Văn hóa du Xuân thích nghi tình huống mới

Bài 1: Thay đổi để bảo tồn

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tết đến, Xuân về là dịp để mọi người có thời gian nghỉ ngơi, trở về bên gia đình sau một năm làm việc vất vả. Trong dịp Tết, người Việt có thói quen du Xuân đầu năm thưởng ngoạn cảnh sắc bốn phương và trao nhau lời chúc Tết...

Đây vừa là thói quen, vừa là nét đẹp văn hóa ăn sâu vào trong tiềm thức người Việt từ bao đời nay. Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nét đẹp đó vẫn được duy trì nhưng hình thức và cách thức có phần thay đổi.

Du Xuân trong ngày Tết Nhâm Dần 2022. Ảnh: Thanh Hải
Du Xuân trong ngày Tết Nhâm Dần 2022. Ảnh: Thanh Hải

Bài 1: Thay đổi để bảo tồn

Du Xuân, lễ hội năm Nhâm Dần diễn ra trong tâm thế đặc biệt. Các nghi thức dâng hương, tế lễ, tri ân các bậc tiền nhân có công với nước được thực hiện theo quy mô nhỏ, bảo đảm thành kính, trang nghiêm. Sự thay đổi này không đồng nghĩa với việc làm mất đi giá trị văn hóa đã thành tập tục, thói quen mà để bảo tồn và thích ứng để an toàn trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Nét đẹp lâu đời

“Tháng Giêng là tháng ăn chơi /Tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà” là câu ca dao có từ xa xưa các cụ đã đúc kết về thói quen nghỉ ngơi, rong chơi dịp Tết của người Việt. Thời trước, khi chưa công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Việt Nam còn là đất nước kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào canh tác nông nghiệp. Vì quanh năm chỉ biết đến ruộng đồng, cày cấy nên người Việt coi Tết là dịp để nghỉ ngơi, du ngoạn, thăm thú cho bõ những ngày tháng vất vả, đầu tắt mặt tối.

Ngày nay vẫn như vậy, người Việt coi Tết là dịp để đi chơi “xả hơi”. Có người chọn đi du lịch tại những vùng đất xa xôi; có người đi chùa vãng cảnh, xin lộc đầu năm, cũng có những người chỉ đến nhà họ hàng, bà con cô bác, bè bạn thăm hỏi, chúc Tết.

Không cần phải đến những nơi ồn ào, náo nhiệt, du Xuân chỉ đơn giản là ra khỏi nhà để tận hưởng không khí mùa Xuân ấm áp, ngắm nhìn vạn vật nảy nở, sinh sôi.

Người Việt đi du Xuân trong tâm thế hoan hỉ. Họ khoác lên mình những bộ quần áo mới sặc sỡ, trao nhau những nụ cười ấm áp và ánh mắt yêu thương. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, bộn bề, nhưng Tết đến, dường như tất cả mọi người đều tạm quên những phiền lo của năm cũ đi để cùng nhau du Xuân, đón chào một năm mới rực rỡ, nhiều may mắn.

Người Việt tin rằng, đi lễ đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Mỗi người đi lễ với những mục đích khác nhau, người thì cầu tài, cầu lộc, cầu duyên; người thì cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và gia đình. Xuân Nhâm Dần tình hình diễn biến của dịch có nhiều thay đổi, nên việc đi lễ đầu Xuân và hoạt động văn hóa du Xuân cũng được bám sát vào các quy định phòng dịch.

Dừng hội nhưng vẫn trang nghiêm

Trước đó, Bộ VHTT&DL đã có Công điện số 351/CĐ-BVHTTDL về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Đối với hoạt động lễ hội truyền thống: Không tổ chức các hoạt động hội, chỉ tổ chức phần nghi lễ. UBND các cấp có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện hoạt động lễ hội trên địa bàn theo quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.

Là nơi tập trung hàng trăm lễ hội truyền thống, trong đó phần lớn là lễ hội Xuân, nên ngay từ trước Tết Nguyên đán, TP Hà Nội đã chủ động xây dựng phương án quản lý hoạt động lễ hội, làm sao vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của Nhân dân, vừa bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19.

Theo truyền thống, chùa Hương khai hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng. Năm nay, vào đúng ngày mùng 6 tháng Giêng (tức ngày 6/2/2022), lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Mỹ Đức cùng đại diện Nhân dân địa phương thành kính dâng hương tại chùa Thiên Trù, thuộc Khu di tích - thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương). Đây cũng là năm thứ 2, chùa Hương không mở hội theo truyền thống, chỉ thực hiện các hoạt động cầu cho quốc thái dân an vào ngày “chính hội”, bảo đảm nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng mà vẫn hạn chế thấp nhất những nguy cơ về dịch.

