>>> Bài 1: Nguy cơ trẻ hóa bệnh lý tim mạch, ung thư
Nếu Việt Nam không có các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá mạnh mẽ, kịp thời ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới thì tỉ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại. Tuy nhiên, về mặt pháp luật thì vẫn chưa có quy định nào đưa ra việc cấm sử dụng loại mặt hàng này.
Báo động gia tăng người trẻ hút thuốc lá điện tử
Hiện nay, số người trẻ hút thuốc lá vẫn tiếp tục gia tăng dù đã có nhiều lời cảnh báo về những tác hại khôn lường đến sức khoẻ. 90% ca ung thư phổi liên quan tới thuốc lá, nguy cơ ung thư phổi từ hút thuốc lá thụ động từ 20 - 30%.
Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, qua thực tế lâm sàng, tại bệnh viện có rất nhiều ca bệnh nặng, nguy kịch do tác hại của khói thuốc.
Có bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) phải đặt nội khí quản, thở máy tốn rất nhiều tiền. Sau thời gian nằm viện, bệnh nhân lại tiếp tục hút thuốc lá và bị đợt cấp phải nhập viện điều trị.
Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân khác bị ung thư phổi, đột quỵ não, nhồi máu cơ tim cũng do tác hại của khói thuốc. Nhiều ca bệnh thương tâm do thuốc lá điện tử, sau hút gây cháy nổ vỡ cả hàm. Có trường hợp tổn thương phổi cấp chỉ sau vài hơi thuốc, có trường hợp hút xong thì liệt tứ chi và sống cuộc đời phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở…
Theo Bộ Y tế, những năm gần đây, trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu thông thường giảm thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở lứa tuổi trẻ.
Nhiều người trẻ nghĩ rằng, thuốc lá điện tử là vô hại, không gây nghiện và không ảnh hưởng đến sức khỏe như thuốc lá điếu truyền thống. Tuy nhiên, thực tế và khoa học lại chứng minh điều ngược lại. Thậm chí, thuốc lá điện tử còn bị các đối tượng trộn ma túy và nhiều chất cấm khác, gây ngộ độc cho nhiều người sử dụng.
Một dẫn chứng cụ thể, cuối tháng 10/2023, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận điều trị trường hợp nam bệnh nhân (27 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng đau đầu, chóng mặt, nhịp tim chậm, phản xạ căng cơ tăng, nhiễm toan chuyển hóa do kích thích mất nước...
Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân cho biết triệu chứng này xuất hiện sau khi hút 2 điếu thuốc lá (bao bì "Get high" - siêu phê, trên điếu thuốc có chữ bom). Đây loại thuốc lá này được bệnh nhân mua trên mạng. Trước đó, bệnh nhân đã sử dụng, nhưng lần này mới xảy ra những biểu hiện trên. Bản thân bệnh nhân cũng không biết thuốc lá này có nguồn gốc từ đâu.
TS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, kết quả xét nghiệm gói thuốc lá điếu bệnh nhân mang đến cho thấy, trong sợi thuốc lá có các chất ma túy tổng hợp thế hệ mới MDMB-BUTINACA và ADB-BUTINACA.
Đây đều là những chất thuộc nhóm ma túy cần sa tổng hợp, được phát hiện trong một số sản phẩm thuốc lá điện tử từng gây ngộ độc nghiêm trọng cho nhiều trường hợp đã vào điều trị tại Trung tâm thời gian qua.
Ngoài ra, thời gian qua, Trung tâm đã tiếp nhận không ít bệnh nhân ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử trộn ma túy tổng hợp, cần sa, tinh dầu cần sa. Đồng thời, tại đây cũng cấp cứu không ít những trường hợp ngộ độc do hút thuốc lào có tẩm ma tuý. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Trung tâm ghi nhận có trường hợp ngộ độc ma túy tổng hợp do hút thuốc lá điếu.
