Điều đó đồng nghĩa với việc số người lựa chọn ngành nghề thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn (KHXHNV) ngày càng giảm.
Thực trạng đó cảnh báo nguy cơ lĩnh vực này sẽ thiếu hụt nguồn nhân lực trong tương lai. Tuy nhiên, điều đáng phải suy ngẫm hơn là từ thực trạng trên đã cho thấy dấu hiệu của sự "khủng hoảng" những giá trị nhân văn, cũng có nghĩa là sự phát triển xã hội đang… "có vấn đề"!
Người giỏi không muốn theo học, nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu, điểm chuẩn liên tục giảm... Đó là thực trạng đào tạo các ngành thuộc khối KHXH&NV.
Thực trạng buồn được báo trước
Trong những năm qua, thí sinh theo học khối ngành KHXH&NV ngày càng giảm. Năm nay, tình trạng này đã đến mức báo động khi tỉ lệ thí sinh đăng ký thi ĐH khối C chỉ còn 4,44%. Như vậy, thực tế cho thấy, thí sinh đang "quay lưng" với các ngành KHXH. Có lẽ, đây là một hệ quả đã được nhìn thấy trước.
Có một thực tế là ngay từ khi phân ban ở cấp THPT, học sinh đã không mặn mà với ban KHXH mà đổ xô vào ban Cơ bản và ban Khoa học tự nhiên, thậm chí nhiều trường còn không mở được ban C. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, số học sinh theo học ban KHXH&NV trên toàn quốc giảm dần, năm học 2006 - 2007 có 6,41% học sinh, đến năm 2008 - 2009 chỉ còn 2% và năm nay tiếp tục giảm. Tại Hà Nội, kỳ tuyển sinh đầu cấp vừa qua, số trường mở ban C cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay vì lượng học sinh theo học quá ít.
Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) luôn đứng đầu trong số các trường cùng khối về khả năng thu hút thí sinh và điểm tuyển đầu vào thuộc nhóm cao, nhưng bình quân mỗi năm, số thí sinh thi khối C đều giảm khoảng 10% (tính trong vòng 5 năm trở lại đây). Ở các trường khác, tình trạng còn thê thảm hơn, không ít trường phải chấp nhận xét tuyển chỉ bằng điểm sàn mà vẫn không đủ chỉ tiêu, tệ hơn là phải đóng ngành, ngừng tuyển sinh... Nhiều giáo viên nhận xét, sự sụt giảm này có tính hệ thống, là một xu hướng thực tế chứ không phải hiện tượng bất thường, nhất thời.
Nhiều chuyên gia dự báo, thực trạng này sẽ còn tiếp tục diễn ra trong những năm tới. Bởi thế, nhiều trường đã bổ sung các khối thi A, B cho các ngành đào tạo bên cạnh hai khối C, D truyền thống để thu hút thêm người học. Như năm 2011, ĐH KHXH&NV Hà Nội bổ sung khối A vào 10/18 ngành đào tạo. Nhưng đây chỉ là một giải pháp nhất thời, bởi cái chính là học sinh cũng như phụ huynh ngay từ đầu đã không xác định KHXN&NV là sự lựa chọn.
Lỗi ở cả hệ thống
Câu chuyện 98% điểm thi tuyển sinh vào ĐH môn Lịch sử dưới trung bình đến nay vẫn còn được bàn luận không ngớt. Điều này làm không chỉ những thầy, cô giáo "nặng tình" với môn Lịch sử lo lắng mà cả xã hội cũng phải nhìn lại. Lỗi này không phải chỉ ở học sinh. Giáo sư, NGND Nguyễn Lân Dũng cho rằng: Nguyên nhân nằm ở chương trình và SGK. Ngay từ cấp học nhỏ nhất, đến bậc THPT, học sinh đã phải học rất khổ sở theo kiểu nhồi nhét, ít có sự vui thích. Rồi chuyện học chỉ để thi, nên mới có chuyện học sinh đánh cờ carô trong giờ Lịch sử nếu năm đó môn này không thi tốt nghiệp. Một số em định thi vào khối C, có khi đến khi làm hồ sơ mới quyết định và khi kiến thức phổ thông là số 0, thì thi được điểm 0 là tất nhiên.
Nhiều nhà giáo cho rằng, việc giảng dạy các môn KHXH ở các cấp học hiện nay quá khô cứng, thiên về học thuộc lòng, không hấp dẫn, khiến học sinh quay lưng với môn học. Tại bậc ĐH, giáo trình của những môn học này thường nặng về tuyên truyền, giáo dục tư tưởng. Hơn thế nữa, nhóm ngành KHXH lại chậm đổi mới nhất về phương pháp giảng dạy, hoạt động nghiên cứu khoa học yếu. Nhiều sinh viên nhận xét: Do phương pháp đào tạo ít đổi mới, nên cử nhân khối ngành XHNV thụ động và nặng về lý thuyết. Bản thân người học cũng không định hướng được mình học ngành đó sau này ra trường sẽ làm gì, ở đâu...
Cái nhìn từ thực tế
Câu hỏi tại sao thí sinh không mặn mà với ngành KHXH liên tục được đặt ra với nhiều câu trả lời khác nhau. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thái độ nói trên của học sinh có nguyên nhân từ tâm lý xã hội chung hiện nay là coi nhẹ các ngành KHXH&NV. Quan niệm phổ biến hiện nay là những nghề xã hội thường có lương bổng thấp hơn, cơ hội thành đạt ít hơn, do đó các ngành này mất dần sức hút.
PGS.TS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT DL Lương Thế Vinh nhận xét: Một sinh viên học ngành kinh tế, ngoại giao nếu chưa tìm được việc theo đúng chuyên ngành thì với vốn kiến thức và ngoại ngữ của mình, có thể làm được nhiều công việc khác để kiếm sống. Trong khi đó, một sinh viên tốt nghiệp lịch sử, văn học, nếu không làm đúng chuyên môn sẽ có ít cơ hội để chuyển đổi nghề nghiệp. Bốn năm đầu tư học ĐH, ai cũng mong muốn ra trường có việc làm, có thu nhập chí ít cũng đủ để sống được. Do đó khi chọn ban học trong trường phổ thông, phụ huynh đã tính đến định hướng khối thi ĐH sau này, rất ít người chọn học ban C.
Điều này có thể thấy, ngay trong các cuộc tư vấn tuyển sinh. Câu hỏi mà học sinh thường đặt ra là nghề này có dễ tìm việc không, thu nhập có cao không, thi có dễ đỗ không, mà hầu như không có ai hỏi rằng, em có phù hợp với nghề ấy không, nghề nào thì phát huy năng lực của em tốt nhất....
Một vấn đề nghiêm trọng hơn, trong số thí sinh chọn ngành KHXH&NV, số thực sự có tư chất tốt, học lực xuất sắc lại rất ít coi các lĩnh vực này là đối tượng đam mê. Các lĩnh vực KHXH&NV có thể không cần số lượng nhiều, nhưng lại cần những người rất giỏi. Không có người giỏi, chúng ta sẽ thiếu chuyên gia, mà sự điều chỉnh và định hướng cho xã hội lệ thuộc rất nhiều vào lượng trí thức này. Hơn nữa, số ngành bị giảm mạnh nhất lại là những ngành khoa học cơ bản, những ngành mà vai trò của chúng có tác động rất lớn tới đời sống tinh thần xã hội, chẳng hạn các ngành triết học, nhân học, lịch sử, văn học.. - PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội Sự sụt giảm này là tất nhiên, là dễ hiểu, nếu không có gì thay đổi, nó sẽ còn tiếp tục. Đó là điều hết sức đáng ngại. Việc tập trung vào phát triển kinh tế, sản xuất là cần thiết nhưng nếu một xã hội mà không chú trọng KHXH&NV, con người sẽ phát triển thế nào? - PGS.TS Văn Như Cương - Hiệu trưởng THPT DL Lương Thế Vinh |