Bài 2: Đào tạo theo nhu cầu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Hà Nội đã rất quan tâm chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho các đơn vị địa phương.

Song cho đến nay, vẫn còn những khó khăn. Để giải quyết những vướng mắc, nâng cao hiệu quả Đề án, tránh lãng phí, Hà Nội cần dạy nghề theo hướng nào? Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có  cuộc trao đổi với bà Hoàng Thu Phong, Trưởng phòng Quản lý đào tạo nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xung quanh vấn đề này.

Bà Phong cho biết: Trong 9 tháng năm 2011, toàn thành phố đã đào tạo được 10.380 lao động nông thôn. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo là 70%.

- Thưa bà, thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từ năm 2010 đến nay, Hà Nội đã làm được những gì?

Ngay sau khi Đề án 1956 có hiệu lực, Hà Nội đã triển khai công tác thực hiện. Từ năm 2010 đến nay, chúng tôi đã tiến hành 3 cuộc điều tra, gồm: Điều tra nhu cầu học nghề của lao động nông thôn tại 100% hộ gia đình thuộc đối tượng điều tra; Điều tra nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp và hộ sử dụng từ 10 lao động trở lên trên địa bàn 18 huyện, quận Hà Đông và thị xã Sơn Tây; Điều tra các cơ sở dạy nghề trên địa bàn thành phố. Đến nay, các huyện, quận Hà Đông, thị xã Sơn Tây đã xây dựng xong đề án thực hiện đến năm 2020. Các địa phương cũng đã mở được hàng trăm lớp dạy nghề với số người được đào tạo nghề trong năm 2011 ước lên tới gần 20.000 người. Những địa phương thực hiện khá tốt chương trình này là Ba Vì, Từ Liêm, Thạch Thất… 

- Có ý kiến cho rằng, việc đào tạo nghề theo Đề án 1956 chưa thực sự hiệu quả. Các nghề  dạy cho nông dân chưa phù hợp với thực tế khiến nông dân học xong không áp dụng được… Ở Hà Nội, tình trạng này diễn ra thế nào, thưa bà?

Ở Hà Nội, chúng tôi yêu cầu các địa phương phải xây dựng đề án, trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và nhu cầu bổ sung lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp, đồng thời căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và phải đạt được mục tiêu đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, từ đó xác định danh mục nghề, quy mô đào tạo và kinh phí đào tạo. Các lớp dạy nghề do các địa phương tổ chức dựa trên cơ sở đăng ký học nghề của người dân. Nghĩa là người dân phải cân nhắc trước khi quyết định đi học, sau đó đăng ký tham gia thì địa phương mới mở lớp đào tạo. Do đó tôi nghĩ rằng, những nghề mà người dân đăng ký học tương đối phù hợp với họ.

- Cụ thể, những nghề đó là gì, thưa bà?

Chúng tôi tập trung vào các nghề liên quan đến nông nghiệp như: trồng hoa - cây cảnh, trồng rau an toàn, trồng lúa chất lượng cao, chăn nuôi, thú y… Ngoài ra còn có các nghề phi nông nghiệp như: Kỹ thuật khảm trai, sơn mài, thêu, may công nghiệp, sản xuất hàng mây tre đan... Đây được xem là nhóm nghề đào tạo theo nhu cầu của lao động nông thôn và yêu cầu của thị trường, gắn đào tạo nghề với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Cách làm này cũng tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp theo Bộ Tiêu chí Quốc gia về Xây dựng nông thôn mới. Qua kiểm tra tại một số địa phương, tôi thấy người dân khá hào hứng khi tham gia lớp học.    

- Với những nét đặc thù về kinh tế - xã hội của Hà Nội, công việc thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn có gì thuận lợi - khó khăn, thưa bà?

Thuận lợi thì có nhiều, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo và ưu tiên bố trí nguồn lực của thành phố. Nhưng xét về đặc điểm tình hình xã hội, có những thuận lợi lại chính là khó khăn cho công tác đào tạo nghề.

Ở Hà Nội, lao động nông thôn có nhiều cơ hội tìm việc làm, nhất là những công việc giải quyết nhu cầu trước mắt như làm thuê, đi chợ bán hàng… Bên cạnh đó, lao động nông thôn hầu hết là chủ lực trong gia đình, nếu đi học thì thu nhập giảm... Do đó, họ không thiết tha với việc học nghề. Ngoài ra, cơ chế chính sách cũng còn nhiều bất cập. Bởi theo Đề án,  chỉ có lao động nông thôn là người dân tộc thiểu số thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo và hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo học các khóa học trình độ trung cấp nghề và cao đẳng mới được hưởng chính sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú. Những đối tượng lao động nông thôn khác dù thích học trung cấp nghề, cao đẳng nghề nhưng chính sách của Nhà nước lại không hỗ trợ, chỉ hỗ trợ đào tạo sơ cấp. Hoặc như vấn đề, mức hỗ trợ đào tạo nghề tối đa (3 triệu đồng/người/khóa học, 2,5 triệu đồng/người/khóa học, 2 triệu đồng/người/khóa học tùy theo từng loại đối tượng) trong điều kiện giá cả nguyên nhiên vật liệu, chi phí leo thang như hiện nay cũng là vấn đề cần phải xem xét..

- Vậy theo bà, để thực hiện Đề án 1956 đạt được hiệu qủa như mong muốn, trong thời gian tới, Hà Nội cần làm gì?

Các dự báo về phát triển kinh tế của Hà Nội cho thấy, cơ cấu lao động nông thôn sẽ dần chuyển sang những lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp là chính, giảm dần quy mô và tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Do đó việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn là cấp thiết, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội. Đồng thời tiếp tục tăng cường đầu tư để phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn và có chính sách khuyến khích, huy động toàn xã hội tham gia vào đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn, thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy nghề, gắn đào tạo nghề với việc tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững.

- Xin cảm ơn bà!

Theo dự thảo Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn vừa được UBND TP ban hành để lấy ý kiến đóng góp, Hà Nội phấn đấu đến năm 2015 nâng tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo lên 45% và đến năm 2020 là 70%, bình quân hàng năm đào tạo nghề cho 62.000 lao động ở nông thôn.