Phát triển công nghiệp văn hóa - cơ hội cho làng nghề Hà Nội

Bài 2: Đòn bẩy cho phát triển công nghiệp văn hóa ở làng nghề

An Nhiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để củng cố và phát triển bền vững ngành thủ công mỹ nghệ tại Hà Nội như một nguồn vốn văn hóa, cần có một chiến lược dài hạn, triển khai các giải pháp đồng bộ, thiết thực và hiệu quả.

Công việc này, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của các cơ sở sản xuất, các làng nghề, sự tham gia của hiệp hội thì rất cần sự hỗ trợ, quản lý, điều tiết vĩ mô thống nhất của Nhà nước, sự liên kết phối hợp giữa sở, ngành, cơ quan chức năng để có thể thành công và phát triển bền vững.

Khó bắt nhịp với xu thế

Hiện nay, làng nghề Bát Tràng vẫn lưu giữ được bí quyết sản xuất với kỹ năng, kỹ xảo được truyền từ đời này sang đời khác, luôn là sự kết giao giữa phương pháp thủ công tinh xảo với sự sáng tạo nghệ thuật. Hầu hết khâu sản xuất ở làng gốm Bát Tràng đều sử dụng kỹ thuật truyền thống lâu đời đặc trưng, bao gồm nhiều công đoạn, từ khai thác, chế biến nguyên liệu đến hoàn chỉnh sản phẩm để bán ra thị trường cho người tiêu dùng.

Các sản phẩm được sản xuất theo lối thủ công, vì thế, thể hiện rõ nét kỹ năng tài hoa của người thợ được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Do tính chất của các nguồn nguyên liệu tạo cốt gốm và việc tạo dáng đều làm bằng tay trên bàn xoay, cùng với việc sử dụng các loại men khai thác trong nước theo kinh nghiệm, nên đồ gốm Bát Tràng có nét riêng.


Trước sự cạnh tranh ở trong và nước ngoài, làng gốm Bát Tràng đang không ngừng đầu tư, tập trung hơn tới mặt hàng gia dụng, trang trí để phục vụ thị hiếu người tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo TS Lê Thị Cúc - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, với đặc thù là sản phẩm gắn liền với văn hóa dân tộc, gốm Bát Tràng vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng của một sản phẩm thị giác, trở thành một sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa dân tộc. Hiện nay, thực trạng xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm của làng nghề Bát Tràng còn nhiều bất cập.

Kiến trúc độc đáo của Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm. Ảnh: Vũ Hải
Kiến trúc độc đáo của Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm. Ảnh: Vũ Hải


Cụ thể, các cửa hàng kinh doanh gốm sứ tại làng nghề truyền thống Bát Tràng mọc lên ngày càng nhiều, song giữa các cơ sở kinh doanh lại có hiện tượng cạnh tranh chưa lành mạnh. Hầu hết sản phẩm gốm sứ có mặt tại các cửa hàng trong làng nghề đều có mẫu mã giống hệt nhau, chưa có dấu ấn riêng để tạo thương hiệu. Người dân làng gốm cũng chưa nhận thức sâu sắc những giá trị văn hóa từ sản phẩm gốm sứ của họ. Vì vậy, việc quảng bá sản phẩm gốm của làng nghề đến du khách còn nhiều hạn chế.

 

 

 

Chúng ta cần nghiên cứu, xây dựng kho tư liệu để dễ dàng truyền thông, phối hợp xây dựng sản phẩm, từ đó có thể kể câu chuyện rộng hơn về sản phẩm thủ công. Ngoài sản phẩm vật lý như con giống bột, chiếc quạt, đồ sơn mài thì câu chuyện xoay quanh chúng cũng được coi là kết tinh của nghề truyền thống.
Giám đốc sáng tạo thương hiệu “Tired city” Nguyễn Việt Nam

 

Nhìn ở góc độ rộng hơn về thực trạng nguồn lực để phát triển thủ công mỹ nghệ tại Hà Nội, GS.TS Từ Thị Loan - Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia nhìn nhận, dù có nhiều thế mạnh nhưng nguồn nhân lực, cơ sở hạng tầng - kỹ thuật, nguồn lực tài chính vẫn còn vướng mắc, bất cập.

Về nguồn nhân lực, hầu hết các DN, cơ sở sản xuất không có người thiết kế chuyên nghiệp, chủ yếu dựa vào nghệ nhân, thợ giỏi. Các nghệ nhân lại ít nắm được nhu cầu của thị trường, không có kỹ năng thiết kế, nên chỉ sáng tạo mày mò theo cảm tính.

Về cơ sở hạ tầng - kỹ thuật, nguồn lực vật chất này cũng chưa được khai thác và phát huy hợp lý, thậm chí là phát triển không bền vững. Theo số liệu của Sở Công Thương Hà Nội, trong số 1.350 làng nghề chỉ có 313 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận, 207 làng có nghề đang phát triển, 543 làng có nghề bị mai một và 287 làng có nghề có dấu hiệu mai một.

Về nguồn lực tài chính, những năm gần đây, chính sách của Nhà nước về vốn và đầu tư, tín dụng đã có nhiều đổi mới, góp phần tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình và DN trong nghề phát triển.