Theo Trưởng ban Quản lý Khu di tích - thắng cảnh Hương Sơn Nguyễn Bá Hiển, thời điểm đầu năm mới, chùa Hương luôn tấp nập khách hành hương vãng cảnh, trong đó, riêng ngày khai hội hằng năm, di tích đón khoảng 80.000 du khách.

“Năm nay, huyện đã thông báo rộng rãi để Nhân dân và du khách nắm bắt sớm thông tin di tích tiếp tục đóng cửa, không tổ chức lễ hội, để từ đó chủ động phối hợp với địa phương phòng, chống dịch. Ban quản lý cũng phối hợp với các đơn vị liên quan lập chốt chặn, tổ kiểm tra để giám sát, nhắc nhở khi người dân đổ về điểm di tích” - ông Nguyễn Bá Hiển cho biết.

Theo dự kiến ngày 16/2 (tức 16 tháng Giêng), khu danh thắng Hương Sơn sẽ mở cửa đón khách vãng cảnh chùa Hương. Để hoạt động tham quan, tín ngưỡng được an toàn, UBND Mỹ Đức đã xây dựng Kế hoạch quản lý, tổ chức đón khách về tham quan chùa Hương trong điều kiện “Thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và phương án đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19. Chính quyền địa phương nơi đây khuyến cáo, đối với du khách chưa tiêm đủ liều vaccine Covid-19 không nên đến khu di tích để bảo vệ sức khỏe chính mình và cộng đồng.

Không chỉ ở Hà Nội mà ở nhiều tỉnh thành khác như Khu di tích danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh) năm nay cũng không tổ chức lễ hội. Vào ngày khai hội, Ban Trị sự Giáo hội chỉ thắp hương, làm lễ tâm linh, không mời đại biểu đến dự.

Trưởng ban Quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử Lê Tiến Dũng cho biết: “Trong Tết Nguyên đán Nhâm Dần, lượng khách đến với Yên Tử nhiều hơn so với 2 năm trước. Theo đó, ngày mùng 1 Tết, Yên Tử đón khoảng 1.500 lượt khách; mùng 2 đón khoảng 3.000 lượt khách; mùng 3 đón hơn 7.000 lượt khách; mùng 4 đón hơn 14.000 lượt khách; mùng 5 đón khoảng 21.000 lượt khách. Riêng ngày mùng 6, do thời tiết mưa rét và nhiều người chuẩn bị cho ngày đầu tiên đi làm nên chúng tôi dự kiến lượng khách giảm, còn vài nghìn lượt khách”.

Ngày mùng 10 tháng Giêng là ngày khai hội Yên Tử, tuy nhiên Ban tổ chức đã chấp hành nghiêm quy định của Chính phủ chỉ tổ chức các nghi lễ và không tổ chức các hoạt động khai hội.

Thay đổi cách thức tổ chức không đồng nghĩa với xóa bỏ văn hóa du Xuân của người Việt; mà giúp nét đẹp được giữ gìn một cách linh hoạt, thích nghi với tình hình mới. Đó chính là giá trị riêng, luôn trường tồn trong nét văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của người Việt.

 

"Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa để từ đó hình thành nên thương hiệu văn hóa của riêng mình. Bản sắc văn hóa là những nét đẹp văn hóa, những nét tinh hoa đặc sắc nhất trong nền văn hóa chung mà chỉ vùng, miền hay dân tộc đó mới có. Du Xuân cũng là một bản sắc của người Việt, nhưng chúng ta không bảo thủ với quan niệm du Xuân phải tụ tập đông người, chúc tụng chè rượu mà cần phải chắt lọc lựa chọn những tinh hoa mang tính hội nhập, phù hợp với tình hình mới." - Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam -TS Trần Hữu Sơn

"Hiện Việt Nam đã chuyển từ chiến lược Zero Covid sang thích ứng an toàn, linh hoạt, phòng chống dịch Covid-19, trên cơ sở là tỉ lệ tiêm vaccine cao, năng lực y tế tốt hơn, hiểu biết của người dân về dịch được nâng cao. Tuy vậy, không phải dựa vào cơ sở trên mà xả hơi, buông lỏng chống dịch. Tất cả các hoạt động chúng ta đã nới lỏng trong đó có việc đi lại, du lịch của người dân nhưng vẫn phải là hoạt động có điều kiện về an toàn phòng dịch. Không phải ngăn sông cấm chợ nhưng phải an toàn, chứ không phải là thả cửa.

Địa phương tổ chức lễ hội cần đưa ra các biện pháp an toàn để giảm thiểu các nguyên nhân của lây nhiễm dịch bệnh đó là: Tiếp xúc gần, là đám đông, trong phòng kín. Trong hoạt động lễ hội, chỗ nào có nguy cơ cao chúng ta chỉ làm phần lễ không làm phần hội. Đối với những nơi không có nguy cơ cao, chúng ta cũng có thể tổ chức được nhưng phải đảm bảo được quy định chống dịch." - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - GS.TS Trần Đắc Phu

Hoàng Lan (ghi)


(Còn nữa)