“Bệnh nhân sau hút phải thuốc lá tẩm ma túy thường xuất hiện tình trạng co giật, kích thích, vật vã, ảo giác, không kiểm soát được hành vi. Nhưng nguy hiểm hơn cả, ma túy thế hệ mới tẩm trong thuốc lá có thể gây tổn thương đa tạng, hôn mê, co giật, hoang tưởng, mất ngủ, ảo giác, sốc, suy thận, thậm chí ngừng tim” - TS Nguyên cảnh báo.
Cũng tại Bệnh viện Bạch Mai, hồi tháng 8/2023, đơn vị đã tiếp nhận nam bệnh nhân nam 19 tuổi nhập viện trong tình trạng xuất hiện cơn đau tức ngực. Theo lời kể của bệnh nhân, trước khoảng hơn 1 tháng, bệnh nhân có sử dụng thuốc lá điện tử.
Cách vào viện 2 ngày, bệnh nhân xuất hiện đau ngực sau xương ức, thành cơn, mỗi cơn kéo dài 15-20 phút, trong cơn kèm khó thở, sốt không rõ nhiệt độ, ho khan mệt mỏi nhiều. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm màng ngoài tim và viêm phổi.
Trong quá trình khám bệnh, bác sĩ Vũ Văn Hoài - Khoa Sử dụng chất và y học hành vi, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận không ít bệnh nhân gặp rối loạn tâm thần do thuốc lá điện tử.
Điển hình là nữ bệnh nhân N.T.X. (27 tuổi, tại Hà Nội), được mẹ đưa đi khám tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai do hút thuốc lá điện tử quá nhiều, có các hành vi bất thường (mơ màng, đờ đẫn, mệt mỏi, hay nhốt mình trong phòng…) và được chẩn đoán rối loạn tâm thần và hành vi do dùng thuốc lá điện tử.
Thực tế, có những học sinh chỉ mới 13 tuổi đã sử dụng thuốc lá điện tử được 2 năm và cũng thừa nhận đã dùng cần sa. Nhiều bạn trẻ nghĩ rằng, thuốc lá điện tử là vô hại, không gây nghiện và không ảnh hưởng đến sức khỏe như thuốc lá này khiến số lượng người sử dụng ngày càng tăng, gây nguy hại cho cộng đồng.
Qua những lần nói chuyện về tác hại thuốc lá tại các trường học, bác sĩ Lê Thị Thu Hà - Trưởng phòng sử dụng chất và Y học hành vi, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai được biết có rất nhiều trẻ đã hút thuốc lá điện tử từ 13-14 tuổi do đua đòi với bạn bè. Ở lứa tuổi này, não chưa hoàn thiện, khó kiểm soát cảm xúc, dẫn đến vùng não tổn thương sẽ khiến người hút khó từ chối các chất gây nghiện khác.
Đề xuất cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cảnh báo, thuốc lá điện tử có 15.000 loại hương vị, nguy cơ bị trộn cả chất ma túy. Người hút dễ phơi nhiễm các chất độc gây bệnh ung thư, tim mạch, hô hấp, ảnh hưởng đến phát triển trí não. Các chất độc được tìm thấy trong dung dịch thuốc lá điện tử và trong khói. Thuốc lá điện tử nhắm đến giới trẻ bằng thiết kế bắt mắt, nhỏ gọn, đóng gói như kẹo, nhiều hương vị, giá rẻ... quảng cáo thu hút.
Tại Việt Nam, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh, cụ thể trong nhóm 13-15 tuổi đều có xu hướng tăng nhanh, cả ở nam và nữ.
Năm ngoái, Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế Công cộng công bố kết quả nghiên cứu năm 2022 cho thấy 3,5% học sinh 13-15 tuổi hút thuốc lá điện tử, so với tỷ lệ 3 năm trước là 2,6%. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh nữ sử dụng thuốc lá có dấu hiệu gia tăng, chủ yếu là sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử.