 

 

Khi tích hợp câu chuyện di sản vào sản phẩm thủ công truyền thống, chúng ta có thể tạo ra giá trị lớn hơn cho văn hóa dân tộc. Từ những món quà lưu niệm cho bạn bè quốc tế, đồ thủ công và câu chuyện về quá trình tạo ra nó sẽ trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam - TS Lê Thị Minh Lý

 

Tuy nhiên, đối với các DN lớn, trường vốn, năng lực kinh tế mạnh thường có thể đứng vững trước biến động của thị trường, giá cả, nguyên vật liệu. Còn lại, với đa phần các DN nhỏ và siêu nhỏ, hộ gia đình, cơ sở sản xuất quy mô khiêm tốn thì năng lực tài chính thường hạn hẹp, thị trường tiêu thụ phụ thuộc vào bao tiêu của các DN lớn, nên bị lay động trong sản xuất, kinh doanh.

Trong khi đó, việc thực thi một số chính sách về vốn, đầu tư tín dụng còn chưa cụ thể, thiếu minh bạch, khả năng tiếp cận các nguồn vốn chính thức hay bán chính thức của người dân còn bị hạn chế.

Đẩy mạnh khoa học, công nghệ

Trong quá trình phát triển, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, chỉ những DN nào kịp thời đổi mới sáng tạo, nắm bắt công nghệ hiện đại thì mới trụ vững và phát triển mạnh (như mộc mỹ nghệ Đồng Kỵ, Phù Khê, Hương Mạc...). Ngược lại, những làng nghề chậm đổi mới sẽ dần dần đánh mất thị trường, sản xuất bị thu hẹp, đình trệ.

Do vậy, theo nhiều chuyên gia, các cơ sản sản xuất ở làng nghề cần tăng cường ứng dụng kỹ thuật công nghệ, đầu tư trang thiết bị vào sản xuất, kinh doanh.

Vì dịch bệnh, các làng nghề không chỉ phải dừng sản xuất, không tạo ra doanh thu mà còn ảnh hưởng đến việc làm của hàng trăm nghìn lao động nông thôn. Trước thực trạng đó, cơ sở sản xuất trong làng nghề buộc phải tìm hướng đi phù hợp để bù đắp những thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt lụa Vạn Phúc Phạm Khắc Hà cho hay: các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong làng nghề Vạn Phúc đã tổ chức mô hình bán hàng trực tuyến theo nhóm, như các cơ sở Lan Sơn, Phương silk, Phúc Hưng, Phong Thư silk… đã thành lập nhóm bán hàng trên mạng xã hội như Zalo, Facebook… liên kết hơn 100 hộ gia đình.

Thành viên của nhóm bao gồm các hộ gia đình chuyên cung cấp nguyên liệu, sản xuất và kinh doanh thương mại. Từ nhóm này, các thành viên chủ động tìm được nguồn nguyên liệu sản xuất, giới thiệu mặt hàng do chính cơ sở sản xuất. Với những dữ liệu trong nhóm, các cơ sở chuyên làm thương mại sẽ tập trung quảng cáo, kết nối với người mua có nhu cầu. Những hộ kinh doanh còn tận dụng nền tảng công nghệ để tư vấn, bán hàng trực tuyến.

GS.TS Từ Thị Loan cho rằng, trong điều kiện giao lưu thương mại toàn cầu, việc ứng dụng khoa học công nghệ mới có ý nghĩa quyết định tới sự đảm bảo và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Song cần lưu ý, việc áp dụng khoa học kỹ thuật không phải là thay thế hoàn toàn mà vẫn phải giữ được nét văn hóa và truyền thống cốt yếu trong mỗi sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Mặt khác, theo các chuyên gia, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước có tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như sự phát triển bền vững của ngành thủ công mỹ nghệ. Để tạo được bước đột phá, phải có những bước đi kiên quyết, đảm bảo một hành lang pháp lý thuận lợi, một môi trường kinh doanh thông thoáng, phát huy những mặt tích cực, giảm thiểu mặt hạn chế trong thời gian qua.

Trước hết, cần xây dựng và ban hành Luật Làng nghề để điều chỉnh mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, lợi ích cộng đồng và lợi ích quốc gia. Luật Làng nghề sẽ đảm bảo cho sự phát triển bền vững của làng nghề Việt Nam, trong đó có nghề thủ công mỹ nghệ.

Cần tiếp tục ban hành các chính sách khuyến khích phát triển nghề và sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Hoàn thiện công tác quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủ công mỹ nghệ trong cả nước. Hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong ngành thủ công mỹ nghệ.

Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cụ thể về tài chính, tiếp cận nguồn vốn, cho vay tín dụng với lãi suất thấp, ưu đãi về thuế, phí; ưu tiên mặt bằng sản xuất; hỗ trợ chuyển giao, đổi mới công nghệ sản xuất; xử lý rác thải, bảo vệ môi trường; xúc tiến thương mại, hỗ trợ hoạt động xuất, nhập khẩu; đào tạo nguồn nhân lực...

 

 

Cần đa dạng loại hình đào tạo, bồi dưỡng, thực hành nghề, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại là giải pháp cơ bản để bảo đảm nguồn nhân lực ổn định và lâu dài cho các làng nghề. Tăng cường kết nối xây dựng tour tuyến tham quan có chất lượng, để mỗi làng nghề trở thành một địa chỉ du lịch văn hóa sống động và hút khách.
Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia - GS.TS Từ Thị Loan 

 

Nhà nước cũng phải giữ vai trò chủ đạo trong chính sách về phát triển cơ sở hạ tầng, vì nếu không có giao thông tốt, thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa sẽ làm đổ vỡ chuỗi cung ứng.
(Còn nữa)