Chăn nuôi lợn ở hồ thủy lợi
Hồ Hương Đà được xây dựng từ năm 1964, khi phong trào xây dựng hồ thủy lợi phát triển mạnh với mục đích trung chuyển nước phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp tưới tiêu đồng ruộng của cư dân xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.
Vào cuối năm 2015, hộ ông Nguyễn Văn Bình (một người địa phương) đã xin thực hiện dự án đầu tư trang trại nông nghiệp tổng hợp, bao gồm cả chăn nuôi lợn quy mô lớn tại hồ thủy lợi Hương Đà kết hợp nuôi trồng thủy sản.
Khi dự án được hình thành, và đi vào sản xuất kinh doanh, cũng là lúc người dân các thôn: Hương Đà; Quảng Khai và Tam Hợp… thuộc xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên khổ sở bởi mùi hôi thối từ phân lợn theo gió tạt vào các khu dân cư.
Trao đổi với phóng viên (PV), ông Phạm Văn Bình, Trưởng thôn Hương Đà cho biết, hiện tượng không khí tại các khu dân cư bốc mùi ô nhiễm, diễn ra trong nhiều năm trời, người dân địa phương cho rằng từ trang trại chăn nuôi lợn ở hồ Hương Đà theo gió tạt vào, nghiêm trọng nhất là xảy ra hồi cuối năm 2023.
“Có thời gian mùi hôi thối nồng nặc khiến người dân đau đầu. Các công nhân trọ ở nhiều gia đình đều rời bỏ đi hết vì không chịu đựng nổi, chỉ còn những người dân quê đành bám trụ cam chịu chống chọi vì không biết bỏ đi đâu mà “lánh nạn”. Bất đắc dĩ, các hộ gia đình đã phải tập trung kéo ra bờ hồ, đề nghị các cơ quan chức năng địa phương có biện pháp xử lý, khắc phục để đảm bảo đời sống sinh hoạt chung” – ông Phạm Văn Bình cho biết.
Dự án trăm tỷ vướng nhiều vi phạm
Theo tìm hiểu của PV Báo Kinh tế & Đô thị, Dự án trang trại nông nghiệp tổng hợp tại hồ thuỷ lợi Hương Đà, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc được xây dựng với quy mô lớn, nuôi 20 nghìn con lợn siêu nạc/năm, tổng mức đầu tư hơn 141 tỷ đồng.
Chủ dự án cam kết quá trình thực hiện sẽ nghiên cứu các mô hình mới trong chăn nuôi, lắp đặt máy móc thiết bị hiện đại phục vụ nhu cầu sản xuất chăn nuôi khép kín, đảm bảo không để xảy ra ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, sau khi được địa phương ra quyết định cho thuê toàn bộ diện tích hồ Hương Đà hơn 16 ha, chủ dự án đã huy động nhiều phương tiện cơ giới san ủi đất có dấu hiệu lấn ra cả diện tích mặt nước, để lấy mặt bằng dựng lên hệ thống chuồng trại phục vụ chăn nuôi.
Đầu tháng 5/2024, trao đổi với PV Báo Kinh tế và Đô thị xung quanh vấn đề này, lãnh đạo UBND xã Thiện Kế cho biết hiện tại chủ dự án dừng các hoạt động chăn nuôi. Việc này xuất phát từ ý kiến của cư dân các thôn Hương Đà, Quảng Khai, Tam Hợp của xã Thiện Kế. Sự việc vẫn đang được các cơ quan chức năng giải quyết.
Theo Báo cáo số 165/BC-UBND ngày 5/4/2024 của UBND huyện Bình Xuyên, qua kiểm tra mẫu nước thải tại hồ xử lý nước thải trước khi chảy vào hệ thống xử lý nước thải của trang trại, các thông số vượt ngưỡng so với QCVN 40: 2021/BTNMT. Bể lắng cuối cùng trước khi chảy vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của trang trại không được lót đáy chống thấm, là vi phạm khoản 1, Điều 23 Nghị định 36/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và khoáng sản.
Ngoài ra, trang trại cũng giám sát thiếu một số chỉ tiêu thực hiện phân tích nước đã được phê duyệt theo báo cáo đánh giá tác động môi trường – vi phạm điểm a, khoản 3, điều 16 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Được biết, người dân các thôn bị ảnh hưởng đã đề nghị các cơ quan chức năng di dời trang trại, khôi phục lại hiện trạng ban đầu của hồ thủy Hương Đà. Trong khi đó chủ trang trại cũng có ý kiến xin thay đổi nội dung thực hiện, từ dự án chăn nuôi lợn chuyển sang hình thức sản xuất kinh doanh khác tại hồ thủy lợi này.