Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nới quy định để cổ vật hồi hương

Bài 2: Hành lang pháp lý chưa hoàn thiện

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Số lượng cổ vật của Việt Nam hồi hương được xem là rất khiêm tốn với số lượng đang lưu lạc ở nước ngoài.

Một trong những nguyên nhân của việc này chính là thủ tục hồi hương cho các cổ vật còn vòng vèo 5 - 8 cửa vẫn không xong, việc tham gia các công ước quốc tế bảo vệ di sản còn chưa đủ mạnh để đối chọi với các quy định khá chặt chẽ, có lợi cho người đang sở hữu cổ vật ở nước sở tại…

Không thể thông quan vì chưa đóng thuế

Tọa đàm góp ý Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), TS Phạm Quốc Quân - Ủy viên Ban chấp hành Hội Di sản văn hóa Việt Nam đã mạnh mẽ bày tỏ: “Nhà nước có chủ trương hồi hương cổ vật nhưng có cổ vật về đến sân bay lại bị hải quan giữ lại vì chưa đóng thuế. Mức thuế lên đến 10% tổng giá trị cổ vật, việc này gây khó khăn lớn cho các đơn vị”. Giá trị của nhiều cổ vật lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Số tiền đóng thuế sẽ là không nhỏ, trong khi mục đích hồi hương cổ vật lại mang tính vì cộng đồng xã hội, không kinh doanh lợi nhuận.

Những ý kiến này bắt nguồn từ câu chuyện cách đây mấy năm, một doanh nhân đã tiến hành đấu giá thành công một cổ vật rất có giá trị thời Nguyễn để bổ sung cho bộ sưu tập của mình. Tuy nhiên, đã phải năm lần bảy lượt gửi văn bản đến các cơ quan chức năng xin được ưu đãi miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với món cổ vật mới mua, nhưng mãi mới được chấp thuận.

Chiếc xe kéo của thái hậu Từ Minh sau khi đấu giá thành công ở Pháp đã được đưa về quê hương.
Chiếc xe kéo của thái hậu Từ Minh sau khi đấu giá thành công ở Pháp đã được đưa về quê hương.

Tháng 11/2023, người yêu di sản đều hồ hởi khi một doanh nhân ở Bắc Ninh bỏ 153 tỷ đồng để đưa ấn Hoàng đế Chi bảo về nước. Câu chuyện đưa ấn về Việt Nam cũng chẳng thiếu nhưng nội dung chưa thể bày tỏ trước dư luận. Người trong ngành gọi đó là “thâm cung bí sử” của cổ vật.

Cổ vật Việt được rao bán trên sàn đấu giá của đơn vị tư nhân, theo đúng cơ chế Việt Nam chỉ có thể sở hữu cổ vật nếu trả giá cao nhất trên thị trường. Nếu như vậy, tiền đầu tư để mua cổ vật, trở thành đơn vị thắng đấu giá… sẽ là bài toán may rủi. Chưa kể, Việt Nam cũng chưa có cơ chế nào về tài chính ngân sách cho việc mua bán cổ vật như vậy.

Chính vì vậy, chỉ có thể cá nhân, DN đứng ra dưới sự nỗ lực ngoại giao bằng con đường văn hóa ấn Hoàng đế Chi bảo mới có thể trở về Việt Nam, nhưng việc minh bạch hóa công quả của các cá nhân có liên quan cũng không thể công bố.

Đó là câu chuyện của tư nhân có tiền đầu tư. Các bảo tàng công lập sẽ càng khó khăn trong việc tiếp cận đưa cổ vật hồi hương. Vì tất cả các bảo tàng công trong nước hiện đều chưa đủ điều kiện để đáp ứng hoặc tham gia các phiên đấu giá cổ vật quốc tế.

Để mua một hiện vật, các bảo tàng phải thực hiện đủ các thủ tục để đảm bảo nguyên tắc khoa học, tài chính và các thủ tục này cần nhiều thời gian, còn đấu giá là câu chuyện của từng phút, từng giây. Vì thế các bảo tàng công lập rất khó có thể tham gia đấu giá cổ vật.

“Nói chung, các bảo tàng trong nước chưa thể đấu giá để đưa cổ vật hồi hương. Cho nên, vừa rồi ở Huế có doanh nhân đấu giá và đưa cổ vật về tặng lại cho Huế. Chúng ta chưa có cơ chế cho việc đó. Ngay các hiện vật ở Huế vừa rồi, giải quyết thủ tục hải quan mãi mới xong” - một lãnh đạo bảo tàng cho biết.

Hiện nay cơ chế, chính sách và cả chiến lược cho việc hồi hương cổ vật Việt Nam đang là một “khoảng trắng”. Ngày 2/11/2015, Bộ Tài chính có văn bản số 16192/BTC-TCHQ về việc không thu thuế giá trị gia tăng các cổ vật có giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt Nam bị lưu lạc ở nước ngoài nay được nhập khẩu trở lại, không vì mục đích thương mại, kinh doanh, chỉ để bảo tồn, gìn giữ giá trị lịch sử của dân tộc khi được Bộ VHTT&DL xác nhận là cổ vật.

Cũng vì chỉ mới có một văn bản hướng dẫn như vậy nên rất khó khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia một cách tích cực trong việc hồi hương cổ vật Việt Nam.

Vấp váp với quy định của nước ngoài

Rất nhiều cổ vật dù xác định rõ nguồn gốc nhưng để tranh chấp quyền sở hữu chúng ta vẫn đuối về lý. Cụ thể như năm 2022, trong đợt đấu giá của Công ty đấu giá “Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn” (Trung Quốc) đã xác định được 31 đạo sắc phong có nguồn gốc ở các di tích Hà Nội.

Tuy nhiên để hồi hương các đạo sắc phong này, Hà Nội không có thẩm quyền. Bà Phạm Thị Lan Anh - Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở VH&TT Hà Nội cho biết: Việc đàm phám đưa cổ vật về nước đối với cấp địa phương như Hà Nội thì không đủ thẩm quyền mà phải ở tầm quốc gia, bởi nó liên quan đến Công ước quốc tế về di sản văn hóa. Khi tham gia Công ước thì chúng ta có quyền lên tiếng để được bảo vệ, nhưng quyền này không được phân cấp về các tỉnh, TP mà Chính phủ phải can thiệp, giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan.

TS Trần Đức Anh Sơn đã thông tin sự kiện đòi cổ vật không thành của cựu hoàng Bảo Đại. Năm 1988, cựu hoàng Bảo Đại đâm đơn kiện đơn vị đấu giá lên một tòa án dân sự ở Paris, để bảo vệ những bảo vật của nhà Nguyễn đã bị đánh cắp.

Tuy nhiên, đơn kiện của cựu hoàng Bảo Đại bị tòa án bác bỏ, vì cựu hoàng không có tư cách đại diện cho Việt Nam trong vụ kiện này. Cựu hoàng Bảo Đại liền liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Paris để nhờ can thiệp. Sau đó, Đại sứ quán Việt Nam đã có công văn gửi về các bộ, ngành liên quan ở Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Huế yêu cầu cung cấp thông tin về các hiện vật này để làm cơ sở pháp lý theo đuổi vụ kiện.

Nhận được yêu cầu trên, UBND TP Huế đã thành lập một hội đồng do Chủ tịch UBND TP Huế đứng đầu, với sự tham gia của nhiều chuyên viên trong lĩnh vực văn hóa và nghiên cứu lịch sử ở Huế để xem xét vụ việc. Hội đồng đã mời hai cụ Bửu Hàn và Ưng Tương, từng là quản thủ Viện Bảo tàng Huế (Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế hiện nay) trong giai đoạn 1958 - 1979, để tham vấn và nhờ họ cung cấp thông tin về hiện vật để lập hồ sơ gửi cho Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp. Lúc này, tại Paris, luật sư Việt kiều Đào Văn Thụy thừa ủy quyền của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, tiến hành thủ tục thưa kiện.

Đây là một nhiệm vụ khó khăn, bởi theo luật của Pháp, bất kỳ của cải bất minh nào mà không có ai tranh chấp, thưa kiện, thì sau 30 năm (đối với bất động sản) và sau 3 năm (đối với động sản) sẽ mặc nhiên thuộc quyền sở hữu của người đang giữ của cải đó. Cổ vật, tác phẩm văn hóa, mỹ thuật cũng vậy.

Vì thế, cho dù Đại sứ quán Việt Nam có chứng minh được những cổ vật trên thuộc về triều Nguyễn ở Việt Nam, nhưng do trong 30 năm qua không có ai đả động gì về quyền sở hữu những hiện vật này, thì chúng đương nhiên thuộc về “Monsier X.” và ông ấy có quyền đưa ra bán đấu giá.

Vụ kiện trên cho thấy, việc “đòi lại” cổ vật Việt Nam đang lưu lạc ở nước ngoài là rất cam go, do pháp luật của các nước này có những điều khoản để bảo vệ những tài sản văn hóa của quốc gia khác, đã bị cướp bóc và mang về chính quốc trong thời kỳ thực dân. Điều này gây bức xúc cho các quốc gia có di sản văn hóa bị tước đoạt và bị xâm hại.

Để tránh được các khoảng trống trong việc đòi di sản thất bại, Việt Nam cần tham gia mạnh mẽ hơn vào các công ước quốc tế về di sản văn hóa, bám sát các quy định luật của quốc tế để con đường hồi hương di sản bớt gập ghềnh.

 

Luật Di sản văn hóa của Việt Nam hiện vẫn chưa có một điều luật hay văn bản dưới luật nào quy định, hướng dẫn cụ thể việc đưa cổ vật về nước. Do vậy, các tổ chức, cá nhân khi đưa cổ vật Việt Nam hồi hương phải đối diện nhiều thủ tục hành chính, cùng những vướng mắc về thuế, hải quan…

GS.TS Từ Thị Loan - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

(còn nữa)