Theo GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế, công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại nước ta vẫn đang gặp phải khó khăn, thách thức. Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới.
Những năm gần đây, thị trường xuất hiện các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa. Các sản phẩm này hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước, tuy nhiên, việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra phổ biến, đặc biệt trên môi trường mạng Internet.
Các sản phẩm này được thiết kế đa đạng với nhiều kiểu dáng và nhiều hương vị rất hấp dẫn với giới trẻ, điều này dẫn đến việc sử dụng thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng nhanh tại nước ta, đặc biệt trong lứa tuổi học sinh.
"Nếu chúng ta không tiếp tục thực hiện biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá mạnh mẽ và kịp thời ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại" - GS.TS Trần Văn Thuấn cho hay.
Thông tin về vấn đề này, bác sĩ Phan Thị Hải - Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế cho biết, thuốc lá điện tử đang ảnh hưởng xấu đến giới trẻ. Các kết quả nghiên cứu cho thấy thực trạng đáng báo động tại Việt Nam. Đó là trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu thông thường giảm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở lứa tuổi trẻ.
Nếu không quyết liệt ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới này tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại. Chúng ta sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn rất nhiều trong tương lai gần và các kết quả đạt được sẽ bị phá bỏ.
Theo Bộ Y tế, hiện nay, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá không quy định về các sản phẩm thuốc lá điện tử (Electronic Nicotine Delivery - ENDs) và thuốc lá nung nóng (Heated Tobacco Product - HTPs).
Ít nhất 60 hợp chất hóa học đã được tìm thấy trong dung dịch thuốc lá điện tử (còn gọi là tinh dầu) và nhiều hợp chất khác có trong sol khí, khói tạo ra từ thuốc lá điện tử.
Để giảm thiểu tình trạng sử dụng thuốc lá tại Việt Nam, đại diện Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế đề xuất, tăng thuế thuốc lá, cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ, truyền thông rộng rãi đến người dân.
Quyền Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế Trần Thị Trang cho biết, hiện nay chưa có bất cứ bằng chứng khoa học nào cho thấy thuốc lá điện tử an toàn hơn thuốc lá điếu thông thường.
Các nghiên cứu cho thấy thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có nguy cơ gây bệnh mãn tính giống như thuốc lá thông thường. Sản phẩm này có chứa nicotine là chất gây nghiện cao, độc hại, gây bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa và ung thư.
Trước đề xuất thí điểm kinh doanh thuốc lá mới, trong các năm 2020-2022, Bộ Y tế đã nhiều lần gửi công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cấm hoàn toàn đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Theo bà Trang, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang được kinh doanh bất hợp pháp nhưng tỉ lệ sử dụng đã có xu hướng gia tăng. Nếu cho phép kinh doanh thì sẽ có nguy cơ tăng mạnh, thu hút giới trẻ nhiều hơn và tạo ra một thế hệ nghiện nicotine mới.
Việc cho phép thí điểm thuốc lá mới cũng dẫn đến việc khó có thể kiểm soát được các sản phẩm tương tự, đồng thời phải giải quyết các hậu quả và bệnh tật.
Quan điểm của Bộ Y tế là không thí điểm các sản phẩm có hại cho sức khỏe. Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới vì đều là các sản phẩm có hại cho sức khỏe.
Ở góc độ chuyên gia, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm - chuyên gia WHO tại Việt Nam cho biết, thuế tiêu thụ đặc biệt trên giá bán lẻ thuốc lá của Việt Nam là 38,8%, trong khi đó ở Malaysia là 58,6%, Singapore là 67,5% và Thái Lan là 78,6%. Tỷ lệ này ở các nước phát triển là 67,9%, còn trung bình toàn cầu là 61,5%.
