sản xuất mong muốn được tuyển dụng với tổng số vài trăm lao động khuyết tật. Đơn cử, Hội chợ việc làm  ngày 8 và 9/9, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội có 18 DN, cơ sở dạy nghề có nhu cầu tuyển 802 chỉ tiêu NKT. “Bây giờ, cơ hội việc làm cho NKT nhiều hơn trước rất nhiều vì suy nghĩ và nhận thức của các DN, cơ sở sản xuất đã có sự thay đổi. Nhiều đơn vị có quy mô nhỏ hay lớn đều có xu hướng tuyển dụng NKT. Trước dịch Covid-19, một số tập đoàn lớn đã đặt vấn đề với Hội NKT Hà Nội để tuyển lao động khuyết tật vào làm việc” – Phó Chủ tịch Hội NKT Hà Nội Phan Thị Bích Diệp cho hay.

Để giúp NKT duy trì việc làm bền vững, nhiều năm trước, Hội NKT Hà Nội đã hỗ trợ Công ty CP IntelLife tổ chức các buổi đào tạo cho NKT về kỹ năng sống, kỹ năng làm việc và hòa nhập tại nơi làm việc; về phía DN bố trí cho NKT tham gia vào những hoạt động chung của đơn vị. Với mô hình này, năm 2018 có 30 NKT làm việc ở xưởng may, đến năm 2021 tăng thành 185 lao động khuyết tật làm việc ở các vị trí khác nhau như nhân viên văn phòng, công nghệ thông tin, bán hàng tại những cửa hàng mang tên Ngôi Nhà Thiên Thần. Do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, hiện nay có khoảng gần 100 thanh niên khuyết tật làm việc tại Công ty IntelLife với mức lương khoảng 5 triệu đồng/tháng.

Thanh niên khuyết tật và phụ huynh đang hỏi thông tin về học nghề sửa đàn piano miễn phí tại Viện Khoa học giáo dục Yoshine Melody. Ảnh: Trần Oanh.
Thanh niên khuyết tật và phụ huynh đang hỏi thông tin về học nghề sửa đàn piano miễn phí tại Viện Khoa học giáo dục Yoshine Melody. Ảnh: Trần Oanh.

Từ mô hình Công ty CP IntelLife đã được nhân rộng sang Công ty CP Việt Chuẩn cung cấp khuôn mẫu sản xuất ô tô, xe máy, linh kiện điện tử… nhận người điếc vào làm việc trên tinh thần cảm thông, chia sẻ và hỗ trợ để giúp NKT tự tin, tự lập trong cuộc sống. Công ty TNHH Esoft Việt Nam cũng đang thực hiện hành trình mang lại cơ hội bình đẳng cho khoảng 70 lao động khuyết tật, chiếm gần 10% nhân viên của đơn vị. Để NKT mới được tuyển dụng có thể làm việc đạt kết quả, Công ty tổ chức đào tạo miễn phí về chỉnh sửa ảnh bất động sản. Trong các cuộc họp quan trọng, công ty đều bố trí thông dịch viên hỗ trợ những người gặp khó khăn về nghe và nói. Bên cạnh đó là bố trí văn phòng để NKT các dạng dễ tiếp cận và di chuyển, có nhà vệ sinh cho nhân viên khuyết tật.

Muôn chuyện khó khăn của người khuyết tật tìm việc

Khảo sát của Hội NKT Hà Nội, rất ít DN tạo cho người lao động khuyết tật tiếp cận các điều kiện làm việc được như Công ty CP InterLife, Công ty TNHH Esoft Việt Nam. Nhiều DN có tâm niệm giúp NKT có việc làm nhưng lại chưa biết lao động khuyết tật có thể làm công việc gì phù hợp. Vì thế, có công ty bố trí cho NKT làm cùng dây chuyền sản xuất với người bình thường. NKT vận động khó khăn trong việc di chuyển nhưng được bố trí làm việc ở tầng cao, đi cầu thang bộ; dùng chung nhà vệ sinh. Một nữ thanh niên khuyết tật có chiều cao 1,1 mét, đến từ huyện Phú Xuyên (Hà Nội) chia sẻ: Trước đây, em làm việc cho một công ty, mỗi ngày phải leo bộ đi lên 5 tầng cầu thang và xuống 5 tầng. Việc di chuyển tại nơi làm việc rất bất cập, thu nhập không đủ tiền thuê nhà và sinh hoạt hằng ngày nên em đã xin nghỉ.

