Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tìm lời giải tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho nữ lao động di cư

Bài 1: Nữ lao động di cư công việc bấp bênh, nguồn thu nhập thấp

Trần Oanh - Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Hầu hết lao động nữ di cư từ nông thôn ra thành phố làm những công việc ở khu vực phi chính thức với mức thu nhập thấp, phải thuê nhà trọ thiếu tiện nghi, không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức khác.

Nữ lao động di cư đến đô thị làm ở khu vực phi chính thức có thu nhập thấp, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Nữ lao động di cư đến đô thị làm ở khu vực phi chính thức có thu nhập thấp, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Nhóm dễ bị tổn thương nhất trong xã hội

Lao động nữ di cư đến từ nhiều miền quê khác nhau như Sơn La, Cao Bằng, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình, Nam Định, và thậm chí ở các huyện ngoại thành Hà Nội.... nhưng đều chọn những thành phố lớn như Hà Nội là điểm đến trên hành trình thực hiện ước mơ. Do trình độ học vấn thấp (60% trình độ THCS, 22% trình độ tiểu học) nên có tới 36,2% nữ lao động di cư đi làm thuê, 23,4% buôn bán nhỏ, 7,4% lao động giản đơn, bán hàng rong, vé số dạo, thu mua phế liệu…

Làm việc ở khu cực phi chính thức, thu nhập trung bình của nhóm nữ di cư chỉ hơn 3,1 triệu đồng/người/tháng và 81,8% thu nhập của phụ nữ di cư đều bị giảm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19; 83,7% phụ nữ di cư chưa quan đào tạo. Ở nhóm đối tượng phụ nữ di cư, mức độ bao phủ và sử dụng bảo hiểm y tế được cho là thấp nhất. Tỉ lệ sử dụng thẻ bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh chỉ đạt 48,9%.

Một vấn đề đáng báo động là rất nhiều phụ nữ di cư vướng vào vay nặng lãi, vay tiền qua các app trên mạng. Việc học hành và tiếp cận trường tốt của con nữ lao động di cư cũng rất khó khăn. Do thời gian làm việc nhiều và thu nhập thấp nên phụ nữ di cư ít có cơ hội giải trí, luyện tập thể thao. Đây là kết quả báo cáo “Cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm đề xuất giải pháp bảo vệ và hỗ trợ một nhóm phụ nữ đặc thù: Một số phát hiện chính từ nghiên cứu khảo sát tại 8 tỉnh, TP năm 2021”, được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thông tin tại một hội thảo vào đầu tháng 3/2022.

Chị Lã Thị Hiền ở Hải Hậu, Nam Định đã gắn bó với vùng đất bãi sông Hồng  hơn chục năm
Chị Lã Thị Hiền ở Hải Hậu, Nam Định đã gắn bó với vùng đất bãi sông Hồng  hơn chục năm

TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) cho rằng, lao động nữ di cư đến đô thị gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện làm việc, điều kiện sống, thu nhập thấp. Đây là nhóm dễ bị tổn thương nhất trong xã hội vì thu nhập bấp bênh nên phải tiết kiệm tối đa chi phí sinh hoạt, cuộc sống thiếu thốn; điều kiện vệ sinh tắm giặt hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe. Họ còn có nguy cơ bị quấy rối; lạm dụng, xâm hại luôn rình rập. Với những người di cư mang theo con lên thành phố thì cuộc sống nheo nhóc, quyền lợi của trẻ em về học hành, y tế... bị ảnh hưởng nhiều.

Cuộc sống với nhiều khó khăn bủa vây

Lao động nữ di cư đồng nghĩa với việc dời bỏ ngôi nhà ở quê đã gắn bó từ tấm bé, đây có thể là nơi an toàn để đến thành phố xa lạ có nhiều cơ hội kiếm sống nhưng cũng đầy bất trắc và không ít rủi ro. Do thu nhập thấp nên lao động nữ di cư luôn tìm kiếm những phòng trọ càng rẻ tiền càng tốt, để tiết kiệm chi phí. Nhiều nữ lao động di cư thuê phòng trọ rất chật chội, tối tăm, ẩm thấp, chỉ vài ba mét vuông và vừa đủ kê một cái giường cùng vài thứ đồ lặt vặt như bát đũa, nồi xoong,...