Theo khuyến cáo của WHO, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá cần ở mức 70% - 75% giá bán lẻ; tăng thuế thuốc lá thường xuyên để giá thuốc lá tăng nhanh hơn lạm phát và mức tăng thu nhập. Ngoài ra, nên tăng thuế thuốc lá để trong ngắn hạn nhằm đạt mục tiêu kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm.
Các chuyên gia nhận định, hiện Việt Nam chưa có thị trường thuốc lá điện tử, chủ yếu buôn bán qua hàng xách tay và qua internet. Bộ Y tế mới đây đề nghị quy định cấm trước khi sản phẩm này được sử dụng rộng rãi trên thị trường.
Chấm dứt ngay việc mua bán, lưu thông, sử dụng thuốc lá điện tử
Trước những tác hại của thuốc lá điện tử, đặc biệt với giới trẻ, nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội đã đề nghị cần có biện pháp chấm dứt ngay việc mua bán, lưu thông, sử dụng thuốc lá điện tử tại Việt Nam.
Bàn luận về về vấn đề này, ĐB Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) nhấn mạnh, các loại thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, shisha đã xuất hiện tại Việt Nam có chứa chất gây nghiện là ma túy, gây tác hại rất nghiêm trọng tới sức khỏe con người. Tuy nhiên, đến nay, hầu như chưa có động thái nào để giải quyết tác hại của các loại thuốc lá này.
Vì vậy, ĐB đề nghị Quốc hội cho sửa Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá hoặc có một văn bản quy phạm pháp luật nào khác để chấm dứt ngay việc mua bán, lưu thông, sử dụng thuốc lá điện tử tại Việt Nam. Các hành vi vi phạm đều bị xử phạt hình sự.
Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể về thuốc lá mới. Nêu quan điểm về vấn đề này, Phó Trưởng ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng phân tích, tại Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã quy định phạm vi điều chỉnh là “về các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và điều kiện bảo đảm để phòng, chống tác hại của thuốc lá”.
Luật cũng giải thích từ ngữ “thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác”.
Dù vậy, theo ông Nhưỡng, chúng ta vẫn đang có khoảng trống trong quy định pháp luật nên không có công cụ, phương tiện để quản lý thuốc lá mới, tức thiếu “điều kiện bảo đảm để chòng, chống tác hại của thuốc lá” theo quy định của Luật.
Cùng với đó, quản lý thuốc lá mới đang gặp khó khăn trong nhận thức do vẫn chưa thống nhất, thiếu đầy đủ, còn thiên lệch khi mới tập trung vào việc làm thế nào để giảm bớt tác hại của thuốc lá mới mà chưa quan tâm đến tính tổng thể của hệ thống các quy định.
Mặt khác, về thực tiễn, hiện cực phức tạp bởi nhu cầu của xã hội đã thay đổi. “Nếu chúng ta càng chậm ngày nào thì càng thiệt hại ngày đó”, ông Nhưỡng nhấn mạnh, hàm ý cần phải sớm có khung chính sách cụ thể cho quản lý thuốc lá mới.
Đồng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đỗ Thị Lan cho rằng, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá vẫn còn có hạn chế. Tại một số địa phương, việc lập kế hoạch, tổ chức thực hiện phòng, chống tác hại thuốc lá chưa thực sự được quan tâm. Một số quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá không còn phù hợp với thực tiễn.
Nhiều chuyên gia kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá để sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Trong đó, quy định cụ thể về quản lý và phòng, chống tác hại của thuốc lá mới; kiên quyết không cho phép sản xuất, kinh doanh và lưu hành các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam; cần có chính sách phù hợp để quản lý các điểm bán lẻ thuốc lá; cấm buôn bán thuốc lá ngoài cổng trường…
Chúng ta cũng cần ngăn chặn, kiểm soát việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới. Các sản phẩm hiện vẫn được bán trên thị trường và quảng cáo theo những cách thức gây hiểu lầm đối với những người trẻ tuổi dễ bị tổn thương.
TS Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam