Nhiều thiết chế văn hóa đã được đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang, phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của Nhân dân.
Xử lý những bất cập
Tháng 4/2022, phiên giải trình về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn TP Hà Nội được Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức. 12 kiến nghị đã đưa ra các vấn đề đối với UBND TP, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã nhằm thúc đẩy việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao.
Gần một năm sau phiên giải trình, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương, đến nay lĩnh vực này đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Cụ thể, tại quận Ba Đình, sau gần một năm nỗ lực thực hiện kiến nghị về Dự án cải tạo sửa chữa nhà sinh hoạt cộng đồng tại phường Nguyễn Trung Trực, đến nay đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư như: phê duyệt dự toán, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, chỉ định đơn vị quản lý dự án, chỉ định đơn vị thẩm tra báo cáo kinh tế kỹ thuật.
UBND thị xã Sơn Tây đã thực hiện kiến nghị về đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng nhà văn hóa tổ dân phố 3 (phường Quang Trung), đến nay đã hoàn thành phân định ranh giới, thu hồi giải phóng mặt bằng và đang tiến hành các bước tiếp theo.
Một số vấn đề khó khăn do khách quan như thiếu quỹ đất chưa thể giải quyết được ngay, các địa phương đã có giải pháp tạm thời. Đơn cử như, nhiều địa phương thuộc các quận: Ba Đình, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng… “trắng” nhà văn hóa do thiếu quỹ đất đã áp dụng giải pháp các tổ dân phố (TDP) sử dụng chung nhà văn hóa.
Với kiến nghị Trung tâm Văn hóa TP (số 7 phố Phùng Hưng, quận Hà Đông) khai thác kém hiệu quả gây lãng phí, UBND TP đã chỉ đạo Sở VH&TT, Trung tâm Văn hóa TP xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng của 30 quận, huyện, thị xã phục vụ quần chúng Nhân dân trên địa bàn.
Trong đó có thể kể đến các sự kiện như: chương trình biểu diễn nghệ thuật “Khúc ca Hà Nội”; Tuần phim chào mừng kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô…
Nâng cao chất lượng
Là một trong 5 huyện tích cực hoàn thiện các tiêu chí để đưa huyện thành quận, huyện Đông Anh đã và đang nỗ lực triển khai đề án về nâng cao chất lượng nhà văn hóa, khu thể thao.
Huyện Đông Anh đã đầu tư nhà văn hóa cấp huyện được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn hiện đại trên khu đất rộng gần 7 ha, là tổ hợp công trình mang tính biểu trưng cho văn hóa lịch sử truyền thống huyện Đông Anh, 1 nhà thi đấu đa năng, 9 trung tâm văn hóa thể thao cấp xã và 180 nhà văn hóa thôn, TDP đạt chuẩn, cơ bản đáp ứng tiêu chí 100% thôn TDP có nhà văn hóa.
Tại huyện Gia Lâm, theo Bí thư huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà: 162/164 thôn, TDP có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng đủ tiêu chuẩn theo Thông tư của Bộ VHTT&DL (đạt 98,8%; còn 1 thôn ở xã Bát Tràng do vướng quy hoạch về đất TP chưa phê duyệt quy hoạch tổng thể; 1 TDP thuộc thị trấn Yên Viên không còn quỹ đất); 10/22 xã, thị trấn có Trung tâm Văn hóa Thể thao.
Toàn huyện đã đầu tư lắp đặt 1.945 bộ thiết bị thể dục thể thao ngoài trời; bình quân mỗi thôn, TDP được lắp đặt 12 bộ phục vụ luyện tập nâng cao sức khỏe cho Nhân dân (tiêu chí xây dựng Nông thôn mới nâng cao của TP quy định 5 bộ/thôn, TDP).
Bên cạnh đó Nhân dân, DN đã đầu tư lắp đặt gần 500 bộ thiết bị thể dục thể thao, thiết bị vui chơi vận động ngoài trời tại các Khu đô thị Vinhome Ocean Park, Khu đô thị Đặng Xá, sân chơi công cộng của thôn, TDP.
Toàn huyện có 1 khu liên hợp thể thao, 30 sân vận động, 67 sân bóng đá mini, 240 sân bóng chuyền, 190 sân cầu lông, 21 sân bóng rổ, 20 bể bơi, 2 sân quần vợt, 3 sới vật; có 289 đoạn đường nở hoa, 54 đoạn đường vẽ tranh bích họa đã đáp ứng tốt nhu cầu luyện tập, tạo môi trường văn hóa thể thao lành mạnh cho Nhân dân.
Thời gian tới, tôi mong chính quyền các cấp, Ủy Ban Dân tộc TP Hà Nội có những chủ trương về phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, đồng thời nâng cao chất lượng các nhà văn hóa, thiết chế văn hóa để người dân có nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa cộng đồng được bảo đảm.
Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân (Quốc Oai) Nguyễn Văn Nghĩa
Chuyển biến tích cực
Hà Nội là địa bàn có nhiều di sản văn hóa phi vật thể nhất cả nước. Việc đầu tư hệ thống nhà văn hóa cơ sở không chỉ giúp cải thiện đời sống văn hóa, mà còn tạo "bệ đỡ" cho việc bảo tồn các di sản văn hóa, nhất là những loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, khi các nghệ nhân có không gian để luyện tập, biểu diễn.
Ðiển hình như ở thôn Nhị Khê (xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên), nhờ có nhà văn hóa, câu lạc bộ (CLB) Hát chèo có địa điểm sinh hoạt thường xuyên. Hiện, CLB có tới gần 40 thành viên. Những dịp cao điểm, tối nào nhà văn hóa cũng sáng đèn bởi các "nghệ sĩ nông dân" đến tập luyện.
Câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở các địa bàn như: Tân Hội (huyện Ðan Phượng), Liên Hà (huyện Ðông Anh), Văn Nhân (huyện Phú Xuyên)…
Nhà văn hóa thôn Đại Độ (xã Võng La) được xây dựng từ năm 2018. Đây là một công trình lớn với tổng diện tích hơn 3.000m2, gồm nhà văn hóa và khuôn viên chung quanh. Nhưng điều người dân thôn Đại Độ tự hào không phải quy mô của nhà văn hóa, mà bởi không khí của nhà văn hóa thôn luôn sôi động.
Nếu ngày thường mọi người đi làm thì vào buổi sáng, buổi tối hay ngày cuối tuần, các CLB phải xếp lịch để hoạt động.
Hiện nay, nhà văn hóa thôn Đại Độ có tới 9 CLB khác nhau thường xuyên sinh hoạt, gồm: văn nghệ, Bóng đá, Bóng cửa, Yoga, Khiêu vũ, Bóng chuyền hơi, Trống hộ…
Người dân thôn Đại Lộ đã bầu ra Ban Chủ nhiệm Nhà văn hóa gồm 5 ông, bà. Đó là nòng cốt của phong trào. Vào các buổi tối mùa Hè, nhà văn hóa còn tổ chức các hoạt động Hè cho thanh, thiếu nhi. Nhà văn hóa hiện có một tủ sách để tuyên truyền pháp luật, có hệ thống bàn ghế, loa đài để phục vụ các cuộc họp, các hoạt động văn nghệ được chu đáo.
Cũng như thôn Đại Độ, nhà văn hóa TDP số 9 thị trấn Đông Anh luôn sáng đèn mỗi tối. Bà Nguyễn Thị Lan đại diện TDP số 9 cho biết: “Từ năm 2020, sau khi được UBND thị trấn đầu tư xây nhà văn hóa mới, Nhân dân trong tổ đồng lòng góp công, góp của đầu tư thêm các trang, thiết bị phục vụ cho sinh hoạt văn nghệ, thể thao”.
Nhà văn hóa được trang trí trang trọng, đẹp mắt, tạo không gian tươi vui đầm ấm và được Nhân dân khai thác hiệu quả. Sắp tới, chúng tôi sẽ có thêm CLB Thơ, CLB Hát chèo và một số CLB thể thao khác, đổi mới hình thức hoạt động như giao lưu, hội thi, hội diễn văn nghệ, TDTT quần chúng để nhà văn hóa là nơi gắn kết mọi người”.
Có thể thấy, nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả các thiết chế văn hóa, không chỉ khu vực nội thành, các làng quê khang trang, đổi mới, sáng, xanh, sạch, đẹp hơn, nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa.
Hoạt động hiệu quả của thiết chế văn hóa đã giúp người dân vừa là chủ thể tham gia, vừa là đối tượng thụ hưởng văn hóa cũng như góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của Nhân dân.
(Còn nữa)
Thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, Quận ủy Thanh Xuân đã xây dựng các kế hoạch để tổ chức thực hiện. Quận đặc biệt coi trọng công tác giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh, gương mẫu và tinh thần thượng tôn pháp luật của người Hà Nội…
Thời gian tới, huyện xác định nội dung trên là nội dung cần thực hiện thường xuyên, liên tục. Quận Thanh Xuân đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trong đó có quan tâm chỉ đạo việc thực hiện đầu tư về cơ sở vật chất cho phát triển thiết chế văn hóa, cho sự nghiệp giáo dục đào tạo; chú trọng xây dựng các chương trình giáo dục thẩm mỹ phù hợp cho học sinh các trường học thuộc khối mầm non, trung học, trung học cơ sở. Xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; sống nhân ái, nghĩa tình, thủy chung, trong sáng, tuân thủ pháp luật.
Trưởng phòng VHTT quận Thanh Xuân Ngô Minh Hồng