Gọi là phòng trọ cho sang chứ nhiều nơi chỉ là chỗ ở tạm bợ: vài tấm lợp pro xi-măng cũ làm mái nhà, xung quanh được bao bởi những tấm ván ép do người chủ tận dụng đồ của ai đó bỏ đi. Giường ngủ chỉ có manh chiếu cũ - nơi nữ lao động di cư đặt thân mình xuống nằm nghỉ sau cả ngày làm việc mệt nhọc.

Ghi nhận của các phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tại dọc khu bờ vở sông Hồng – thuộc khu vực Tổ dân phố số 1, phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội cho thấy, người dân nơi đây làm rất nhiều phòng trọ cho thuê. Có phòng diện tích chỉ dăm bảy mét vuông, phòng rộng chừng gần chục mét vuông, đủ kê cái giường (hoặc tấm ván được kê lên làm chỗ ngủ), bếp ga mini, vài cái chén, bát, đũa... Thậm chí, có phòng trọ chật đến mức nồi niêu, bát đũa, đồ dùng cá nhân được nhét xuống gầm giường; xe máy, xe đạp để ngoài đường chả ai thèm lấy bởi đã "quá date", có lấy cũng không thể tiêu thụ được.

Chị Hiền chỉ mong hàng ngày có thu nhập đủ để chị trang trải cuộc sống, lo cho các con ăn học
Chị Hiền chỉ mong hàng ngày có thu nhập đủ để chị trang trải cuộc sống, lo cho các con ăn học

Chị Lã Thị Hiền quê ở xã Hải Phúc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định lên Hà Nội và gắn bó với vùng đất bãi sông Hồng này hơn chục năm. Những ngày đầu mới đến phường Phúc Xá (quận Ba Đình), gia đình 4 người nhà chị Hiền chỉ thuê cái phòng bé lụp xụp do chủ thuê có đất quây tôn tạm thành phòng trọ.

“Ở quê cấy lúa, nuôi lợn kinh tế eo hẹp, làm không đủ ăn nên vợ chồng tôi mon men ra Hà Nội đi nhặt ve chai, thu mua phế liệu, có ngày được trăm ngàn đồng. Nhặt nhạnh, tích cóp để lấy tiền cho con ăn học. Đến giờ cháu gái lớn của tôi đã học lên đại học năm thứ hai” – chị Hiền chia sẻ.

Khoe với phóng viên về "căn phòng" trọ đang ở đã thuê được ba năm, chị Hiền cho biết: Lúc đầu phòng cũng lụp xụp và rất nóng bức, không đảm bảo an toàn nhưng vợ chồng tôi tích cóp, tằn tiện ăn uống để dành được gần 5 triệu để mua tôn về quây xung quanh, làm thêm gác xép bé áp mái để gia đình 5 người cùng sinh hoạt. Nhìn "căn phòng" của gia đình chị Hiền sinh sống đồ đạc rất sơ sài, diện tích chật hẹp nên chỉ đủ kê 1 cái giường đôi, cái bàn học trẻ em và vài thứ nồi niêu, xoong chảo, bát đĩa; còn khu tắm giặt, vệ sinh là phần diện tích bên ngoài được các phòng sử dụng chung.

Chấp nhận sống trong điều kiện chật hẹp, chị Hiền chỉ mong có thu nhập để trang trải cuộc sống, nuôi con học hành. “Để có tiền lo cho 3 con ăn đi học, hằng ngày, vào ban ngày vợ chồng tôi tới mấy phường lân cận mua đồ phế liệu. Và, cứ 1 giờ sáng tôi lại đi bộ ra chợ Long Biên mò mẫm nhặt những con tôm, con tép bị rơi vãi, nhảy ra ngoài đường để bán; đến khoảng 7 giờ sáng thì về đưa 2 con nhỏ tới trường mẫu giáo và tiểu học”

Chị Hiền tính, tổng các khoản chi tiêu mỗi tháng của cả gia đình tằn tiện lắm thì cũng phải 10 triệu đồng mới tạm đủ (3 triệu tiền thuê phòng trợ, điện, nước; 4 triệu tiền học của 3 con; 3 triệu tiền ăn cho cả nhà) nên hai vợ chồng người phụ nữ trung tuổi phải đi làm cả ngày lẫn đêm. “Thế mà có tháng kiếm được ít tiền, tôi phải đi vay của người nhà ở quê để chi tiêu” – chị Hiền cho hay.