Cán bộ Hội Người khuyết tật Hà Nội đang chia sẻ với các hội viên về cơ hội việc làm, học nghề tại Hội chợ việc làm cho thanh niên khuyết tật. Ảnh: Trần Oanh.
Cán bộ Hội Người khuyết tật Hà Nội đang chia sẻ với các hội viên về cơ hội việc làm, học nghề tại Hội chợ việc làm cho thanh niên khuyết tật. Ảnh: Trần Oanh.

Hiện nay toàn TP Hà Nội có khoảng 109.000 NKT; trong số 16.000 hội viên NKT có khoảng 1/3 người ở độ tuổi lao động và chỉ 15 – 20% tìm được việc làm vì các lý do khác nhau. Chủ tịch Hội NKT Hoàn Kiếm Phạm Thị Hiền chia sẻ, quận Hoàn Kiếm có 207 hội viên NKT và có khoảng 54 người trong độ tuổi lao động. Hầu hết những NKT trong độ tuổi lao động đều ở nhà vì được gia đình bao bọc, sức khỏe quá yếu không làm việc được; do sức khỏe yếu không đi làm được ở nơi xa nên một số người bán nước, trứng vịt lộn… trên hè phố nhưng bị công an đuổi do vi phạm Luật Giao thông. “Trước đây, tôi có thuê mặt bằng ở phố Cầu Đất mở xưởng may quần áo thời trang tạo việc làm cho các hội viên nhưng không trụ nổi vì tiền thuê quá cao. Hiện nay tôi đang dùng nhà mình làm Văn phòng Hội và nhận hàng, sau đó giao cho 3 hội viên khuyết tật may tại nhà. Các hội viên khuyết tật có sức khỏe yếu nên chỉ làm được 10 – 12 ngày/tháng; mỗi ngày vài tiếng, thu nhập 150.000 – 200.000 đồng” – bà Phạm Thị Hiền cho hay.

Chủ tịch Hội Người khuyết tật Hoàn Kiếm Phạm Thị Hiền đang cắt các sản phẩm thời trang tại nhà, sau đó giao cho các hội viên may để có thu nhập. Ảnh: Trần Oanh.
Chủ tịch Hội Người khuyết tật Hoàn Kiếm Phạm Thị Hiền đang cắt các sản phẩm thời trang tại nhà, sau đó giao cho các hội viên may để có thu nhập. Ảnh: Trần Oanh.

Giờ đây, chị Phạm Thị Hiền mong muốn có một xưởng sản xuất, mở rộng nguồn hàng may cao cấp và tập trung những thanh niên khuyết tật vận động để đào tạo nghề miễn phí và may đồ thời trang thì mới có thu nhập cao. Với những bạn khuyết tật nhẹ được tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn về kỹ năng giao tiếp, làm việc, sau đó làm bảo vệ, trông giữ xe, tạp vụ trong khách sạn. Hội NKT Hoàn Kiếm rất muốn được UBND quận bố trí gian hàng ở chợ đêm để NKT bán đồ thủ công, con giống handmade nhằm tạo công việc và thu nhập.

Trước tình hình xã hội phát triển, NKT muốn có việc làm thì phải có trình độ học vấn và kỹ năng nghề tốt. Thực tế, Hội NKT Hà Nội vẫn đang cố gắng thực hiện các giải pháp tạo thêm nhiều việc làm cho hội viên và Hội đã có những dự án đào tạo nghề và tạo việc làm cho NKT như triển khai các mô hình liên kết để tạo việc làm cho NKT, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức các phiên giao dịch việc làm lồng ghép thu hút sự tham gia của nhiều NKT đến ứng tuyển, được tư vấn và giới thiệu học nghề.

 

 “Thanh niên khuyết tật muốn có việc làm và việc làm bền vững thì rất cần có trình độ văn hóa, kỹ năng nghề, kỹ năng hòa nhập môi trường làm việc, đặc biệt là sự ủng hộ của gia đình cũng như quyết tâm và tự tin vượt lên khi gặp áp lực trong công việc” - Phó Chủ tịch Hội NKT Hà Nội Nguyễn Hồng Hà đưa ra lời khuyên.