Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Phong Sắc (1902 - 2022)

Bài 1: Thủ lĩnh tổ chức thanh niên yêu nước ở Hà Nội

Giao Hưởng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đồng chí Nguyễn Phong Sắc, tên khai sinh Nguyễn Đình Sắc, xuất thân trong một gia đình yêu nước nồng nàn, thân phụ là Nguyễn Đình Phúc, thân mẫu là Thành Thị Tửu.

Cụ Đình Phúc từ năm 1907 tham gia phong trào yêu nước Đông Kinh Nghĩa Thục, năm 1908 cụ tham gia vụ đầu độc binh lính Pháp tại Hà Nội, bị địch bắt chịu án 5 năm tù đày ngục Côn Đảo. Từ một thanh niên yêu nước, sớm nhận thức đúng bản chất bóc lột thâm độc tàn bạo của thực dân Pháp ông đã cùng toàn dân tộc dấn thân vào cuộc trường chinh xuyên hai thế kỷ, sẵn sàng đổi máu xương mình nhưng luôn vững niềm tin nước Việt của ông sẽ giành quyền tự chủ, Nhân dân đất nước ông cũng sẽ giành được quyền sống đúng nghĩa làm người.

Đồng chí Nguyễn Phong Sắc - Người trực tiếp phụ trách Xứ ủy Trung Kỳ và lãnh đạo phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh. Ảnh tư liệu
Đồng chí Nguyễn Phong Sắc - Người trực tiếp phụ trách Xứ ủy Trung Kỳ và lãnh đạo phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh. Ảnh tư liệu

Sớm nhận thức bản chất bóc lột sau chiêu bài “khai hóa văn minh”

Ông Sắc thông minh, học giỏi, năm 1915 ông dự thi lên học chương trình bốn năm trường Bưởi - ngôi trường công nổi tiếng trong nước. Được thụ giáo những tiết Văn, Sử, Địa chính khóa do các Thầy khả kính người Việt đứng lớp, ông Sắc biết thực trạng buồn đau khiến dân Việt, nước Việt gồng mình chịu đựng mấy chục năm rồi. Những kiến thức ngoài luồng không có trong sách vở, được các thầy kín đáo lồng ghép chuyện ngày xưa để nói chuyện nay. Những kiến thức này giúp ông nhận thức đúng bản chất bóc lột thâm độc tàn bạo của “mẫu quốc Đại Pháp” che đậy rất khéo sau bức màn “bảo hộ” “khai hóa văn minh”.

Chứng kiến nghịch cảnh buồn đau: Dân mình đã bao năm còng lưng dưới ách sưu cao thuế nặng. Trong đại chiến thế giới thứ Nhất (1914 - 1918) lính Tây lính dõng ráo riết lùng sục từng nhà cưỡng bắt trai tráng An Nam đi phu, đi lính làm bia đỡ đạn cho lính “mẫu quốc”. Những người mẹ Việt khắp Bắc – Trung - Nam quanh năm bán lưng cho trời bán mặt cho đất, bất lực nhìn quân thù đến tận nhà bắt con mình đi đỡ đạn để rồi vĩnh viễn mẹ không gặp lại con… Ông Sắc thẩm thấu tận cùng nỗi tủi nhục của người dân mất nước đã bị quân thù tước đoạt nhân quyền - quyền được sống làm người tạo hóa ban cho nhân loại.

Năm 1924 ông Sắc tốt nghiệp bậc Thành Chung xếp đứng đầu bảng, với tấm bằng xuất sắc ông được nhận vào làm tại Sở Tài chính Đông Dương. Những năm 20 thế kỷ trước, phong trào công nhân Việt Nam phát triển khá mạnh, các cuộc đình công tại các nhà máy xí nghiệp khắp Bắc – Trung - Nam đã từ đấu tranh tự phát chuyển sang đấu tranh tự giác. Với công việc quan trọng “tay hòm chìa khóa, cơm áo gạo tiền” của chính quyền thực dân, đã giúp ông Sắc nhìn thấu tận bản chất bóc lột của chế độ thực dân phong kiến, thẩm thấu tận cùng đau khổ của người Việt, người Lào, người Campuchia. Xé bỏ những mỹ từ của “mẫu quốc Đại Pháp”, ông Sắc nhận ra bổn phận công chức người Việt làm việc trong chính quyền thực dân. Lương cao lộc lớn chính quyền thực dân trả cho họ, truy đến cùng những thứ ấy đều từ nguồn tài nguyên đất nước mình, hơn thế, đều từ máu xương của bao thế hệ người Việt ngã xuống trong các cuộc chống xâm lăng mới giữ được “hương hỏa” cho các thế hệ hậu sinh.

Năm 1927 ông Sắc bí mật rẽ sang con đường lớn của dân tộc, dấn thân vào cuộc trường chinh chống xâm lăng xuyên hai thế kỷ để cứu nước cứu dân. Bấy giờ cuộc trường chinh trải gần 70 năm kể từ năm 1858, với những tên tuổi đã thành một phần lịch sử Việt Nam cận đại: Hoàng Phan Thái, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám… cùng bao chí sỹ Cần Vương yêu nước hy sinh quả cảm trên khắp dải đất hình chữ S. Họ - những tên tuổi đương đầu với đội quân thực dân chuyên nghiệp, trang bị súng lớn tàu to và rất tàn bạo; Những tên tuổi đang hành trình dang dở đã phải nằm lại nơi trận tiền.
Từ đời cố, đời ông, đời cha và hiện là thế hệ ông Sắc, “được” nước mẹ Đại Pháp biến thành bù nhìn. Chúng cho người An Nam đứng tên ông chủ trang trại này, bà chủ cửa hàng nọ, trong khi nguồn tài nguyên của An Nam thuộc địa thì bị tấm chăn “bảo hộ” và “khai hóa văn minh” che chắn để chúng khai thác đến kiệt cùng. Nhận rõ thứ thuốc độc bọc đường bằng những mỹ từ “khai hóa văn minh”, ông quyết dấn thân vào phong trào yêu nước, tích cực vận động góp gió thành bão cách mạng với mục đích giải phóng dân tộc thoát khỏi ách đô hộ thực dân và phong kiến Nam Triều bù nhìn. Ông ngậm ngùi trước thảm cảnh nước mất nhà tan. Mỗi khi nhân quyền đã bị quân thù tước đoạt, về hình thức tên của người An Nam rõ ràng trên giấy tờ sở hữu đất đai, nhà cửa, ruộng vườn… song thực chất đó là họ tên những nô lệ đã bị làm bù nhìn để hợp thức che đậy mục đích khai thác, bóc lột thuộc địa đến kiệt cùng là bản chất của chủ nghĩa thực dân và phong kiến Nam Triều tay sai đang suy tàn.

Truyền nhiệt huyết đến với thế hệ thanh niên yêu nước

Bằng chính sách thâm độc ngu dân để trị, quân thù biến dân An Nam chẳng khác “loài cừu” đi đứng hai chân. Ông Sắc lẫn vào đám đông nghe các buổi diễn thuyết của những người “trên trời rơi xuống”, mục đích của họ truyền bá tư tưởng tiến bộ, “chiêu hồn nước”, “lay gọi hồn quê” còn đang say ngủ giữa ban ngày do thuốc độc bọc đường bào chế từ nước Pháp. Với ông Sắc, “những người trời” chứ chưa phải là lý luận cao siêu về sau mới tiếp thu, đã giúp ông hiểu đúng thực trạng “hồn nước” “hồn quê” đã bị quân thù tước đoạt.

Cuối năm 1926 ông bắt liên lạc với tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, ông được tổ chức Hội kết nạp. Lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc trước năm 1930 dường như đã “lập trình” chọn Nguyễn Phong Sắc là một trong những trụ cột gây dựng tổ chức Thanh niên yêu nước ở Hà Nội.

Ông Sắc thôi việc ở Sở Tài chính, sang dạy học tại trường Nguyễn Văn Tòng, tại đây thầy giáo Nguyễn Phong Sắc noi theo những người thầy khả kính từng “ngoại khóa” về tinh thần yêu nước cho học sinh trường Bưởi. Thầy Nguyễn Phong Sắc truyền thụ cho học sinh những áng văn thơ ngùn ngụt tinh thần yêu nước từ các phong trào Cần Vương, Đông Kinh nghĩa thục, Đông Du… Không lâu sau thầy Nguyễn Phong Sắc rời bục giảng dành thời gian vào hoạt động cách mạng. Thầy cùng các đồng chí cốt cán tổ chức, chỉ đạo thành lập Kỳ bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc kỳ (3/1927); Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Hà Nội (6/1927); Đại hội Đại biểu Kỳ bộ Thanh niên toàn Bắc Kỳ lần thứ nhất (9/1928); Đại hội lần thứ nhất Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Hà Nội (đầu năm 1929), đồng chí được bầu làm Bí thư đầu tiên Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội.

Từ một trí thức yêu nước hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc trở thành chiến sỹ cộng sản, tham gia sáng lập Đông Dương Cộng sản Đảng (giữa năm 1929), được bầu làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ. Tổ chức Đảng cử đồng chí vào Nghệ Tĩnh lãnh đạo phong trào cách mạng ở Trung Kỳ, đặt chân đến Nghệ An “lò lửa”, đồng chí với trọng trách được giao đã trực tiếp chỉ đạo kiện toàn các tổ chức Đảng có ở Nghệ Tĩnh, đồng thời chỉ đạo Kỳ bộ ra báo Người lao khổ và trực tiếp định hướng nội dung tư tưởng. Thời gian này đồng chí còn chỉ đạo thành lập mới, định hướng nội dung cho một số tờ báo mới ra đời.

(Còn nữa)